Quốc tế

Bà Roberta Metsola tái đắc cử Chủ tịch Nghị viện châu Âu

Hoàng Bách 16/07/2024 18:51

Nghị viện châu Âu với 720 thành viên sẽ tiếp tục được điều hành bởi bà Roberta Metsola trong 2 năm rưỡi tới.

1920x1080_cmsv2_54719f45-14d0-516d-a9a7-eecace9184b4-8578758.jpg
Bà Roberta Metsola tái đắc cử Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Ảnh: EU

Tại đầu kỳ họp thứ 10 của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), bà Roberta Metsola đã được bầu giữ chức Chủ tịch Nghị viện châu Âu cho nhiệm kỳ 2 năm rưỡi tới.

Trong cuộc bỏ phiếu được tổ chức vào sáng 16/7 (giờ địa phương), nữ chính trị gia 45 tuổi thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo đến từ Malta đã giành được 562 phiếu ủng hộ trong tổng số 623 phiếu bầu của các nhà lập pháp mới được bầu, một chiến thắng thoải mái khi dễ dàng vượt qua đa số cần thiết.

"Với sự ủng hộ, tôi sẽ tiếp tục làm việc không mỏi mệt để đoàn kết mọi người lại với nhau. Đây phải là một ngôi nhà không sợ hãi việc dẫn dắt và việc thay đổi", bà Metsola nói trong bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, hứa hẹn sẽ tạo ra một bầu không khí "tranh luận" và "tôn trọng."

"Đây phải là một Nghị viện hùng mạnh trong một Liên minh hùng mạnh", bà nói tiếp. "Chúng ta không thể chấp nhận việc vai trò nghị sĩ của mình bị giảm sút".

Irene Montero, đối thủ của bà Metsola, chỉ giành được 61 phiếu.

Kết quả này phản ánh vị thế ngày càng cao của bà Metsola trên cương vị một nhà lãnh đạo thực tế, sẵn sàng và có khả năng làm việc với các lực lượng chính trị khác nhau và củng cố uy tín của mình là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu.

Bà lần đầu tiên được bầu vào vị trí này hồi tháng 1/2022, sau cái chết đột ngột của người tiền nhiệm David Sassoli. Việc bà đắc cử là một bước đột phá đối với Malta, quốc gia nhỏ nhất trong EU, nơi chưa từng có công dân nào giữ vị trí cao như vậy.

Kể từ đó, bà Metsola đã tích cực đảm nhận vai trò chủ tịch, đi đến các thủ đô của châu Âu để thắt chặt quan hệ cá nhân với người đứng đầu các chính phủ và giải thích cho công dân về vai trò thường bị hiểu lầm của Nghị viện.

Bà đã đến thăm Kiev vào đầu tháng 4/2022 và bày tỏ sự ủng hộ chân thành đối với tham vọng gia nhập khối của Ukraine.

Vào tháng 12 năm đó, vai trò lãnh đạo của bà đã phải đối mặt với thử thách lớn: Sự bùng nổ bất ngờ của vụ bê bối gọi là Qatargate, một vụ bê bối liên quan đến việc nhận tiền để đổi lấy các ưu đãi giữa một số Nghị sĩ châu Âu. BàMetsola đã phản ứng bằng cách cập nhật bộ quy tắc ứng xử để tăng cường tính minh bạch và trấn áp tệ tham nhũng.

"Chúng ta cần đứng thẳng và sẵn sàng", Metsola nói với các nhà lập pháp ở Strasbourg. "Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã học được rằng tương lai không thể đoán trước được”.

"Đây phải là một ngôi nhà không sợ hãi việc dẫn dắt và thay đổi. Chúng ta đã bắt đầu nhưng chưa hoàn thành”, bànói thêm.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu cũng kêu gọi bảo vệ vững chắc pháp quyền, tiếp tục ủng hộ Ukraine, hòa bình bền vững ở Trung Đông, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo vệ mạnh mẽ các quyền xã hội. Cô cũng nhấn mạnh lại yêu cầu lâu nay về việc trao quyền lập pháp cho Nghị viện, quyền hiện đang thuộc về Ủy ban châu Âu.

Bà Metsola kêu gọi các nhà lập pháp phải đề cao cảnh giác và khả năng phê phán trong công việc hàng ngày của mình nhưng vẫn duy trì trách nhiệm và sự minh bạch, bảo vệ tính chính trực của Nghị viện.

"Tôi sẽ luôn để ngỏ cánh cửa. Các thành viên sẽ được đối xử công bằng và tôn trọng", bà nói. "Với tư cách là Chủ tịch, mọi người biết rằng, tôi có thể vừa bảo vệ Nghị viện của chúng ta vừa xây dựng cầu nối giữa các phe phái chính trị”.

Hoàng Bách