Diễn đàn 'Lắng nghe tiếng nói người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số' tại tỉnh Nghệ An
Hơn 100 người đại diện cho gần 950 người uy tín trong tỉnh tham gia diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An tổ chức.
Sáng 11/7, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp cùng Ban Dân tộc tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị tọa đàm “Lắng nghe tiếng nói người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” năm 2024.
Các đồng chí: Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh; Vi Mỹ Sơn – Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh và Đại tá Trần Đăng Khoa – Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì hội nghị.
Nghệ An là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; trong đó 5 dân tộc chính: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Đồng bào dân tộc thiểu số hiện sinh sống tại 1.339 thôn, bản của 252 xã, thị trấn, thuộc 12 huyện, thị xã trong tỉnh.
Thời gian qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Nghệ An cũng đã có những bước phát triển khá mạnh, rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đồng bằng với miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kết quả của sự thay đổi đó có vai trò đóng góp vô cùng quan trọng của người có uy tín ở các bản, làng, khu dân cư với tổng 926 người trong toàn tỉnh. Đội ngũ này là “cầu nối” trong việc tuyên truyền và nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước trong đồng bào; trong thay đổi nhận thức, ý chí vươn lên giảm nghèo, làm giàu của người dân, với tỷ lệ giảm nghèo trong mấy năm gần đây đạt 3 – 5%/năm.
Những người uy tín còn có vai trò trong tuyên truyền, vận động đồng bào gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc; đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.
Chính đội ngũ này cũng đã, đang góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở khi trực tiếp tham gia cấp uỷ, ban quản lý, ban công tác Mặt trận và các chi đoàn, chi hội ở thôn, bản; tham gia tổ tự quản, tổ bảo vệ cột mốc biên giới…
Tại hội nghị, bên cạnh đánh giá cao sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước cùng với các cấp trong tỉnh, tạo nhiều thay đổi đối với vùng miền núi và đồng bào dân thiểu số; 16 ý kiến trao đổi cũng đã đề cập nhiều vấn đề đề nghị các cấp cần tiếp tục quan tâm giải quyết.
Vấn đề được nhiều người trao đổi nhất liên quan đến các nhu cầu thiết yếu của người dân, bao gồm đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt.
Theo một số ý kiến đề xuất tỉnh nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích không thuộc rừng đặc dụng và đất từ các công ty nông, lâm trường để giao cho người dân sản xuất.
Mặt khác, trong quá trình xây dựng các công trình nước sinh hoạt cần có sự khảo sát kỹ thực tế và tham vấn ý kiến của người dân, đảm bảo các công trình sau khi đầu tư phát huy hiệu quả.
Một số ý kiến cũng phản ánh, đề xuất các cấp kịp thời cải tạo, nâng cấp một số tuyến đường giao thông, thủy lợi đã xuống cấp; quan tâm tôn tạo các công trình di tích lịch sử - văn hoá; hỗ trợ nguồn lực xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sau sáp nhập thôn, bản; đẩy mạnh các giải pháp, biện pháp đẩy lùi các tệ nạn xã hội…
Trên cơ sở ý kiến trao đổi của những người uy tín tại hội nghị, thay mặt các đồng chí chủ trì, đồng chí Lê Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến và khẳng định, MTTQ tỉnh có trách nhiệm tổng hợp để kiến nghị các cấp, ngành có thẩm quyền nghiên cứu để giải quyết.
Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng đánh giá cao vai trò và những đóng góp của những người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số thời gian qua; đồng thời gửi gắm mong muốn người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng, của địa phương và của tỉnh.