Lấy sức trẻ, ý chí thanh niên xung phong để vượt lên, làm tròn vai trò, nhiệm vụ
Nhân dịp Kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống lực lượng Thanh niên xung phong (15/7/1950 – 15/7/2024), Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong 10 Nguyễn Hữu Trạch, người đã có hơn 20 năm gắn bó với đồng bào huyện miền núi cao Kỳ Sơn.
Mỹ Hà (Thực hiện) • 15/07/2024
________
P.V: Khi nói đến Thanh niên xung phong, chúng ta thường hình dung là những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, anh lại là người tham gia lực lượng này khá muộn, khi đã có vợ và 3 con. Điều gì đưa anh đến với vai trò đặc biệt này?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Năm 2002, khi đó tôi đã 37 tuổi và đang đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Hợp tác xã của xã Hồng Thành (Yên Thành). Dịp ấy, tình cờ tôi cùng một số anh em trong xã được đi thăm mô hình phát triển kinh tế ở Tổng đội Thanh niên xung phong 2 ở huyện Thanh Chương. Lên đó, thấy mô hình này rất hay, mọi người làm việc tập thể, ăn cơm tập thể, chúng tôi thấy vui lắm. Vậy là xung phong đi thôi.
Khi đó, tôi không còn trẻ nữa, bản thân lại đang chịu sự quản lý của Thường vụ Huyện ủy, nên việc xin đi cũng không dễ dàng, phải qua huyện, qua xã rồi xin ý kiến xã viên “không ai cho đi”. Trước khi đi, anh em chúng tôi cũng trăn trở, nhiều đắn đo, nhưng chúng tôi xác định đi thì sẽ không có cơ hội quay lại nữa nên cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
P.V: Tổng đội Thanh niên xung phong 8 ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn là một trong những đơn vị ghi dấu ấn của anh và anh em đội viên. Từ viên gạch đầu tiên xây dựng đến khi đi vào ổn định, chắc chắn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Sau khi gia nhập vào lực lượng Thanh niên xung phong, tôi chỉ có vài tháng công tác tại Tổng đội TNXP 2 ở huyện Thanh Chương. Sau đó, tỉnh có chủ trương thành lập Tổng đội TNXP 8 ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn và chúng tôi đã xung phong lên đây để cùng với bà con dân tộc xây dựng làng thanh niên lập nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế.
Nhìn lại cả quá trình, quả thực không nói hết khó khăn. Thời điểm mới lên, chúng tôi chưa hình dung được vùng đất này là như thế nào, ở đây không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại. Ở nơi xa xôi, hẻo lánh, mọi thông tin liên lạc với người nhà đều bị gián đoạn. Có thời điểm, người nhà của tôi và một người anh em trong đơn vị qua đời, nhưng chúng tôi không nhận được thông tin, ở trong tỉnh mà còn về muộn hơn ở trong miền Nam về. Người nhà không biết được, khi đó, điện thoại chỉ báo về được thị trấn Mường Xén. Nhưng giữa đêm khuya xe ôm họ không chịu vào vì sợ đường đi vất vả và sợ vào đến nơi chúng tôi không có tiền để trả...
Thời gian đầu, vào đây chúng tôi chưa có nhà để ở, anh em phải làm lán để ngủ tạm, 5 người chung một cái giường. Thời tiết ở đây mùa Đông thì rét cắt da, cắt thịt, khắc nghiệt lắm. Lên đây, chúng tôi xác định anh em là người một nhà. Từ cán bộ, đội viên đến bí thư chi bộ đều “xắn áo, xắn quần” để làm, không phân biệt cao thấp. Mọi người đều động viên nhau để vượt qua khó khăn, vất vả, lấy sức trẻ, ý chí thanh niên xung phong để vượt lên hoàn cảnh.
P.V: Những khó khăn về điều kiện sống có lẽ các anh sẽ khắc phục được. Nhưng để biến một vùng đất còn hoang sơ trở thành những đồi chè đem lại doanh thu ổn định cho người dân bản địa, chắc hẳn sẽ vất vả hơn rất nhiều đúng không thưa anh?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Nơi chúng tôi đóng quân có những đặc thù riêng với 100% là đồng bào Mông sinh sống. Bà con ở đây, phụ nữ hầu như không ai biết nói tiếng phổ thông, đàn ông thì chỉ bập bà, bập bõm, chúng tôi nói gì họ chỉ “dạ”, nhưng có khi không hiểu. Ở đây có phong tục 7h- 8h sáng là bà con đi rẫy và tối mịt mới về. Vì thế, để gặp được bà con, chúng tôi phải đi từ sáng sớm, động viên họ cấp đất, động viên họ trồng. Chiều đến, chúng tôi cũng phải ăn cơm sớm để kịp vào nhà gặp bà con.
Thời tiết ở đây cũng khắc nghiệt, nên việc trồng cây gì cũng là trăn trở lớn. Lúc mới lên, chúng tôi đã khảo nghiệm một số cây trồng, vật nuôi như cây chè, cây píc niệng, cây keo… và cuối cùng chọn cây chè, vì đây là loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hơn cả. Có những cây vì lạnh trồng được một thời gian ngắn là chết, không phát triển được.
Quá trình phát triển Tổng đội, quả thực rất vất vả. Thời điểm mới lên thành lập đơn vị, chúng tôi xác định lấy được đất của dân để xây dựng Tổng đội là rất khó khăn. Vì thế, chúng tôi động viên người dân ở bản Huồi Khả và bản Huồi Đun cấp đất cho Tổng đội và tuyển ngay người dân trong bản vào làm đội viên. Để bà con tin, chúng tôi làm ruộng bậc thang, trồng chè cho bà con và chăm sóc giúp.
Ban đầu bà con không thống nhất cao vì cho rằng “nếu trồng chè 3 năm thì lấy gì mà ăn”. Chúng tôi lại phải “sáng kiến”, vừa trồng chè sau đó trồng thêm lúa để dân có gạo ăn. Nhờ vậy, chúng tôi đã có 60 ha đầu tiên để trồng chè khảo nghiệm. Mẻ chè đầu tiên thu hoạch sau 2 năm, chúng tôi phải xuống nông trường chè ở Hạnh Lâm (Thanh Chương), thuê chuyên gia về để sấy chè, không phải bằng máy như hiện nay mà bằng chảo, sấy cả đêm, cả ngày. Từ sau thành công này, người dân mới bắt đầu tin tưởng và tham gia cùng với Tổng đội, có thời điểm lên tới gần 60 đội viên. Diện tích chè cũng tăng từ 60 ha lên đến hơn 500 ha.
Quá trình xây dựng và phát triển Tổng đội TNXP 8, chúng tôi may mắn khi được chính quyền huyện và xã ủng hộ. Bản thân tôi và các anh em khác vì học trồng trọt, có nhiều năm kinh nghiệm là chủ nhiệm hợp tác xã nên làm chủ được kỹ thuật và nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh.
PV: Tính từ năm 2003 đến nay, anh đã có hơn 20 năm gắn bó với Tổng đội TNXP 8. Giờ đây nhìn lại, anh nghĩ quả ngọt lớn nhất mà các anh đạt được là gì?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Như tôi đã chia sẻ, thành quả đầu tiên chúng tôi đạt được là năm 2005 khi mẻ chè hái bói đầu tiên được chế biến thành công và đó là nền tảng thuận lợi để sau này thu hút đông đảo người dân tham gia, mở rộng diện tích chè tại xã Huồi Tụ và một số xã lân cận. Tôi còn nhớ, để người dân yên tâm, thời gian đầu chúng tôi nâng giá chè gấp 4, gấp 5 lần khi thu mua so với giá thị trường. Rồi chúng tôi vận động để toàn bộ cán bộ xã tham gia trồng chè, làm lực lượng tiên phong. Phong trào trồng chè phát triển nhanh chóng, có năm phát triển lên đến 60ha. Qua nhiều năm triển khai, chè Shan tuyết Huồi Tụ đã bắt đầu có thương hiệu và đến nay việc tiêu thụ khá dễ dàng, đời sống bà con nhờ đó đã bước đầu đi vào ổn định. Việc mỗi hộ gia đình ở đây, thu nhập một năm từ 70 - 80 triệu đồng từ cây chè là khá dễ dàng.
Đến xã Huồi Tụ bây giờ, chúng ta có thể thấy rõ sự thay đổi về đời sống của bà con. Ngoài triển khai các mô hình cho bà con nông dân học tập, làm theo, hướng dẫn người dân làm ăn, phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, chúng tôi còn động viên các gia đình cho con cháu đến trường học. Hằng năm, Tổng đội cũng phối hợp với các trường học khen thưởng cho những con em đội viên có thành tích học tập tốt, nhiều cháu vào đại học, cao đẳng và có công việc ổn định.
PV: Một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng Thanh niên xung phong đó là tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Vậy anh có áp lực không bởi sau nhiều năm gắn bó với Tổng đội TNXP 8 ở xã Huồi Tụ, anh lại chuyển về Tổng đội TNXP 10 ở xã Na Ngoi và lại bắt đầu với những gian khó?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Cách đây 3 năm tôi chuyển sang Na Ngoi và trước khi sang tôi và các anh em đã xác định sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, dù ở đây các anh em đi trước đã vận động nhân dân trồng được hơn 100 ha chè, nhưng hiện nay người dân đã không mặn mà với loại cây này nữa. Thay vào đó, người dân lại tập trung trồng gừng, bởi giá thành và lợi nhuận từ gừng những năm gần đây cao hơn các năm trước khá nhiều.
Dù biết là vất vả, nhưng khi được Tỉnh đoàn giao phó nhiệm vụ mới tôi vẫn tự bảo phải cố gắng khắc phục. Những năm gần đây, chúng tôi đã bắt đầu chuyển đổi từ cây chè sang trồng gừng, trồng cây dược liệu, trồng sâm ngọc linh. Nhiều loại cây dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa mở rộng được nhưng chúng tôi tin rằng nếu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì người dân sẽ từng bước nâng cao nhận thức và tiếp tục đồng hành với Tổng đội để cùng nhau phát triển kinh tế.
PV: Có thể nói phần lớn thời gian của anh là sống xa gia đình, điều anh trăn trở nhất cho mình là gì?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Nếu mà nói áy náy, trăn trở thì nhiều lắm vì ngày con còn nhỏ, mình lại đi làm ăn xa, không có điều kiện bảo ban, chăm sóc thường xuyên nên các con chịu nhiều thiệt thòi. Nhiều năm nay, vợ tôi một mình gánh hai vai, mình cũng rất thương vợ. Tôi vẫn thường nói vui với cô ấy là “vợ Việt Nam anh hùng”.
Đã lựa chọn vào thanh niên xung phong, chúng tôi cũng xác định sẽ còn khó khăn, gian khổ lâu dài. Tuy nhiên, để có thể thu hút những người trẻ, có trình độ, có năng lực, tôi mong có thêm nhiều chính sách để thu hút, đảm bảo anh em có thể trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, Tổng đội cũng mong được cấp đất lâu dài để có thể yên tâm sản xuất.
PV: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”… đó là 4 câu thơ Bác Hồ tặng lực lượng Thanh niên xung phong; theo lời dạy đó của Người đối với thực tế hoạt động của thanh niên xung phong hiện nay như thế nào, thưa anh?
Anh Nguyễn Hữu Trạch: Câu nói của Bác Hồ dù ở thời đại nào cũng đã trở thành lời nhắn gửi, là phương hướng, hành động cho lực lượng Thanh niên xung phong. Vì thế, dù ở hoàn cảnh nào tôi nghĩ rằng lực lượng thanh niên xung phong vẫn phải luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn phải đam mê, cống hiến để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuổi trẻ của thanh niên dù trong hoàn cảnh nào cũng nhiệt huyết với đất nước, với quê hương, khi Đảng cần thanh niên có và đâu khó sẽ có thanh niên.
PV: Cảm ơn anh đã tham gia cuộc trò chuyện!