Giám đốc Sở Công Thương: Phòng, chống gian lận thương mại đã quyết liệt nhưng chưa như mong muốn
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá đã làm rõ thực trạng quy hoạch, chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh và các giải pháp phòng, chống gian lận thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sáng 11/7, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa, điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá trả lời câu hỏi của các đại biểu HĐND tỉnh xung quanh công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quy hoạch, chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phòng, chống gian lận thương mại chưa đạt
như mong muốn
Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Nguyễn Công Văn (đơn vị Nghi Lộc) đề nghị cho biết thực trạng công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc, hàng nhập lậu; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Văn, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho rằng, hiện tượng hàng giả, hàng không rõ xuất xứ... là các biểu hiện khác nhau của hình thức gian lận thương mại, đây là mặt trái của cơ chế thị trường, tồn tại khách quan. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại là mặt trận đấu tranh quyết liệt trong giai đoạn vừa qua và hiện nay.
Ông Phạm Văn Hoá cho rằng, không chỉ ở Nghệ An, ở Việt Nam, mà ở đâu có thị trường thì ở đó gian lận thương mại xuất hiện. Vấn đề xuất hiện nhiều hay ít phụ thuộc vào trình độ thị trường, trình độ quản trị quốc gia. Trong trình độ thị trường gồm trình độ sản xuất, trình độ kinh doanh và trình độ người tiêu dùng.
Trong trình độ tiêu dùng, người dân có thói quen thích mua hàng trôi nổi; không cảnh giác, quan tâm đến hoá đơn xuất xứ; ít có ý thức đấu tranh khi mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xuất xứ không rõ ràng.
Trong thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo liên quan gian lận thương mại và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa đến với nơi cần đến, đó là thị trường gồm: người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.
Hiện nay, độ phủ của văn bản pháp luật về lĩnh vực này cơ bản kín. Tuy nhiên, trong thực tiễn còn khoảng trống và độ vênh về thể chế pháp lý, song không lớn.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thời gian qua đã quyết liệt, song cái thiếu là sự kết nối sức mạnh của lực lượng chức năng và sức mạnh thị trường. Từ đây dẫn đến, công cuộc đấu tranh phòng chống gian lận thương mại chưa đạt như mong muốn.
Đại biểu Hoàng Lân (đơn vị Nghi Lộc) đề nghị cho biết thực trạng công tác tổ chức và chấp hành pháp luật về chất lượng, giá cả hàng hoá và hình thức tổ chức hội thảo giới thiệu, tham quan du lịch để bán hàng trên địa bàn tỉnh; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho rằng, thời gian qua, tại một số địa phương có một số nhóm, tổ chức đến giới thiệu, quảng cáo sản phẩm dưới nhiều hình thức.
Về pháp lý, theo quy định thì tất cả các cá nhân, tổ chức kinh doanh đều được phép giới thiệu sản phẩm, không cấm được. Tuy nhiên, trong thực tế có những nhóm đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi mang tính lừa đảo, mượn hội trường xóm, xã để bán sản phẩm là trái quy định.
Trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương đề nghị tăng cường giám sát cơ sở, khi có sự việc thì thông tin tới cơ quan chức năng để tiến hành kiểm tra, xử lý. Đặc biệt, đề nghị người dân phải tìm hiểu thông tin về người bán, sản phẩm, công ty, hoá đơn chứng từ để không bị lừa đảo.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Đình Toàn (đơn vị Đô Lương) về giải pháp tăng cường, nâng cao công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị thường để tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP của tỉnh làm tốt, có nhiều ngành tham gia.
Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, chúng ta kết nối được sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng, một số sản phẩm đang hy vọng cung ứng ra nước ngoài. Mặt khác, công tác hỗ trợ thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP cũng đã làm tốt. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP của tỉnh nhiều nhưng chưa tinh, vấn đề quan trọng là chất lượng hơn số lượng.
Thực trạng chợ còn nhiều tồn tại, bất cập
Trả lời câu hỏi về thực trạng công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch chợ, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho biết, hiện trên địa bàn có 371 chợ đã rà soát, bổ sung vào Quy hoạch tỉnh.
Nghị định 60 của Chính phủ chuẩn bị ban hành, có nội dung là triển khai kế hoạch đầu tư phát triển chợ trong thời gian tới. Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo nội dung này; các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể đầu tư phát triển chợ trong thời gian tới.
Cùng quan tâm đến nội dung chợ, đại biểu Hồ Văn Đàm (đơn vị Quỳnh Lưu) đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết giải pháp xử lý chợ tự phát, chợ trái phép diễn ra nhiều năm, nhiều nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho rằng, trong quy định có cho phép hình thức chợ tạm, song phải là những địa điểm đã quy hoạch chợ nhưng chưa có điều kiện xây dựng để phục vụ dân sinh, những nơi khác gọi là điểm kinh doanh tự phát.
Tại các đô thị, đây là hạn chế, cần xoá bỏ và quy trách nhiệm quản lý đô thị của chính quyền địa phương. Hiện nay, việc quản lý vấn đề này chưa tốt và sắp tới Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác này.
Đại biểu Nguyễn Duy Cần (đơn vị TP. Vinh) cho rằng, công tác PCCC tại các chợ rất khó khăn, phức tạp, khi cháy gây ra thiệt hại lớn. Hiện nay, chỉ có một số ít chợ nâng cấp, cải tạo nên hệ thống PCCC tương đối tốt, đa số các chợ còn lại còn nhiều bất cập. Vậy, giải pháp thời gian tới như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cần, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay công tác PCCC và vệ sinh môi trường đang là vấn đề tồn tại lớn nhất ở các chợ. Nguyên nhân là do các chợ xuống cấp, nhiều năm không được cải tạo; công tác quản lý, sắp xếp chưa được thực hiện nghiêm túc; sự kết hợp giữa các lực lượng trong kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai Nghị định 60 của Chính phủ về chuyển đổi mô hình quản lý chợ; rà soát hiện trạng chợ để chấn chính. Đồng thời, đề nghị cơ quan PCCC tích cực hỗ trợ các địa phương, ban quản lý chợ thực hiện các biện pháp hướng dẫn PCCC; quan tâm hỗ trợ đầu tư hạng mục PCCC; các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm.
Quan tâm đến trình độ đội ngũ quản lý chợ, đại biểu Lê Thị Thêu (đơn vị Tân Kỳ) nhấn mạnh, trình độ của đội ngũ quản lý chợ chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu hụt nhiều kiến thức. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương chỉ tổ chức được 2 cuộc tập huấn trực tuyến về phòng, chống Covid-19. Đề nghị làm rõ trách nhiệm, giải pháp của ngành về vấn đề này?
Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, trước năm 2020, công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, tuy nhiên, từ năm 2021 đến năm 2024, tập huấn chưa nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chờ nghị định mới để đồng loạt triển khai.
Nhiều đại biểu còn đề nghị Giám đốc Sở Công Thương nêu giải pháp giải quyết việc 104 chợ chưa được xếp hạng; kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống chợ ở khu vực miền núi, biên giới; giải pháp để chợ truyền thống không bị lãng phí...
Theo Giám đốc Sở Công Thương, việc 104 chợ trên toàn tỉnh chưa được xếp hạng là do các chợ này chưa đủ tiêu chuẩn. Sắp tới, khi thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ, sẽ rà soát toàn bộ, nếu chợ nào cần thiết và có thị trường thì tiếp tục nâng cấp, cải tạo để đủ hạng. Nếu chợ nào không hiệu quả thì định hướng sẽ xoá bỏ.
Bên cạnh đó, các chợ chưa xếp hạng không ảnh hưởng đến định hướng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Trong định hướng phát triển chợ vùng miền núi, nhất là các vùng gắn với du lịch, hiện Sở đang nghiên cứu.
Thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ, sẽ phải đánh giá kỹ hiện trạng chợ, quan tâm nhất là cạnh tranh thị trường, nhất là thị trường thành phố. Nếu chợ còn cần thiết thì đưa vào kế hoạch cải tạo, nâng cấp thì phục vụ dân sinh.
Lo ngại an toàn thực phẩm trước trường học
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, đại biểu Trần Thị Khánh Linh (đơn vị TP. Vinh) cho rằng, việc quản lý hàng rong trước cổng trường học, bệnh viện tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm do hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đại biểu Linh đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết giải pháp quản lý để đảm bảo sức khoẻ cho người dân và các em học sinh; quản lý, giám sát chất lượng nước sạch tại các trường mầm non trên địa bàn TP Vinh.
Theo ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương, vấn đề này trách nhiệm là của quản lý đô thị, việc giải quyết là của các địa phương. Vì vậy, đề nghị các địa phương phải tăng cường quản lý đô thị; chỉ đạo các trường học tuyên truyền, vận động giáo viên, học sinh, phụ huynh không tham gia thị trường này.
Về việc kiểm tra an toàn thực phẩm, nước sạch tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố Vinh, ông Hoá nhấn mạnh, công tác chỉ đạo, kiểm tra đều thường xuyên và trách nhiệm chính là của các trường.
Về tỷ lệ các sản phẩm thực phẩm có tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm đang còn thấp so với các sản phẩm trên thị trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hoá cho biết, hiện có 14.000 cơ sở kinh doanh lĩnh vực này, sản phẩm mới nhiều, trong khi quy chuẩn công bố của Nhà nước giới hạn, nhiều sản phẩm chưa được công bố. Còn nhiều sản phẩm tự đưa ra công bố tiêu chuẩn, có những công bố chưa chính xác.
Thời gian tới, giải pháp là đề xuất các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; quan tâm tăng cường công tác hậu kiểm, nâng cao vai trò của các địa phương.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đã trao đổi, làm rõ hơn các nội dung mà các đại biểu quan tâm, đặc biệt là phân tích sâu thực trạng, những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, đối chiếu với Nghị định 02, nhiều chợ chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích các gian hàng, song thực tiễn tại các vùng nông thôn cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, số lượng chợ chưa đáp ứng công tác PCCC còn rất lớn, trong đó có nhiều chợ do người dân tự dựng lên. Từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn đầu tư công bố trí được 41 tỷ đồng để xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ. Tuy nhiên, ngoài 176 chợ có ban quản lý do cấp huyện thành lập, thì những chợ khác công tác quản lý nhà nước còn hạn chế.
Hiện nay, việc thu hút đầu tư vào các chợ còn nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý, hiệu quả... trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, nên việc đầu tư, quản lý, phát triển chợ chưa đáp ứng yêu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương quyết liệt, chủ động, đi đầu trong công tác phòng, chống gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong công tác này gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện quyết liệt.