Pháp luật

Mua củi, chở lên rừng...

Nhật Lân 23/07/2024 09:00

Ở xã Nga My xa xôi còn lắm khó khăn của huyện rẻo cao biên giới Tương Dương, để hoàn thành việc xây dựng trường tiểu học bán trú, rất có thể người ta sẽ phải xuôi về huyện đồng bằng Đô Lương với quãng đường trên 100km để mua đất san lấp mặt bằng...

thieudatsanlapmatbang-cover(1).png

Nhật Lân • 23/07/2024

Ở xã Nga My xa xôi còn lắm khó khăn của huyện rẻo cao biên giới Tương Dương, để hoàn thành việc xây dựng trường tiểu học bán trú, rất có thể người ta sẽ phải xuôi về huyện đồng bằng Đô Lương với quãng đường trên 100km để mua đất san lấp mặt bằng...

***

thieudatsanlapmatbang-t1.png

Thông tin về dự án xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My vì không có đất san lấp, nhiều khả năng trễ hẹn, không hoàn thành để đón ngày khai giảng năm học mới 2024 - 2025 đến với chúng tôi trước Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII. Liên hệ huyện Tương Dương để hỏi về việc do không có đất san lấp dẫn đến dự án xây trường chậm tiến độ, thì được xác nhận. Qua điện thoại, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương, ông Nguyễn Phùng Hùng nói: Đây là một thực tế rất khó khăn mà huyện chưa tìm ra lời giải…

Để có cái nhìn sát thực, chúng tôi ngược lên huyện Tương Dương trong ngày 16/7. Đến thị trấn Thạch Giám, được thông báo mấy ngày qua ở huyện Tương Dương có mưa lớn, tuyến đường gần nhất để vào Nga My có sạt lở, nên để an toàn thì phải xuôi về thị tứ Khe Bố, theo Quốc lộ 48C qua các xã Yên Thắng, Yên Hòa với chiều dài gần 80 km. Đành theo chỉ dẫn, chạy xe thêm 2 tiếng đồng hồ, khi mặt trời đứng bóng mới đến được khu vực xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My, là bản Văng Môn - nơi đồng bào Ơ Đu tái định cư.

img_20240718_134708.jpg
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My đang được xây dựng. Ảnh: Nhật Lân

Tại thực địa, hình hài trường đã rõ với nhà học 2 tầng đã lợp mái, 12 phòng học đang được gia trát khá hoàn chỉnh. Nhưng người trông coi ở đây - ông Lưu Viết Ba cho hay rằng, sẽ không đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Ông Ba nói: “Theo hợp đồng ký kết với huyện thì đến tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành, bàn giao công trình. Chúng tôi đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phấn đấu bàn giao sớm, trong tháng 8 để các cháu ở Nga My được dự lễ khai giảng năm học tại ngôi trường mới. Nhà học thì hết tháng 7 là có thể hoàn thành, chỗ ở bán trú cho các cháu thì xác định tận dụng lại các nhà của điểm trường cũ kế bên. Nhưng trường không chỉ cần nhà, mà còn cần khuôn viên sân chơi, không có đất san lấp mặt bằng thì chịu…”.

Rảo theo ông Lưu Viết Ba đi hết khuôn viên, thấy rõ thực tế là rất cần đất san lấp mặt bằng. Khu đất của trường thấp hơn nhiều so với Quốc lộ 48C, đã vậy lại có khe nước chạy dọc trước mặt. Thế nên, dự án phải thiết kế bổ sung hạng mục kè chắn dài 45m chống sạt lở mới có thể đổ đất tạo mặt bằng xây dựng khuôn viên sân vườn. Quan sát thấy kè đã xây dựng và một phần diện tích khuôn viên đã đổ đất mới, tạo mặt bằng.

img_20240718_134705.jpg
Ông Lưu Viết Ba xác định cốt đất san lấp phải ngập phần móng nhà học 2 tầng. Ảnh: Nhật Lân

Hỏi ông Lưu Viết Ba về thực tế này, được trả lời: “Sau khi xây kè chắn, biết một số hộ dân trong vùng cải tạo mặt bằng làm nhà có thừa đất nên chúng tôi trả chi phí vận chuyển để họ đổ vào. Nhưng sau đó cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc làm như vậy vi phạm pháp luật, yêu cầu phải mua đất hợp pháp để san lấp…”.

Ngần ngừ một lát, ông Ba lại nói tiếp: “Khi được nhắc thì phải dừng thôi, nhưng không có đất thì công trình sẽ đình trệ. Chúng tôi đã phải phân phối lại lao động, máy móc cho công trình khác vì đất đắp chưa biết bao giờ mới có. Nghĩ cũng lạ và thấy rất lãng phí khi đất thừa ở các hộ dân và một số công trình thì đem đổ xuống khe, không cho san lấp mặt bằng trường học…”.

Liên hệ với xã Nga My, các vị đại diện đều biết rõ công trình thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững này sẽ bị chậm tiến độ vì thiếu đất san lấp. Phó Chủ tịch UBND xã Vi Thị Mùi nói rằng, Đảng ủy, chính quyền xã và các phụ huynh rất muốn đẩy nhanh tiến độ công trình để con em được học trong ngôi trường mới, nhưng rất khó khăn để tìm nguồn đất san lấp mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND xã Nga My Vi Thị Mùi-quotes

Bà Mùi tâm tư: “Trường cũ thì quá chật chội, thiếu thốn đủ thứ không đảm bảo để các cháu được học bán trú, để thầy cô làm tốt công tác giáo dục. Nhà trường cùng với xã kiến nghị rất nhiều lần mới có dự án xây trường mới. Nhưng nguồn đất san lấp thì xã không có, vì như các đoàn của huyện vào kiểm tra đều nói vướng quy định. Huyện cũng đã dự kiến khi thực hiện dự án khu tái định cư Púng Xiêng thì sẽ lấy đất thừa từ đây san lấp mặt bằng khuôn viên trường, nhưng mới có quy hoạch chứ chưa có kế hoạch sử dụng đất. Để thực hiện được theo phương án này thì sẽ mất rất nhiều thời gian, có nhanh cũng phải sang năm 2025…”.

thieudatsanlapmatbang-t2.png

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My gồm 1 điểm trường chính tại bản Pột, 6 điểm trường lẻ với tổng số 445 học sinh. Ghé đến điểm trường chính, quả thực cơ sở vật chất khó khăn đúng như Phó Chủ tịch UBND xã Vi Thị Mùi đã trao đổi. Trường gồm 1 nhà học 2 tầng, 6 phòng học, 1 dãy nhà cấp 4 và 1 nhà để xe; khuôn viên chỉ rộng chừng vài trăm m2. Bởi đang dịp Hè nên tại đây vắng bóng người. Vì vậy, để nắm thêm thông tin, theo cán bộ xã, nên liên hệ thầy giáo Hiệu trưởng Kha Văn Thông sống tại xã Tam Đình.

img_20240718_134633.jpg
Điểm chính Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nga My tại bản Pột. Ảnh: Nhật Lân

Chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Kha Văn Thông, biết nội dung khiến khách ghé đến, ông nói: “Lỡ hẹn với năm học mới rồi…”. Theo thầy giáo Thông, dự án xây dựng trường do UBND huyện làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư 9,9 tỷ đồng, gồm 12 phòng học cùng hệ thống sân, cổng, tường rào. Các hạng mục công trình phụ trợ kèm theo chưa có nên nhà trường dự kiến sẽ phải dùng lại nhà của điểm trường lẻ Văng Môn, huy động phụ huynh dựng thêm nhà tạm để lo cho các cháu bán trú. Nhưng dù vậy, có trường mới, phòng ốc học tập sẽ đầy đủ, sân chơi sẽ rộng rãi, công tác giáo dục và chăm lo cho học sinh bán trú sẽ tốt hơn.

“Năm 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My bắt đầu thực hiện chương trình bán trú tại điểm trường chính với 35 học sinh; bước sang năm học 2023, số học sinh bán trú tăng lên hơn 100 học sinh trên tổng số hơn 320 học sinh. Có học sinh bán trú, tập thể giáo viên nhà trường hết sức vất vả. Căn nhà cấp 4 vốn dành cho Ban Giám hiệu và giáo viên, thế nhưng phải dành làm phòng học. Chỉ Hiệu trưởng và Hiệu phó còn có chỗ để mà làm việc. Nhà để xe cũng phải cải tạo bếp ăn tập thể cho các cháu. Còn chỗ nghỉ ngơi của học sinh bán trú, do thiếu phòng nên phải thuê thêm nhà dân ở cạnh bên. Điểm trường chính nằm sát với Quốc lộ 48C, lại lưng chừng dốc nên rất mất an toàn giao thông. Mỗi khi tan trường, Tổng phụ trách Đội luôn phải cùng một giáo viên theo sát, kèm các cháu qua đường…”, thầy Thông chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo Thông, nhà trường không nắm rõ để xây dựng cơ sở mới thì nguồn đất san lấp mặt bằng sẽ được giải quyết như thế nào. Chỉ biết là đơn vị thi công đã san được một ít diện tích, sau đó phải dừng lại vì vướng thủ tục quy định gì đó. Và bởi không có đất san lấp tạo khuôn viên, dự án chậm tiến độ. Trước thực tế này, nhà trường đã báo lên xã để được trao đổi, lại là nội dung này huyện đang tập trung tháo gỡ…

Hiệu trưởng Kha Văn Thông-quotes

“Năm học này Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My có 115 học sinh bán trú. Những tưởng nhà trường sẽ có được cơ sở mới giúp cho công tác giáo dục, chăm lo cho các cháu được tốt hơn, nhưng với tình trạng này thì chưa biết kéo dài đến bao giờ. Chúng tôi chỉ biết chờ huyện sẽ có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, qua đó công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng, giúp cho sự nghiệp giáo dục ở xã vùng sâu Nga My được thay đổi…”, thầy giáo Kha Văn Thông nói thêm.

Đem sự việc nghe được ở xã Nga My trao đổi với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương - ông Thái Lương Thiện được biết, huyện Tương Dương xác định đầu tư cho giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, quá trình xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 thì quan tâm rà soát, đề xuất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Trong 10 dự án trình lên và được UBND tỉnh chấp thuận, phê duyệt có 3 dự án đầu tư xây dựng trường dân tộc bán trú tiểu học các xã Yên Thắng, Lưu Kiền và Nga My.

Bởi vì không có đất san lấp mặt bằng, dự án xây dựng đang chậm tiến độ. Ảnh: Nhật Lân
Bởi vì không có đất san lấp mặt bằng, dự án xây dựng đang chậm tiến độ. Ảnh: Nhật Lân

Ông Thái Lương Thiện nói: “Nga My là xã vùng xa của huyện Tương Dương, từ trung tâm xã ra đến trung tâm huyện đến hơn 60 km đường núi. Đời sống của nhân dân còn vô vàn khó khăn, hệ thống cơ sở trường lớp thì xây dựng từ đã nhiều năm, xuống cấp, chật chội, thiếu phòng chức năng, sân chơi…, nên không phù hợp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì những lẽ này, Dự án Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My được ưu tiên thực hiện. Nhưng hiện nay đang phát sinh khó khăn về đất san lấp mặt bằng, dẫn đến chậm tiến độ. Theo tôi được biết, đây là khó khăn chung cho tất cả các dự án có nhu cầu về đất san lấp trên địa bàn huyện. Và huyện đang quan tâm tháo gỡ. Phòng Giáo dục và Đào tạo mong rằng vấn đề này sẽ sớm được giải quyết…”.

thieudatsanlapmatbang-t3.png

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến, huyện có quy hoạch một mỏ đất tại thị trấn Thạch Giám, với mục tiêu từ đây sẽ cung ứng đất san lấp cho các dự án trên địa bàn. Vậy nhưng, huyện chưa thể kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư. Lý do khoảng cách địa lý từ thị trấn Thạch Giám đi các xã quá xa xôi. Có xã để đến được phải hơn 160 km đường bộ, còn lại thì từ 40 - 60 km. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đất san lấp mặt bằng cơ sở hạ tầng, công trình dân dụng… trên địa bàn huyện lại không lớn, nếu doanh nghiệp đầu tư sẽ lỗ. Vì vậy, tất cả các dự án có nhu cầu đất san lấp đều gặp khó khăn mà huyện chưa tìm ra lời giải.

Về Dự án Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My, để tạo khuôn viên cần khoảng 9.000 m³ đất. Huyện Tương Dương là vùng núi, đất để san lấp không thiếu nhưng không thể lấy sử dụng. Vậy nên, UBND huyện đã giao các phòng, ban liên quan tìm hiểu, xác định để có đất san lấp thì sẽ phải xuôi về huyện Đô Lương hoặc Yên Thành - là những địa phương có mỏ đất để mua, vận chuyển lên. Như mỏ đất ở huyện Đô Lương, đã báo giá 1m³ đất san lấp đổ đến chân công trình sẽ chi phí khoảng 303.000 đồng/m3. Có nghĩa là, nếu mua đất san lấp từ huyện Đô Lương, dự án trường cho Nga My sẽ phải phát sinh đến hơn 2,73 tỷ đồng…

Kè chắn chống sạt lở để san lấp mặt bằng tạo khuôn viên cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My. Ảnh: Nhật Lân
Kè chắn chống sạt lở để san lấp mặt bằng tạo khuôn viên cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My. Ảnh: Nhật Lân

Hỏi ông Nguyễn Hữu Hiến: Về Đô Lương hay Yên Thành mua đất san lấp, khác nào bỏ tiền mua củi chở về rừng. Giải quyết theo phương án này, vừa ảnh hưởng tiến độ, lại rất lãng phí tiền của ngân sách. Tại sao huyện không báo cáo cấp trên để có giải pháp tháo gỡ khó khăn?

Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Nguyễn Hữu Hiến trả lời: "Vấn đề này đã được huyện bàn thảo rất nhiều lần, tại nhiều cuộc họp. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng có kiến nghị phải khẩn trương xem xét vấn đề này để tháo gỡ khó khăn cho các huyện vùng cao chứ không riêng gì Tương Dương. Tuy nhiên, ở đây là vướng quy định của luật, cụ thể là Luật Khoáng sản. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi Luật Khoáng sản được sửa đổi, phù hợp tình hình thực tế thì mới mong khó khăn này được tháo gỡ. Còn nếu không thì sẽ rất phức tạp, không chỉ với Dự án Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nga My, mà là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội cho các huyện vùng cao...".

Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức ngày 10/7/2024, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Võ Thị Minh Sinh nêu: Thực trạng thiếu cát xây dựng, thiếu đất san lấp, khó khăn trong quản lý khoáng sản phân tán, rải rác, nhỏ lẻ… đang là thực tế xảy ra nhiều năm ở các huyện vùng núi (nhất là đối với việc thực hiện các công trình dự án hạ tầng cơ sở thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương), trung du của tỉnh. Đây chính là “điểm nghẽn” trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, gây bức xúc xã hội.

img_20240718_134636.jpg
Khuôn viên Trường dân tộc bán trú Tiểu học Nga My tại bản Pột. Ảnh: Nhật Lân

Nhật Lân