Thành phố Vinh: 28 chợ đang hoạt động nhưng đứng trước nhiều khó khăn
Các chợ trên địa bàn thành phố Vinh hoạt động đa dạng theo nhiều mô hình khác nhau, nhưng nhìn chung đều đang gặp khó.
Nhiều chợ vắng khách
Thành phố Vinh hiện có 28 chợ đang hoạt động, gồm: Chợ hạng 1 có 2 chợ là chợ Vinh và chợ Ga Vinh. Chợ hạng 2 có 4 chợ (chợ Hưng Dũng, chợ Bến Thuỷ, chợ Phong Toàn, chợ Cọi Hưng Lộc); Chợ hạng 3 có 12 chợ (chợ Quán Lau, chợ Cửa Bắc, chợ Mới Trường Thi, chợ Đông Vĩnh, chợ Kênh Bắc, chợ Mai Dâu, chợ Đội Cung, chợ TECCO Vinh Tân, chợ Quyết, chợ Đước, chợ Quang Trung, chợ Quán Bàu) và một số chợ chưa được xếp hạng như chợ Trụ, chợ Đỉn, Quán Bánh, Nghi Ân, chợ Chùa Nghi Liên, chợ Cầu thực phẩm Hưng Phúc, chợ Hưng Đông, chợ Nghi Kim…
Có 1 chợ chưa hoạt động là chợ Nghi Kim, 1 chợ đang dừng hoạt động là chợ Cầu Thông. Đây là chưa tính tới các chợ sau khi sáp nhập Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc.
Với một đô thị loại 1 có vị trí quan trọng và diện tích khá lớn, các chợ ở thành phố Vinh có một vị trí ý nghĩa quan trọng, vừa là “hồn cốt” trong suốt chiều dài lịch sử của thành phố, vừa tạo việc làm, đời sống kinh tế cho khoảng 10.000 hộ dân.
Thế nhưng, theo thời gian, với sự phát triển của các loại hình dịch vụ thương mại và xu hướng tiêu dùng thay đổi, các khu chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Vinh đang gặp khó. Tại chợ Ga Vinh, chợ Quán Lau… tỷ lệ đóng cửa ki ốt khoảng 30%; rất nhiều tiểu thương ở các chợ cũng đóng ốt, rao bán quầy. Chợ Vinh hiện có 3.200 hộ kinh doanh, tổng doanh thu một năm khoảng 15 tỷ đồng, nhưng cơ sở vật chất hai bên chợ đang xuống cấp, khoảng 10% hộ kinh doanh trong đình đóng cửa.
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương có ốt kinh doanh hàng gia dụng ở chợ Phong Toàn cho biết: Mấy năm nay, do lượng khách hàng mua sắm giảm nên chị cũng như nhiều tiểu thương khác muốn từ bỏ kinh doanh tại đây.
“Hàng hoá ế ẩm, doanh thu giảm nhưng tiền thuế thì vẫn phải đóng đầy đủ. Nhiều dãy ốt phía trong đình chính của chợ đã nghỉ bán từ lâu. Chúng tôi ở mặt đường cố gắng bám trụ, song về lâu dài cũng không duy trì được” - chị Vân bày tỏ.
Chợ Phong Toàn được thiết kế 2 tầng, chất lượng kiên cố, quy hoạch bố trí được 400 vị trí, ốt kinh doanh với diện tích sử dụng 3.157,96m2, sau khi xây dựng xong đã đi vào hoạt động từ năm 2011. Từ năm 2013 đến nay, toàn bộ đình chính tầng 2 với 89 ốt đều không hoạt động. Tháng 4/2022, tập thể tiểu thương chợ Phong Toàn đã từng có đơn kêu cứu, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét miễn giảm thuế thuê đất với lý do buôn bán ế ẩm, thu không đủ chi nộp thuế...
Nói về tình trạng kinh doanh tại chợ Phong Toàn, bà Trần Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã Phong Toàn cho biết, nếu như đình chính tầng 1 của chợ năm 2022 có 6/44 ki-ốt hoạt động, thì nay chỉ còn 3 ki - ốt hoạt động. Đình bán hàng ăn, hoa quả hiện chỉ có 8/58 ốt hoạt động; đình phụ bán gia cầm, hàng tươi sống giảm từ 20/60 năm 2022 xuống còn 11/60 ki- ốt hoạt động. Xung quanh chợ còn 36/91 ki- ốt hoạt động, trong đó có 19 ốt bán rau, củ, quả thì có 11 ki-ốt tiểu thương chuyển sang mang hàng đi bán rong, không ngồi cố định tại chợ.
Bà Trần Thị Hương cho biết: Ban quản lý Hợp tác xã Phong Toàn và các xã viên cũng đã bàn bạc, thảo luận để tìm hướng cải thiện tình hình kinh doanh, song kết quả không khả quan do lượng người đến chợ ngày càng giảm.
“Để cải thiện tình trạng này, chúng tôi mong muốn có nhà đầu tư đủ năng lực đầu tư cải tạo, nâng cấp và thay đổi hình thức kinh doanh, thay đổi mục đích sử dụng cơ sở vật chất, khu vực đất thuê của hợp tác xã nhưng phải đúng pháp luật”– bà Trần Thị Hương bày tỏ.
Rõ ràng chợ truyền thống đang đứng trước vấn đề đặt ra: Tồn tại thế nào cho xứng tầm vóc và vị thế. Và tồn tại như thế nào cho hợp lý giữa lòng đô thị để vừa đảm bảo mỹ quan văn minh đô thị, vừa đảm bảo nhu cầu mua sắm, tham quan của nhân dân?
Tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh
Trên địa bàn thành phố Vinh hiện có một số mô hình đầu tư, phát triển chợ như: Mô hình xã hội hóa (chợ Mới Trường Thi, chợ Nghi Kim, chợ Nông sản phía Tây chợ Vinh); Mô hình HTX đầu tư, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ (chợ Phong Toàn, chợ Cọi, chợ Quyết, chợ Nghi Liên); Mô hình chợ đang chuyển đổi sang mô hình HTX (HTX chợ Cửa Bắc, HTX chợ Bến Thủy, HTX chợ Kênh Bắc).
Hiện còn 16 chợ chưa chuyển đổi mô hình hoạt động gồm chợ Vinh, chợ Ga Vinh, chợ Hưng Dũng, chợ Quán Lau, chợ Đội Cung, chợ Quán Bánh, chợ Đước, chợ Đông Vĩnh, chợ Trụ Hưng Hòa, chợ Mai Dâu, chợ Quán Bàu…
Việc chỉ đạo chuyển đổi mô hình, tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh quản lý chợ bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Một số chợ hoạt động hiệu quả như chợ Bến Thuỷ, chợ Quang Trung, chợ Hưng Dũng...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại: Một số chợ xây dựng xong nhưng chưa đưa vào hoạt động được như chợ Nghi Kim, Hưng Đông, một số chợ hoạt động chưa hết công suất như chợ TECCO Vinh Tân, chợ Mới Trường Thi. Sự phối hợp giữa các phòng, ngành, các phường, xã với các nhà đầu tư, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; Nhiều chợ xuống cấp; không đáp ứng được an toàn phòng cháy, chữa cháy; khách ít, buôn bán èo ọt, chưa đáp ứng yêu cầu của tiểu thương. Thậm chí, một số chợ còn để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, tranh chấp giữa tiểu thương là thành viên hợp tác xã và thành viên tự do.
Trước đây, mỗi khi đề cập đến vấn đề chuyển đổi chợ, nhiều tiểu thương tỏ ý không hài lòng. Một số chợ thậm chí còn xảy ra khiếu kiện. Tuy nhiên, trước thực trạng buôn bán ngày càng ảm đạm, chợ xuống cấp, nhiều tiểu thương đã bắt đầu nhận thức được vấn đề, mong muốn chuyển đổi mô hình.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố cũng đã ban hành kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ gắn với chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn thành phố Vinh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tập trung chỉ đạo chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Vinh và chợ Quán Lau (là những chợ nằm trong danh mục đầu tư của Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ)...