Đi tìm thủ phạm treo 'bom bẩn' lơ lửng đầu nguồn nước khe Sào
Trước việc khe Sào bị ô nhiễm, người dân xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn) đã tố đích danh Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, đóng tại xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), là thủ phạm.
Kiến nghị khẩn thiết
Làng Lâm Sinh, xã Nghĩa Yên, nguyên là đội sản xuất của Lâm trường Nghĩa Đàn thuộc khu vực giáp ranh với xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Từ khu vực rừng núi này, có khe Sào (hay còn gọi là khe Ang, khe Lâm Sinh) chảy xuôi. Đây cũng là một trong những dòng chính của con sông Sào, chảy qua các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai.
Những năm gần đây, người dân làng Lâm Sinh chứng kiến dòng khe này "chết" dần, kể từ khi khu vực giáp ranh mọc lên một trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, thuộc thôn 10, xã Bãi Trành.
Ngày 27/6/2024, sau khi nhận được ý kiến kiến nghị của cử tri xã Nghĩa Yên, Thường trực HĐND huyện Nghĩa Đàn đã có Công văn số 1080/HĐND-VP đề nghị UBND huyện Nghĩa Đàn làm rõ.
Hiện nay, bà con làng Lâm Sinh đang thiếu nước sinh hoạt, sản xuất trầm trọng, từ lâu nay nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của làng chủ yếu là dựa vào nguồn nước khe để sinh hoạt, sản xuất. Nhưng mấy năm nay, trang trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, địa chỉ thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa xả thải xuống đầu nguồn của khe, gây ô nhiễm nguồn nước. Nắng nóng kéo dài, nước khe ô nhiễm ngấm vào giếng nước của các hộ dân không thể sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày, ngấm vào ao, hồ làm cá chết, cây trồng khô hạn không có nước tưới tiêu. Chính quyền cấp trên và làng đã nhiều lần làm việc với trại lợn nhưng đến nay vẫn không giải quyết dứt điểm được. Vậy rất mong UBND các cấp giúp đỡ và có giải pháp dứt điểm để trả lại nguồn nước khe như ban đầu cho nhân dân làng Lâm Sinh.
Nội dung phản ánh của cử tri xã Nghĩa Yên(Nghĩa Đàn)
Mới đây nhất, vào ngày 4/7/2024, rất đông người dân xã Nghĩa Yên do bức xúc đã kéo sang cổng trang trại chăn nuôi của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt để phản đối và yêu cầu chấm dứt việc xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Từ lời "kêu cứu" của người dân làng Lâm Sinh (xã Nghĩa Yên), và cũng để hiểu rõ nguồn cơn của câu chuyện, phóng viên Báo Nghệ An đã có chuyến ngược về Tây Bắc, lên vùng đồi núi giáp ranh giữa địa phận Nghệ An và Thanh Hóa, nơi được xem là khởi nguồn của nguyên nhân gây ô nhiễm khe Sào và làm cá chết để tìm hiểu thực hư.
Thủ phạm gây ô nhiễm là trang trại lợn?
Có mặt tại xã Nghĩa Yên trong sáng 9/7, sau khi kiểm tra và xác nhận dòng khe Sào bị chuyển màu đen và bốc mùi hôi thối, được người dân dẫn đường, chúng tôi tiến hành đi kiểm tra thực địa. Từ trung tâm xã Nghĩa Yên, đến vùng rừng núi giáp ranh giữa 2 tỉnh phải đi khoảng 15 km. Giữa trưa nắng, vượt qua nhiều ngọn đồi keo và lau lách dày đặc, chúng tôi có mặt nơi giáp ranh giữa xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) và làng Lâm Sinh, thuộc xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn).
Tại đó, từ trên cao, dễ dàng nhận thấy một cụm trang trại rất đồ sộ, với nhiều chuồng trại chăn nuôi, bao bọc xung quanh là những mảng đồi keo bạt ngàn. Cụm trang trại chăn nuôi lợn này là của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, thuộc thôn 10, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).
Điều đáng nói là cụm trang trại này nằm ngay đầu nguồn khe Sào, chảy về đất Nghĩa Đàn, qua các xã Nghĩa Yên, Nghĩa Mai. Thế nhưng, tại đây, đập vào mắt chúng tôi là một hồ chứa nước thải được đào đắp rất sơ sài, nằm ở trên cao, không lót bạt chống thấm, màu nước đen kịt và bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Hồ chứa nước thải này nằm ngay phía trên khe Sào, được ngăn bằng một bờ đất. Nó chẳng khác gì một "quả bom bẩn" khổng lồ nằm án ngữ ngay phía đầu nguồn, trở thành mối nguy hại lớn, gây ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài 1 hồ chứa nước thải, chúng tôi còn phát hiện khe Sào đã bị đắp lại bằng đập bê tông khiến dòng nước không thể lưu thông. Và dù con khe này đã bị chặn lại, thế nhưng, sau một thời gian tìm kiếm, chúng tôi cũng phát hiện ra một điểm xả thải nằm khuất sau những lùm cây dại và nằm phía dưới trang trại.
"Không nghi ngờ gì nữa, trang trại lợn này chính là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt, và đặc biệt hơn chính nó đã "giết chết" dòng khe Sào này", ông Thái Bá Bình - người dân làng Lâm Sinh dẫn đường và chỉ tận nơi điểm xả thải cho chúng tôi khẳng định.
Ông Phan Văn Hà - một người dân làng Lâm Sinh bức xúc: "Hơn 20 năm sinh sống ở mảnh đất này, chúng tôi chưa bao giờ thấy cảnh khe Sào bị ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. Cách đây 3 năm, khi trang trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt được xây dựng tại xã Bãi Trành, ngay trên đầu nguồn con khe, tình trạng cá chết đã xảy ra. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng sự việc không được xử lý dứt điểm. Giờ đây không ai dám lấy nước khe này để sinh hoạt và tưới cây nữa"...
Đã nhiều lần xảy ra tình trạng cá chết
Việc cá chết hàng loạt trên dòng khe Sào không phải chỉ mới xảy ra gần đây. Theo ông Lê Văn Huy - Trưởng làng Lâm Sinh, trang trại lợn nói trên hoạt động đã 3 năm, nhưng đã 2 lần làm cá trên khe Sào chết hàng loạt.
Trước đây, nước từ khe Sào luôn trong mát, không có màu đục như hiện nay. Kể từ khi trang trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt đi vào hoạt động, nguồn nước này biến đổi theo chiều hướng xấu, có mùi hôi và màu đen, có nhiều thời điểm cá ở khe chết nổi trắng.
Ông Hoàng Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên
Xác thực thông tin này, ông Hoàng Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Yên cho biết thêm, thời gian qua, đã có 2 lần người dân phản ánh đến xã về vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt, UBND xã cũng đã phối hợp kiểm tra, xác minh và báo cáo đến UBND huyện về nội dung phản ánh để có hướng xử lý, giải quyết. Nhưng do không có thiết bị đo đếm chất lượng nước, UBND xã đề nghị cơ quan chuyên môn của tỉnh Thanh Hóa lấy mẫu, sớm có kết quả để trả lời cho người dân, chính quyền địa phương.
Mới đây nhất, vào ngày 5/7/2024, tức sau 1 ngày người dân xã Nghĩa Yên kéo sang cổng trang trại để phản đối, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cùng UBND huyện Như Xuân và UBND huyện Nghĩa Đàn đã có cuộc làm việc với phía Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt. Thành phần tham gia còn có đại diện chính quyền xã Nghĩa Yên, xã Bãi Trành và các hộ dân làng Lâm Sinh.
Trước khi bước vào cuộc làm việc, đoàn đã đi kiểm tra thực tế. Thời điểm kiểm tra, trang trại đang nuôi 12.000 con lợn với 12 chuồng nuôi lợn thịt, 6 chuồng nuôi lợn nái, lợn đực. Trang trại này cũng đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 450m3/ngày đêm, gồm 4 hố thu phân, 2 hầm biogas, 1 trạm xử lý hóa lý kết hợp vi sinh, 1 hồ sinh học kết hợp hồ sự cố (tại hồ này không lót bạt hay xây thành đáy). Đoàn cũng đã khảo sát một số vị trí trên tuyến khe Sào tại xã Nghĩa Yên, nhận thấy, nước có màu nâu, bề mặt có váng, một số vị trí có cá chết.
Cùng tham gia cuộc làm việc, ông Phúc thông tin, ban đầu phía Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt không đồng ý cho lấy mẫu nước thải nơi ao sinh học (hồ chứa nước thải mà chúng tôi đã nói ở trên - P.V). Đặc biệt, hiện nay, chính quyền địa phương vẫn đang chờ kết quả quan trắc của cơ quan môi trường Thanh Hóa mới kết luận được mức độ ô nhiễm.
Tuy nhiên, nhiều người dân xã Nghĩa Yên và ngay cả lãnh đạo chính quyền địa phương cũng tỏ ra băn khoăn về vấn đề này. Có ý kiến mong muốn phía Nghệ An cử cơ quan môi trường đến lấy mẫu quan trắc cho khách quan. Bởi vào đầu tháng 12/2022, khi người dân phản ánh việc cá trên khe Sào chết hàng loạt, thì mãi đến ngày 19/12/2022, cơ quan môi trường Thanh Hóa mới đến lấy mẫu kiểm tra, khi đó nguồn nước ô nhiễm đã bị bão hòa.
Liên quan đến vấn đề này, tìm hiểu được biết, năm 2023, UBND huyện Nghĩa Đàn đã nhiều lần có văn bản gửi UBND huyện Như Xuân về việc kiểm tra xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực thượng nguồn Khe Ang (tức khe Sào - P.V) đối với trang trại lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt. Cụ thể là Công văn số 226/UBND-TNMT ngày 8/3/2023; Công văn số 1933/UBND-TNMT ngày 13/12/2023.
Tuy nhiên, đến nay vấn đề xử lý chất thải sau chăn nuôi và xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của bà con làng Lâm Sinh vẫn không có gì biến chuyển.
Chính vì thế, trong ngày 4/7/2024, khi bà con nhân dân xã Nghĩa Yên kéo sang xã Bãi Trành để phản ứng, thì UBND huyện Nghĩa Đàn tiếp tục có Văn bản số 1139/UBND-TNMT gửi UBND huyện Như Xuân và UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.
Rõ ràng, nguồn nước khe Sào bị ô nhiễm nghiêm trọng là có thật và việc cá chết hàng loạt trên con khe này kể từ khi trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP Chăn nuôi Tâm Việt được xây dựng phía đầu nguồn cũng đã được chứng thực.
Đã đến lúc phải xử lý dứt điểm vấn đề này. Nếu không thì không chỉ khe Sào mà các nguồn nước khác, nơi con khe này đổ về cũng sẽ bị chung số phận. Khi đó hậu quả sẽ khó lường hết được...