Xe

Cần làm gì khi lái xe vào đường ngập nước?

Minh Hạnh 23/07/2024 10:58

Các chuyên gia khuyến cáo, khi đi vào tuyến đường ngập nước, bị chết máy, lái xe không nên đề nổ tiếp mà cần gọi cứu hộ hỗ trợ.

Cần làm gì khi lái xe vào đường ngập nước?
Tài xế cần lưu ý thận trọng khi lái xe vào đường ngập nước. Ảnh: Tô Thế

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do tác động của cơn bão số 2, ngày 23 và 24.7, tại khu vực phía Đông Bắc Bộ, phía Tây Bắc Bộ và Hà Nội có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to. Mưa to sẽ gây ngập úng tại một số tuyến đường, khiến các phương tiện di chuyển khó khăn và có thể dẫn tới chết máy.

Các chuyên gia về ôtô khuyến cáo, trường hợp thấy đường ngập nước không đảm bảo an toàn tài xế không nên di chuyển qua mà hãy chọn lộ trình khác. Nên tránh chạy cạnh xe lớn hoặc gần xe ngược chiều vì các xe này có thể tạo sóng nước khiến nước dễ tràn vào khoang máy. Lái xe cũng nên tắt điều hoà và đi bằng số thấp.

Theo anh Ngô Duy Ngọc - nhân viên cứu hộ giao thông tại khu vực Mai Dịch (Nam Từ Liêm, Hà Nội), nếu xe di chuyển vào đường ngập dẫn đến chết máy, tài xế không nên cố gắng đề nổ lại bởi sẽ dẫn tới thuỷ kích, chi phí sửa chữa rất cao. Do đó, nếu muốn di chuyển qua đoạn đường ngập nước lái xe cần phải rất cẩn thận, kể cả xe gầm cao.

Theo kỹ sư ôtô Lê Văn Tạch, khi đi vào vùng ngập nước mà không biết độ sâu, lái xe nên đi chậm tránh trường hợp nước vào máy đột ngột sẽ bị thủy kích, cong hoặc gãy tay biên.

Theo ông Tạch, nếu đi chậm nước ngập sâu xe sẽ tự chết máy, khi đó lái xe tuyệt đối không được đề nổ mà hãy gọi cứu hộ hỗ trợ. Nếu lái xe cố tình khởi động lại động cơ, hệ thống hút gió sẽ tiếp tục hoạt động, các piston được trục khuỷu đẩy lên rất nhanh để tiếp tục thực hiện quá trình nén khí. Tuy nhiên lượng nước lọt vào buồng đốt sẽ tác động một lực cực lớn ngược trở lại. Hai lực này sẽ ép tay biên (tay dên) biến dạng.

"Nhẹ thì tay biên sẽ bị cong, thành xi-lanh bị trầy xước, nặng thì tay biên bị gãy, dẫn đến chọc thủng thành xi-lanh, phá hủy động cơ và chi phí sửa chữa rất lớn. Những xe đi vào vùng nước ngập cần đến các gara để kiểm tra và vệ sinh lọc gió, cửa hút gió, bầu trộn gió để tránh nước vào cửa đốt gây chết máy xe”, kỹ sư Lê Văn Tạch khuyến cáo.

Thủy kích là hiện tượng nước tràn vào buồng đốt của xi-lanh qua đường hút gió khi động cơ đang hoạt động, khiến cho piston bị chặn lại và nhiên liệu không thể cháy trong buồng đốt, dẫn đến chết máy.

So với động cơ xăng, động cơ diesel dễ bị thủy kích và hư hỏng nặng hơn do động cơ diesel có tỉ số nén cao hơn, buồng cháy nhỏ hơn nên lượng nước lọt vào động cơ ít cũng có thể gây thủy kích.

Minh Hạnh