Anh Sơn nâng cao chất lượng giáo dục
Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, đồng thời, luôn đổi mới công tác quản lý, tạo chuyển biến tích cực về mọi mặt trong các nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo Anh Sơn đã có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, ngành luôn giữ vững chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh hàng năm.
Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học
Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy và học của 61 trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS, THPT (trong đó, có 60 trường công lập, 1 trường ngoài công lập) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành ở huyện Anh Sơn.
Trong thời gian vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển, trong đó, ưu tiên các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, dự án... để xây dựng trường lớp khang trang, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đặc biệt là góp phần quan trọng triển khai kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Anh Sơn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025...
Trước yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo, nhất là nhu cầu đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, huyện Anh Sơn đã ban hành các chủ trương, chính sách, đề án, kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn cụ thể để triển khai hiệu quả yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trong năm học 2023 – 2024, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng mới Trường Mầm non Phúc Sơn; xây dựng phòng học, phòng chức năng và một số hạng mục, công trình khác tại các trường THCS…, đồng thời, đảm bảo việc sáp nhập các điểm trường lẻ (đã sáp nhập 2 điểm trường lẻ) về điểm trường chính.
Đến nay, tại huyện Anh Sơn, tổng số phòng học kiên cố ở cấp mầm non và phổ thông là 770 phòng, trong đó, cấp mầm non có 194 phòng (đạt 79,18%); cấp tiểu học có 278 phòng (đạt 80,11%); cấp THCS có 202 phòng (đạt 98,05%); Trung học phổ thông có 82 phòng (đạt 100%); GDNN – GDTX có 14 phòng (đạt 100%). Tổng số phòng học bán kiên cố là 124 phòng.
Để đảm bảo điều kiện dạy học, cấp ủy, chính quyền huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các nhà trường.
Trong những năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đã được quan tâm bổ sung, đầu tư, nâng cấp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học, đặc biệt là nhu cầu đổi mới theo Chương trình GDPT 2018. Năm học 2023 - 2024, các trường học trên địa bàn huyện đã được đầu tư hơn 125 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, tu sửa phòng học, phòng chức năng, mua sắm trang thiết bị dạy học. Thời gian tới, sẽ tăng cường huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục và sáp nhập trường, điểm trường...”.
Bùi Thị Phượng – Phó Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn
Giữ vững chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh
Cùng với chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên rõ rệt (tỷ lệ tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 98%) và kết quả điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyển biến tích cực, ngành Giáo dục và Đào tạo Anh Sơn luôn tạo được dấu ấn về chất lượng học sinh giỏi các cấp. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 7. 045 lượt học sinh giỏi cấp huyện, đặc biệt, có 174 lượt học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó, có 10 giải Nhất, 52 giải Nhì, 49 giải Ba và 32 giải Khuyến khích.
Chất lượng học sinh giỏi nhiều năm luôn nằm trong tốp đầu của tỉnh: 3 lần xếp vị thứ 2 toàn tỉnh (các năm 2016, 2017, 2019); 2 lần xếp vị thứ 3 toàn tỉnh (các năm 2022, 2023) trong đó, nhiều môn được xếp vị thứ nhất tỉnh: Môn Lịch sử (2 lần xếp thứ nhất tỉnh), môn Ngữ Văn (4 lần xếp thứ nhất tỉnh), các môn Toán, Sinh học, GDCD, Hóa học, Tin học (1 lần xếp thứ nhất tỉnh).
Ở huyện Anh Sơn, nhờ được sự quan tâm của các cấp, ngành, của phụ huynh, học sinh, chất lượng môn Tiếng Anh có nhiều chuyển biến tích cực: Năm học 2022-2023 có 43 em đạt chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, năm học 2023-2024 có 29 em đạt chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế, có 4 em đạt HSG cấp tỉnh và xếp vị thứ 5 bảng A toàn tỉnh.
Cùng với đó, chất lượng dạy môn Tin học trong các trường THCS được nâng lên, đảm bảo các điều kiện dạy học Tin học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, 7, 8. Năm học 2022-2023, có 143 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học IC3 và 2 em đạt học sinh giỏi Tin học cấp tỉnh. Năm học 2023-2024 có 2 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và xếp vị thứ 2 bảng A toàn tỉnh.
Chất lượng học sinh giỏi các cấp đều được nâng lên, năm học 2023-2024, huyện đã tổ chức thi công nhận học sinh giỏi cấp huyện cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 và có 1.699 em đạt học sinh giỏi huyện; trong đó có: 140 giải Nhất, 435 giải Nhì, 638 giải Ba và 486 giải Khuyến khích.
Cũng trong năm học qua, kết quả học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh đạt nhiều giải cao, có 36 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó, có 2 giải Nhất, 8 giải Nhì; 17 giải Ba; 9 giải Khuyến khích; môn Vật lý, Tin học và Địa lý xếp vị thứ 2, Ngữ văn xếp vị thứ 4)...
Trao đổi về các giải pháp để nâng cao chất lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy Đoàn Văn Thanh – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn cho biết:
“Để chủ động lựa chọn, hình thành đội tuyển nguồn cho năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường THCS trong toàn huyện lựa chọn nguồn và giao nhiệm vụ cho các em học sinh tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên bộ môn.
Sau khi hình thành đội dự tuyển học sinh giỏi tỉnh, phòng đã giao Trường THCS Anh Sơn tiếp nhận học sinh của các trường và xây dựng kế hoạch, chương trình bồi dưỡng khoa học, bám sát chương trình dạy học, bố trí thời khóa biểu và địa điểm các lớp học hợp lý, đảm bảo chất lượng và an toàn cho các em trong trong quá trình học tập và bồi dưỡng tại trường. Trong suốt quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi, lãnh đạo các cấp, ngành huyện luôn quan tâm, động viên khuyến khích giáo viên và học sinh...”.