Xã hội

Những ngôi nhà nghĩa tình cho người có công

Thanh Nga 20/07/2024 15:56

Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ người có công có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có công và gia đình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực hưởng ứng, đem lại kết quả thiết thực, giàu ý nghĩa.

Những căn nhà nghĩa tình

Căn nhà của cụ bà Đặng Thị Thìn ở xã Nghi Long, Nghi Lộc
Căn nhà của cụ bà Đặng Thị Thìn ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ. Ảnh: Thanh Nga

Căn nhà mới của cụ bà Đặng Thị Thìn (96 tuổi), ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) được bà và con gái dọn vào ở từ đầu năm 2024. Căn nhà được xây dựng với kinh phí 150 triệu đồng, trong đó, nguồn Quỹ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ hỗ trợ 50 triệu đồng.

Cụ Thìn là mẹ liệt sĩ Lê Văn Hùng, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cụ Thìn nói trong niềm vui sướng: "Bấy lâu tôi và con gái mơ ước có được ngôi nhà khang trang như thế này để trú ngụ, nhưng lực bất tòng tâm, chúng tôi thậm chí không có đủ nửa số tiền để xây dựng một ngôi nhà 2 gian đủ chỗ chui ra, chui vào lúc mưa, nắng... Nay nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội và của anh em làng xóm, tôi và con gái đã có ngôi nhà đàng hoàng để ở".

căn nhà của bà Đinh Thị Như Hoa tại xã Nghi Long Nghi Lộc
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc và cán bộ chính sách xã Nghi Long tới thăm bà Đinh Thị Như Hoa. Ảnh: Thanh Nga

Cũng tại xã Nghi Long, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã hỗ trợ bà Đinh Thị Như Hoa ở xóm Kim Diên xây căn nhà 2 gian khang trang. Bà Hoa là vợ liệt sĩ Hoàng Văn Thái, hy sinh tại chiến trường Tây Nam. Trong nhiều năm bà Hoa cùng với người con thứ phải ở trong căn nhà nhỏ xiêu vẹo, dột nát. Những năm gần đây, người con của bà vào Nam tìm việc làm, nhà chỉ còn mình bà ở, quả thực rất khó khăn. Từ nguồn hỗ trợ 50 triệu đồng, gia đình bà huy động thêm nguồn lực từ anh em, làng xóm để xây mới được căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng, đảm bảo có chỗ ở mới khang trang, yên tâm an dưỡng tuổi già.

Theo cán bộ chính sách xã Nghi Long - bà Nguyễn Thị Quỳnh: Dù trên địa bàn có rất ít đối tượng chính sách được hưởng nguồn kinh phí xã hội hóa về xây dựng nhà ở, nhưng chính quyền xã đã vận dụng nhiều nguồn kinh phí khác để hỗ trợ và chăm sóc cho người có công. Trong gần 5 năm lại đây xã đã huy động được hơn 500 triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa và xây mới 10 căn nhà cho người có công già cả neo đơn hoặc đau ốm hoặc là vợ, mẹ liệt sĩ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc cho biết: Trong 5 năm lại đây, huyện đã xây dựng và sửa chữa 110 căn nhà cho người có công với số tiền 6 tỷ 805 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Đối tượng thụ hưởng chủ yếu là vợ hoặc mẹ liệt sĩ, tuy nguồn hỗ trợ không nhiều, chỉ từ 50 – 100 triệu đồng/hộ nhưng đã giải quyết phần nhiều những khó khăn đối với các hộ trong việc xây dựng và sửa chữa nhà ở.

Tại huyện Hưng Nguyên, năm 2023 vừa qua, huyện đã huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 41 ngôi nhà cho các gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn, với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn huy động các nguồn khác để xây mới và sửa chữa 55 ngôi nhà cho người có công, với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Trong hơn 2 năm (từ tháng 1/2022 - 6/2024), toàn tỉnh Nghệ An đã vận động được trên 41 tỷ đồng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, cùng nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 479 gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở, tổng trị giá 20.393 triệu đồng.

Chính sách nhân văn, kịp thời

Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là hộ gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở đó trước ngày 15/6/2013. Hộ gia đình được hỗ trợ phải có đủ 2 điều kiện: Thứ nhất, phải là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Thứ hai, đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ phải phá dỡ để xây mới nhà ở hoặc phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Cũng theo quyết định này, ngân sách Nhà nước (gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải phá dỡ để xây mới nhà ở, hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

Việc hỗ trợ phải đảm bảo nguyên tắc sau khi được hỗ trợ, các hộ xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đã có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2.

2638269973139728193.jpg
Lễ trao tặng tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thương binh hạng 1/4 tại xã Nghi Phương (Nghi Lộc). Ảnh: Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cung cấp

Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ dân xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở theo quy định và vận động các hộ tự xây dựng nhà ở. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn như già cả, neo đơn, tàn tật... không thể tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ này.

Theo đó, nhiều năm qua Nghệ An đã triển khai rốt ráo thực hiện chính sách theo Quyết định 22 và đã đạt tiến độ đề ra, dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian thực hiện triển khai.

Hỗ trợ nhà ở gia đình người có công
Hỗ trợ nhà ở gia đình người có công. Đồ họa: Hữu Quân

Tổng số hộ gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở là 22.022 hộ (trong đó, có 10.955 hộ xây mới nhà ở; 11.067 hộ sửa chữa nhà ở), với tổng kinh phí hơn 659 tỷ đồng. Huyện được hỗ trợ nhiều nhất là: Yên Thành 2.599 hộ, Anh Sơn 1.705 hộ, Thanh Chương 1.312 hộ

Chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công là chính sách nhân văn hết sức kịp thời cần thiết. Chính sách được thực hiện đã phần nào giảm bớt sợ khó khăn cho người có công về nhà ở. Tuy nhiên, theo khảo sát hiện vẫn còn nhiều gia đình người có công còn rất khó khăn trong cuộc sống thường nhật đặc biệt là nhà ở. Thế nên, chính quyền và các tổ chức xã hội sẽ tranh thủ các nguồn lực để chăm lo tốt hơn nữa cả vật chất lẫn tinh thần cho người có công.

Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH

Thanh Nga