Thời sự

Tăng lương cơ sở và những vấn đề phát sinh -
Bài 2: Nỗ lực cân đối nguồn chi trả

Nguyên Nguyên - Thanh Lê 12/07/2024 10:09

Nghệ An hiện có 1.685 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có hơn 740 đơn vị đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Trong bối cảnh giá dịch vụ chưa tăng, chưa kể một số đơn vị có nguồn thu sụt giảm thì việc tìm kiếm nguồn chi trả lương tăng thêm đang làáp ực và thách thức lớn.

luong.jpg

Khó khăn tìm nguồn chi phần lương tăng thêm

Đoàn Quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đơn vị này hiện có 40 cán bộ viên chức (trong đó có 27 viên chức hưởng lương ngân sách, 1 hợp đồng 68, 12 hợp đồng thuộc diện tự trang trải) đang thực hiện tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

quy hoạch
Cán bộ Đoàn Quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An (Sở NN&PTNT) đang trao đổi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh T.L

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác của đơn vị rất thấp và không ổn định, nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp cũng thông qua các chương trình, dự án từ ngân sách Nhà nước. Việc huy động nguồn thu để phát triển hoạt động sự nghiệp rất khó khăn kể từ năm 2015 khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, đặc biệt, từ năm 2020, nguồn thu này hầu như không có.

Việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2024 là bài toán khó khăn cho Đoàn Quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An trong cân đối nguồn tài chính để trả lương cho 12 hợp đồng tự trang trải.

Nguồn ngân sách sự nghiệp hàng năm ngày càng thắt chặt và ít hơn. Trong khi đó, nguồn dịch vụ sự nghiệp cạnh tranh cao vì các đơn vị ngoài Nhà nước tham gia nhiều. Điều đó dẫn đến nhiều khó khăn cho đơn vị trả lương hàng tháng và nhất là khi tăng lương, càng vất vả để tìm thêm nguồn chi trả lương cho lao động hợp đồng”.

Ông Phạm Hồng Thương - Trưởng đoàn Quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An

Còn tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, là đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tiến hành hoạt động khoa học và công nghệ đã đăng ký, tự chủ về tài chính, được chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trung tâm này hiện có 26 cán bộ chuyên môn và 6 hợp đồng bảo vệ phải chi trả lương.

bna_khcn.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra thực hiện công trình tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Ảnh T.L

Theo ông Ngô Hoàng Linh - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ: Nguồn chi trả lương cho cán bộ tại đơn vị lấy từ kinh phí các hoạt động theo đơn đặt hàng của Nhà nước và thường duyệt theo kế hoạch của năm liền kề trước đó. Việc tăng lương từ tháng 7 sẽ gây khó khăn cho đơn vị trong những tháng cuối năm 2024, bởi định mức kinh tế kỹ thuật, cơ chế để tính công, tính lương đang theo định mức cũ từ năm trước. Nghĩa là đơn vị đang “đau đầu” tìm nguồn vì thiếu 30% chi phí để trả lương tăng thêm cho cán bộ những tháng cuối năm.

Những khó khăn, thách thức nêu trên là thực tế ở các đơn vị công lập thực hiện tự chủ hoặc khoán kinh phí trên cả nước. Tại Nghệ An hiện có 1.685 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, có hơn 740 đơn vị đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Khi có quyết định tăng lương cơ sở, các đơn vị tự chủ ở mức cao, càng đòi hỏi phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu cân đối chi. Thế nhưng, khó khăn trong giai đoạn hiện nay là điều khiến lãnh đạo các đơn vị tự chủ lo lắng.

Trong giai đoạn 2015 - 2021, cả nước có khoảng 10% đơn vị công lập, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, thực hiện tự chủ tài chính. Theo Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đến năm 2025, cả nước phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, đơn vị nhiều năm qua thực hiện tự chủ 100% việc trả lương cho hơn 800 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ và chi thường xuyên (tự chủ mức 1). Chính vì vậy, việc cân đối thu - chi hàng ngày, hàng tháng là bài toán đặt ra yêu cầu rất cao cho ban giám đốc bệnh viện. Vậy, khi tăng lương mới sẽ như thế nào?

Đề cập vấn đề này, TS.BS CKII Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh chia sẻ: “Về nguyên lý, tăng lương sẽ tăng thu nhập cho người lao động. Thế nhưng, đối với đơn vị tự chủ 100% như bệnh viện chúng tôi đang đảm bảo tổng thu nhập của người lao động không giảm trong khi chưa tăng được. Nghĩa là vẫn thực hiện tăng lương cho cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ theo quy định của Nhà nước để tính bảo hiểm và các quyền lợi khác, nhưng đơn vị lại phải điều tiết giảm nguồn thu nhập tăng thêm hàng tháng của người lao động. Về lâu dài, muốn tăng thu nhập cho người lao động, bệnh viện phải được các cấp, ngành cho phép thực hiện thu đúng, thu đủ các dịch vụ để cân đối thu - chi”.

Bệnh viện ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi tán sỏi thận bằng ống mềm thường quy, hiệu quả và an toàn. Ảnh PV.jpg
Hoạt động tại Bệnh Viện Đa khoa TP. Vinh - đơn vị nhiều năm thực hiện tự chủ mức 1. Ảnh: Đinh Nguyệt

Riêng ngành Y tế Nghệ An có gần 14.000 cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, người lao động, trong đó, đa số ở các bệnh viện đang thực hiện mô hình tự chủ. Chính vì vậy, cách thực hiện như Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh đang được nhiều bệnh viện áp dụng.

Thời gian tới, muốn tăng được nguồn thu, ngành Y tế Nghệ An phải tổng hợp các lĩnh vực, cùng sự vào cuộc của ngành Tài chính, đề xuất UBND tỉnh trình dự thảo Nghị quyết về tính đúng, tính đủ giá các loại hình dịch vụ trong ngành Y để HĐND tỉnh xem xét. Để thực hiện được điều đó, cần có thời gian và sự hướng dẫn của các bộ, ngành…”.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế

Đồng tình với việc tăng lương cơ sở, nhưng đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng đề cập đến những băn khoăn. Phát biểu trong diễn đàn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV gần đây (23/5/2024), đại biểu này bày tỏ: Việc nâng lương cho y tế và nhà giáo nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng cử tri băn khoăn khi nâng lương cho đội ngũ y tế và nhà giáo sẽ lấy từ nguồn ngân sách hay từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị tự chủ công lập? Nếu lấy từ nguồn thu tự chủ của các đơn vị công lập thì sẽ là gánh nặng cho chính các đơn vị sự nghiệp. Như vậy sẽ phải tính đúng, tính đủ các chi phí, khi đó, gánh nặng cho người bệnh và người học khi việc đó sẽ tính vào chi phí khám bệnh và học phí.

Đề cập đến giải quyết những khó khăn về nguồn chi lương tăng thêm, hiện tại, Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Trên cơ sở đó, lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị và địa phương; đồng thời, trình Bộ Tư pháp lấy ý kiến về việc về việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong thời gian sớm nhất.

 ô Dũng
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An.

Sau khi có Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Sở sẽ kịp thời triển khai tới các ngành, đơn vị và địa phương để thẩm định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương năm 2024, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ từ nguồn cải cách tiền lương năm 2024 để bổ sung kinh phí còn thiếu (nếu có) cho các ngành, đơn vị và địa phương tại kỳ họp HĐND tỉnh gần nhất".

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An.

Thực hiện tăng lương cơ sở 30%, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đang thực hiện tự chủ theo nhóm 1, 2,3 đều cơ bản phải chịu nhiều áp lực từ việc cân đối nguồn tài chính để thực hiện chính sách tăng lương cho cán bộ, viên chức, người lao động. Trước mắt, các đơn vị tiếp tục phải “thắt lưng, buộc bụng”; cùng đó tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, nỗ lực tăng nguồn thu và chờ các chính sách tháo gỡ của các cấp, ngành.

Nguyên Nguyên - Thanh Lê