Thời sự

Văn hóa tri ân trong thời đại mới

Mai Nam Thắng 27/07/2024 06:58

Thực tế hiện nay, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh và người có công đã trở thành hoạt động xã hội thường xuyên; không chỉ riêng một Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, không chỉ riêng một tháng Bảy là Tháng tri ân. Công tác chính sách của Đảng và Nhà nước ta đã được bồi đắp và nâng lên thành một nét văn hóa tri ân của dân tộc Việt Nam trong thời đại hội nhập và phát triển.

img_2514.jpeg
Các liệt sĩ an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Thành Duy

Tôi có người bạn vong niên là Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, hơn tôi ngót một con giáp, người làng Đại Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông là Cục trưởng Cục Chính sách của Bộ Quốc phòng gần chục năm cuối cùng của thế kỷ trước. Ông là sĩ quan cấp cao đầu tiên của quân đội ta dẫn đầu đoàn cán bộ liên ngành sang tiếp cận hồ sơ chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, để đối chiếu xác minh nhiều trường hợp cán bộ và chiến sĩ ta bị địch bắt, bị hy sinh và mất tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi đó, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hóa quan hệ. Ông là người chủ trì tham mưu, đề xuất nhiều chế độ, chính sách đãi ngộ, tri ân liệt sĩ, thương binh, người có công... trong thời kỳ mới; trong đó có Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994...

Cách nay tròn một phần tư thế kỷ, trước khi chia tay Cục Chính sách để đảm nhận công tác mới, ông cứ băn khoăn, áy náy rằng: Mặc dù ông cùng các cộng sự và các bậc tiền nhiệm đã hết sức cố gắng, nhưng khối lượng các vấn đề và các đối tượng cần giải quyết chế độ, chính sách thỏa đáng vẫn còn rất lớn. Rất nhiều trường hợp và sự việc cấp bách, khẩn thiết còn dang dở. Giá ông được ở lại để chia sẻ cùng anh em gánh nặng tồn đọng chiến tranh...

_img_3567.jpeg
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và các đại biểu thả vòng hoa trên sông Thạch Hãn tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Thành Duy

Đầu Xuân Giáp Thìn vừa rồi, nhân cuộc gặp mặt chúc mừng ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành vị tướng nhà-văn-trẻ ở tuổi bảy mươi lăm, tôi nhắc lại nỗi băn khoăn, áy náy của ông tròn một phần tư thế kỷ trước. Đang vui, giọng ông chợt chùng xuống: Tồn đọng chiến tranh vẫn còn quá lớn. Nếu ở lại thêm hàng chục năm nữa thì các ông và toàn ngành chính sách của đất nước cũng chỉ giải quyết được phần nào những tồn đọng nhức nhối của cuộc kháng chiến cứu nước đã lùi xa và càng lùi xa... Đây là một vấn đề hệ trọng, vô cùng nan giải, phải bằng nhiều biện pháp, kiên trì giải quyết trong nhiều năm nữa!

Lời tâm sự của ông khiến tôi nhớ lại cách đây hơn chục năm, tôi được tham gia đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sang làm việc với một số cơ quan chức năng của Quân đội nước Cộng hòa Bê-la-rút. Tình cờ tôi bắt gặp trên báo Quân đội (Vaiar) của nước bạn số ra ngày 15/10/2013 có chuyên mục “Những lá thư từ mặt trận”. Chiếm hẳn cả trang 6 là lá thư của một hồng quân đề ngày 3/9/1943 ở mặt trận phía Tây, có cả bút tích và chân dung của người viết thư.

Đại tá An-đơ-rây Su-ba-đê-rốp -Tổng Biên tập Trung tâm Thông tin của Quân đội Bê-la-rút cho biết: Suốt mấy chục năm nay, báo Vaiar vẫn giữ đều đặn chuyên mục này và các anh chưa bao giờ lo cạn nguồn tư liệu.

Không những thế, ở Tổng cục Công tác tư tưởng của quân đội Bê-la-rút (tương tự như Tổng cục Chính trị của quân đội ta) còn có một cơ quan gọi là “Cục hồi tưởng chiến tranh” chuyên trách giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, như: tìm kiếm những quân nhân bị mất tích; xác minh các trường hợp hy sinh, bị thương hoặc người có công; giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước… Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng những công việc tìm kiếm, xác minh, báo đáp… vẫn chưa vơi. Hiện nay, quân đội Bê-la-rút vẫn duy trì một tiểu đoàn đặc biệt, ngày ngày mải miết đi kiếm tìm đồng đội trên khắp các chiến trường xưa…

_img_3862.jpeg
Tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị có 800 liệt sĩ quê Nghệ Tĩnh đang yên nghỉ. Ảnh: Thành Duy

Vậy đó, tồn đọng chiến tranh là vấn đề của mọi quốc gia và dân tộc trên thế giới. Nước ta ngay sau khi giành được độc lập bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam mới, đã phải tiến hành mấy cuộc kháng chiến ngót bốn chục năm để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế... Bởi vậy, hậu quả chiến tranh ở nước ta càng vô cùng nặng nề và phức tạp. Cùng đó là những hạn chế về điều kiện kinh tế - xã hội của một đất nước tiểu nông lạc hậu và một quân đội non trẻ “từ nhân dân mà ra”, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng theo hướng chính quy...

Bên cạnh đó là những nguyên nhân chủ quan, như: Trước đây do cán bộ chủ trì và cơ quan các cấp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và những việc làm cần thiết của công tác chính sách thương binh - liệt sĩ trước, trong và sau từng trận đánh, từng chiến dịch; chưa lường hết tính chất phức tạp, khó khăn trong việc thực hiện chính sách. Sau chiến tranh, việc tổ chức thực hiện chính sách không cơ bản, nền nếp, khoa học; có người, có bộ phận còn tắc trách, hành chính, quan liêu... Thậm chí có những hiện tượng tiêu cực như: bớt xén tiêu chuẩn các đối tượng chính sách, giả mạo giấy tờ để hưởng lợi bất chính...

_img_2433.jpeg
Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Thành Duy

Những hiện tượng tiêu cực trên đây không chỉ làm ảnh hưởng công tác chính sách, mà còn tạo cớ để các thế lực thù địch và cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Trong thực tế đã có nhiều vụ việc các thế lực thù địch, bất mãn... lợi dụng những hiện tượng tiêu cực của cán bộ và khó khăn, thiếu thốn trong đời sống của một bộ phận thương binh, gia đình liệt sĩ, đối tượng chính sách... để kích động gây rối, gây mất trật tự xã hội và an ninh chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết của nhân dân. Điều đó đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục các đối tượng thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công tiếp tục phát huy truyền thống bản thân và gia đình trong thời kỳ mới, thật sự xứng đáng là những công dân gương mẫu và gia đình tiêu biểu.

Cái giá của độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mà dân tộc ta phải trả là vô cùng to lớn chẳng thể nào đo đếm được. Bom đạn và chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng hậu quả của nó để lại trên đất nước ta vẫn còn hết sức to lớn, nặng nề, khắp mọi miền đất nước, với tính chất phức tạp, khó khăn, bức xúc, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Đặc biệt, đến nay, vẫn còn hàng vạn bà mẹ ngày ngày mong ngóng tin con, hàng vạn người vợ ngóng tin chồng, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính và hàng vạn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt hay phần mộ... Đó là nỗi đau lớn của cả dân tộc.

uploaded-thanhthuybna-2024_03_15-_bna-anh-1-8590.jpg
Cán bộ, nhân viên Đội Quy tập Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An tiến hành tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào tại huyện Phả Xay, tỉnh Xiêng Khoảng. Ảnh: Trọng Kiên

Chính sách thương binh - liệt sĩ và người có công là một chính sách lớn trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta đã thường xuyên nghiên cứu sửa đổi, ban hành chính sách đãi ngộ thỏa đáng, hợp lý, hợp tình, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì đẩy mạnh các cuộc vận động nhằm góp phần chăm sóc đời sống của thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công theo hướng xã hội hóa. Đây là nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, là đạo lý thủy chung và là tình cảm, trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân ta đối với những người, những gia đình đã cống hiến hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống thanh bình hạnh phúc của nhân dân.

Mai Nam Thắng