Clip: Xuân Hoàng - Quang An Nghệ An đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ an toàn các khu rừng ngập mặn trên địa bàn các huyện ven biển: Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh. Trong ảnh: Đàn cò trắng về trú ngụ trong cánh rừng ngập mặn ở xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng Theo người dân cho biết, khi thủy triều lên, tôm, cá tập trung nhiều trong những khu rừng ngập mặn, trong đó, cua thường di chuyển từ biển vào cửa sông rồi tìm tới những khu vực bùn lầy, đất ẩm ướt trong rừng để cư trú. Ảnh: Quang An Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, địa phương có gần 170 ha đất ven sông có thể trồng được rừng ngập mặn, hiện đã có khoảng 110 ha rừng ngập mặn ở các xã: Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Hải. Hàng năm được bổ sung thêm một số diện tích bằng tự mọc và Nhà nước tổ chức trồng bằng các dự án lồng ghép. Để bảo vệ tốt các khu rừng ngập mặn, các địa phương thành lập tổ bảo vệ rừng cộng đồng, từ đó người dân trong vùng quanh năm có nguồn thu từ săn bắt cua, tôm, ốc.... dưới tán rừng. Ảnh: Xuân Hoàng Một cánh rừng ngập mặn (rừng bần) ở xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Được biết, diện tích rừng ngập mặn của xã Hưng Hòa khoảng 63 ha, bám theo trục đường ven sông Lam, là một trong những điểm nhấn vùng ngoại thành Vinh. Ảnh: Xuân Hoàng Các địa phương có rừng ngập mặn đều hình thành được tổ bảo vệ. Ngoài nhiệm vụ hướng dẫn người dân khai thác nguồn lợi thủy sản trong rừng còn trực tiếp bảo vệ, phát triển rừng, do vậy, hàng nghìn cây rừng ngập mặn ở xã Hưng Hòa cũng như các địa phương khác mặc dù đã hàng chục năm tuổi nhưng vẫn xanh tốt. Ảnh: Quang An Theo người dân cho biết, những cây nhiều năm tuổi, hàng năm ra hoa kết trái, rồi hạt rụng xuống đất, mọc lên vô số cây non, nên rừng ngập mặn ngày càng rậm rạp hơn. Ảnh: Quang An Từ khai thác các loài thuỷ sản trong rừng ngập mặn, có người mỗi ngày kiếm được hàng trăm nghìn đồng. Ảnh: Quang An Hàng năm từ nguồn vốn của các dự án, tổ chức, Nghệ An triển khai thành công dự án trồng rừng ngập mặn tại các huyện ven biển. Trong ảnh: Người dân huyện Diễn Châu tích cực trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường. Ảnh: Quang An Nghệ An có 82 km bờ biển, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Vì vậy, việc trồng rừng ngập mặn có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ môi trường tự nhiên, phòng chống biến đổi khí hậu, phòng ngừa các thảm họa thiên tai. Được biết, trên địa bàn Nghệ An hiện nay còn trên 700 ha rừng ngập mặn là cây bần và sú vẹt. Ảnh: Xuân Hoàng
Xuân Hoàng - Quang An