Mặt trận Nghệ An làm tốt hơn vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An khóa XV, nhiệm kỳ 2024 – 2029 là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ và đoàn kết, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Báo Nghệ An ghi một số ý kiến đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận và cán bộ Mặt trận gửi gắm đến Đại hội.
Trong “dòng chảy” chung của đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy trong hệ thống chính trị; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, thực hiện theo phương châm hành động của cán bộ Mặt trận: “Bản lĩnh, tinh thông, đồng lòng, đổi mới”.
Bên cạnh đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng 5 chương trình phối hợp hành động, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận, nhiệm vụ chính trị của tỉnh cùng với thực tiễn để lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm triển khai hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân. Tiêu biểu hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội mà điểm nhấn là chương trình làm nhà ở, “Tết vì người nghèo”, hỗ trợ người dân bị thiên tai, hỗ trợ người dân và các lực lượng tuyến đầu trong “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19…; góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp thêm sức mạnh cho những hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế vượt qua khó khăn, vươn lên.
Mặt trận đã phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân thông qua việc nắm bắt tình hình, dư luận nhân dân để kịp thời phản ánh, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền; đồng thời tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách đến với nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng, nhất là khai thác tốt thế mạnh mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền.
Điều đáng phấn khởi, những đổi mới, quyết liệt trong hành động của MTTQ tỉnh đã lan toả, truyền cảm hứng đến hệ thống Mặt trận các cấp trong tỉnh. Riêng hoạt động của MTTQ thành phố Vinh, từ triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” đã huy động sức dân đóng góp hơn 143 tỷ đồng; hiến gần 7.800 m2 đất và hơn 3.200 ngày công để chỉnh trang đô thị, xây dựng thiết chế văn hóa; huy động xã hội hoá hơn 50 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Mặt trận thành phố triển khai thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu. Giai đoạn 2019 – 2024, Mặt trận thành phố đã tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức 243 hội nghị đối thoại trực tiếp với nhân dân trên nhiều lĩnh vực, nhất là đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân...
Tin tưởng, Mặt trận Nghệ An tiếp tục làm tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị.
*****
Nghệ An có khoảng 14,76% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; sinh sống tại 252 xã/12 huyện, thị xã; trong đó có 106 xã và 1.182 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng, đất sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân, cùng với một số phong tục tập quán lạc hậu làm cản trở sự phát triển.
Cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, MTTQ tỉnh và Mặt trận các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số đã có những đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của Mặt trận. Như ở huyện Quế Phong, nơi có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố ở 13 xã, thị trấn; đến nay, 100% Mặt trận xã, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản I-Office, đồng thời thiết lập các trang fanpage, facebook, zalo của Mặt trận từ huyện đến thôn, bản nhằm phục vụ công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người dân và công tác chỉ đạo hoạt động của Mặt trận nhanh nhất, kịp thời nhất, lan tỏa đến nhiều đối tượng nhất.
Hoạt động an sinh xã hội được MTTQ tỉnh và các địa phương ưu tiên hướng về đồng bào dân tộc thiểu số, từ mô hình sinh kế, đến làm nhà ở, chăm sóc y tế, hỗ trợ học tập, hỗ trợ quà Tết với 100% hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận; kết nối các doanh nghiệp, các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm xây dựng hàng trăm công trình dân sinh, điểm trường học trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có huyện Quế Phong. Mặt trận các cấp chăm lo xây dựng, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với gần 1.000 người; đây là nhân tố, lực lượng quan trọng đưa các chủ trương, chính sách và các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận đi vào cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo yên dân, yên biên giới, yên địa bàn; thời gian tới, mong muốn Mặt trận các cấp trong tỉnh nâng cao vai trò hoạt động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm là đẩy mạnh, đa dạng hoá hình thức tuyên truyền, tăng cường vận động, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, giúp nhau thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với tập trung xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại và chống các luận điệu xuyên tạc, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng việc đổi mới hình thức tuyên truyền sinh động, hiệu quả…
Mong muốn Mặt trận các cấp tiếp tục đồng hành cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời đề xuất các cấp giải quyết liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giải quyết đất sản xuất gắn với triển khai các mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào; xoá các thôn, bản chưa có điện và đưa viễn thông phủ sóng vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
*****
Nhiệm kỳ qua, MTTQ tỉnh và các cấp đã làm được một khối lượng công việc mang tính vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, MTTQ tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở.
Tôi kỳ vọng, nhiệm kỳ 2024 - 2029, MTTQ tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân để xử lý kịp thời, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, dân yên, dân tin, dân tham gia tích cực, hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Đồng thời cần tập trung cao hơn để xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở có kiến thức, kinh nghiệm, hiểu dân, tin dân, ủng hộ dân; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Mặt trận có năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, hết lòng vì công việc chung. Tin tưởng, kỳ Đại hội này sẽ chọn lựa Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ mới là những người thực sự tiêu biểu về lòng yêu nước, tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ, uy tín và am hiểu sâu về công tác Mặt trận. Điều này sẽ tạo nền tảng quan trọng thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đề ra trong 5 năm tới.
*****
Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Đối với thị xã Hoàng Mai, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã được Mặt trận các cấp triển khai với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, huy động sự vào cuộc của các cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. MTTQ và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân hiến hơn 78.500 m2 đất, đóng góp hàng ngàn ngày công, ủng hộ hơn 210 tỷ đồng để xây dựng các công trình nông thôn mới, chỉnh trang đô thị. Kết quả này, góp phần xây dựng thị xã Hoàng Mai cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 và phấn đấu đạt các tiêu chí loại II vào năm 2030.
Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở Hoàng Mai cũng đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự động thuận trong nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn; trong đó có một số dự án trọng điểm như Khu công nghiệp Hoàng Mai 1; Khu công nghiệp Hoàng Mai 2; dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò; dự AFD chống biến đổi khí hậu và các công trình khác…
Từ thực tiễn hoạt động thời gian qua, tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, MTTQ tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
*****
Nhiệm kỳ 2019 -2024 được đánh giá và khẳng định một nhiệm kỳ đã tập hợp, phát huy sức mạnh của toàn dân, xây dựng lương - giáo đoàn kết để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An của MTTQ các cấp. Tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, MTTQ cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận chủ trì và phát động tiếp tục được lan tỏa, có hiệu quả thiết thực, ý nghĩa đi vào đời sống của nhân dân; nhiều hoàn cảnh khó khăn, các trường hợp yếu thế trong xã hội được quan tâm chăm lo kịp thời.
Thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã làm rất tốt công tác đoàn kết đồng bào các tôn giáo. Tôi mong muốn, MTTQ các cấp tiếp tục là “cầu nối” xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh. Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục đa dạng, linh hoạt các phương thức vận động, tập hợp, đoàn kết đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng pháp luật và phù hợp truyền thống văn hóa của dân tộc. Phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo trong vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.