Thời sự

Tăng lương cơ sở và những vấn đề phát sinh - Bài 1: Động lực từ lương mới

Nguyên Nguyên - Thanh Lê 12/07/2024 10:07

Được tăng lương cơ sở, đó là điều vui mừng đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động. Nhưng với các cấp, ngành, đơn vị, nhất là những đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, thì đang phải nỗ lực để xử lý những khó khăn phát sinh về nguồn chi trả lương theo quy định.

luong.jpg

Từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức tăng thêm 30%. Sự kiện này được đánh giá là động lực góp phần để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động.

Chờ đợi và kỳ vọng

Trước ngày 1/7/2024, thông tin tăng lương cơ sở nhận được nhiều sự quan tâm của tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy - giáo viên Trường Mầm non xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) có gần 20 năm công tác, hiện mức lương cô đang hưởng là 3,99. Trước thời điểm tăng lương, mức lương đó được gần 7,2 triệu đồng/tháng. Từ tháng 7/2024, với mức lương đó, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy được hưởng lương hơn 9,3 triệu đồng/tháng.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy - giáo viên trường Mầm non xã Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn) trong một hoạt động tập thể. Ảnh TL
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy - giáo viên Trường Mầm non xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) trong một hoạt động tập thể. Ảnh: T.L

"Tăng lương lần này được tôi và đồng nghiệp rất mong chờ. Việc tăng lương, tăng phụ cấp sẽ góp phần cải thiện cuộc sống, tạo động lực cho chúng tôi cố gắng, nỗ lực hơn để cống hiến với nghề", cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy chia sẻ

Chị Lô Thị Thúy, công chức Văn hóa - Thông tin ở xã Xiêng My (Tương Dương) có thâm niên 18 năm công tác tại địa phương. Tính cả lương và phụ cấp, tổng thu nhập mỗi tháng trước khi tăng lương của chị Lô Thị Thúy nhận được là hơn 8 triệu đồng. Nay lương cơ sở tăng 30%, chị Lô Thị Thúy khấp khởi mừng, bởi lương có tăng nhưng nghe tin dự kiến sẽ bãi bỏ, thu gọn các loại phụ cấp, chị lại băn khoăn.

 Xiêng My
Chị Lô Thị Thúy (giữa) trao đổi công việc với cán bộ xã Xiêng My (Tương Dương). Ảnh: T.L

"Công tác xa nhà cách 70 km, tôi phải thuê trọ, chi phí đi lại, ăn ở tốn kém. Với mức lương đó, bản thân phải chi tiêu hết sức tiết kiệm để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Nhà nước có chủ trương tăng lương, bản thân tôi và cán bộ, công chức rất phấn khởi. Nhưng chúng tôi băn khoăn nếu tăng lương mà lại bó hẹp các khoản phụ cấp…", chị Lô Thị Thúy bày tỏ.

Với chị Phan Thị Tâm, điều dưỡng viên ở một bệnh viện tại thành phố Vinh, hiện có mức lương 3,33 (tương đương gần 6 triệu đồng/tháng) . Với mức lương cơ bản đó, cùng với nguồn tăng thêm thu nhập của bệnh viện, mỗi tháng chị Tâm có tổng thu nhập trên 12 triệu đồng. Khi tăng lương cơ sở, nếu tính theo hệ số đó, lương chị được hưởng gần 7,8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, chị cũng “nghe” được thông tin, tổng thu nhập hàng tháng của chị Tâm chưa thể tăng so với trước, vì đơn vị thực hiện tự chủ phải cân đối nguồn thu chi. Như vậy, về cơ bản lương tăng, nhưng tổng thu nhập chưa tăng.

Từ 1/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức cả nước (chưa tính lực lượng vũ trang) được tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Tại Nghệ An (tính đến ngày 31/12/2023), tổng số cán bộ, công chức, người làm việc hưởng lương từ ngân sách: 53.971 người, trong đó, có 10.293 người làm việc (bao gồm số lượng viên chức và số lượng hợp đồng lao động) trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Có 10 trường hợp được tăng lương cơ sở đợt này là: Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập; nhân viên hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.

bna_2393.jpg
Cán bộ Phòng Ngân sách địa phương thuộc Sở Tài chính rà soát các phương án đảm bảo ngân sách cho tăng lương cơ sở. Ảnh: Nguyên Nguyên

Các trường hợp áp dụng lương cơ sở mới nữa là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc công an; người làm việc trong tổ chức cơ yếu; hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc quân đội và hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.

Bất kỳ đợt tăng lương nào cũng mang đến niềm vui khấp khởi cho người lao động. Về nguyên lý, tăng lương cơ sở sẽ tăng nguồn thu nhập của cá nhân. Thế nhưng, nó khác hoàn toàn với việc tăng khả năng cân đối thu - chi hoặc tích lũy của cá nhân. Bởi trước mỗi đợt tăng lương theo “kế hoạch”, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng tiêu dùng đã rục rịch tăng. Nhiều người đã từng chia sẻ rằng: “Rau xanh đã tăng giá hôm nay; thịt cá tăng từ hôm qua; xăng tăng từ hôm trước… còn lương ngày kia mới tăng”.

Một chu kỳ cân đối chi tiêu mới bắt đầu khi lương tăng, đó là: Việc “thu chi” như thế nào? Tích lũy ra sao?... Tất cả, người lao động đều chờ lương. Bởi vậy, trở lại bài toán cha ông đã giải bao đời nay: “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”!

Đợt tăng lương cao nhất từ trước đến nay

Việc tăng lương cơ sở mới từ tháng 7/2024, thực hiện theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (mức lương cơ sở tăng 30% từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng). Đây là đợt điều chỉnh tăng lương lớn nhất từ trước đến nay.

Ngoài tăng lương cơ sở, từ ngày 1/7, Chính phủ cũng ban hành các Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng tăng 6%; lương hưu tăng 15%; chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh Nam An
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024. Ảnh tư liệu Nam An

Qua phân tích của các bộ, ngành và Quốc hội cho thấy, việc thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 21/5/2018) của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đã có 3 lần lùi và tới nay vẫn chưa hoàn thành các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết này. Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã họp hàng chục cuộc để bàn giải pháp thực hiện được các nội dung theo Nghị quyết nêu trên.

Cải cách tiền lương là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công và tác động đến hơn 50 triệu người hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở. Với việc tăng lương cơ sở đợt này thực hiện theo Kết luận 83-KL/TW ngày 21/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương, nhưng chưa tiến hành cải cách tiền lương theo vị trí việc làm như mục tiêu Nghị quyết 27-NQ/TW (năm 2018) đặt ra.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, đợt tăng lương lần này cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Đến hết năm 2023, cả nước đã dành được 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Tại Nghệ An, theo báo cáo của Sở Tài chính, nhu cầu thực hiện chính sách cải cách tiền lương năm 2024 của tỉnh dự kiến là 2.300 tỷ đồng; trong đó, điều chỉnh mức lương cơ sở là 1.700 tỷ đồng; quỹ tiền thưởng là 280 tỷ đồng; các chính sách khác chi từ nguồn cải cách tiền lương là 320 tỷ đồng. Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2024 của tỉnh Nghệ An dự kiến tích lũy là 2.399 tỷ đồng. Số liệu ước tính trên dự toán năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Nghệ An, hiện đang trình Bộ Tài chính xác định nguồn cải cách năm 2023 chuyển sang năm 2024 để thực hiện.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, nguồn kinh phí cải cách tiền lương năm 2024 của tỉnh Nghệ An dự kiến đáp ứng đủ nhu cầu tăng mức lương cơ sở sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức áp dụng từ 1/7/2024. Cùng đó, các đơn vị thuộc diện đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, tự đảm bảo chi đầu tư hoặc tự chủ ở các mức theo quy định cần phải nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn thu để chi trả lương mới cho người lao động.

(Còn nữa)

Nguyên Nguyên - Thanh Lê