Pháp luật

Nỗ lực phòng, chống nạn mua bán người trên địa bàn Nghệ An

Thanh Nga 29/07/2024 16:33

Thời gian qua, chính quyền các địa phương, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, kiểm soát, vô hiệu hóa nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm về mua bán người...

Thủ đoạn tinh vi

Có thể thấy phương thức, thủ đoạn của bọn buôn bán người chủ yếu là lợi dụng vào các mối quan hệ quen biết hoặc qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân, dùng lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn tìm việc làm cho họ với mức lương cao…; các đối tượng thường thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook...) để tìm cách lôi kéo, lừa phỉnh nạn nhân đem đi bán...

Đặc biệt thời gian gần đây đã phát hiện thủ đoạn lừa dụ dỗ nạn nhân qua các nước Lào, Campuchia để bán cho các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc (hoặc gốc Trung Quốc) sử dụng để hoạt động phạm tội lừa đảo trên không gian mạng hoặc đánh bạc trực tuyến.

uploaded-thanhluongbna-2023_07_15-_bna-2-nguoi-1184-6255.jpg
Tối 1/7/2023 lực lượng chức năng kịp thời bắt 2 đối tượng Ven Thị Hoài và Cụt Thị Ngọc, giải cứu 2 nạn nhân là trẻ em trước khi bị các đối tượng bán sang Trung Quốc. Ảnh: tư liệu Vương Linh

Ngoài ra các đối tượng đã dùng mạng xã hội hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết, dụ dỗ, lôi kéo các nạn nhân với những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao”, “chỉ làm việc trong văn phòng, trên máy tính”... Khi các nạn nhân qua biên giới Lào, Campuchia, các đối tượng đưa họ vào giam trong các tòa nhà ở các đặc khu, ép nạn nhân thực hiện hoạt động lừa đảo bằng thủ đoạn công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam hoặc phục vụ cho các hoạt động đánh bạc trực tuyến.

Khi đưa được một người Việt Nam qua, các đối tượng người Trung Quốc trả cho các đối tượng người Việt Nam từ 15 – 70 triệu đồng. Một số nạn nhân sau khi biết mình bị lừa bán qua Lào, Campuchia để hoạt động phạm tội đã không làm theo sự chỉ đạo của bọn tội phạm thì bị đánh đập, giam cầm và bị bắt phải nộp tiền chuộc cho chúng mới được thả về. Có người phải đóng tiền chuộc cho bọn tội phạm số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

uploaded-thanhluongbna-2023_07_15-_co-quan-ca-lam-viec-voi-vi-thi-thoan2-6048-7071.jpg
Cơ quan công an làm việc với Vi Thị Thoan (trú tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) về tội "Mua bán người". Ảnh: tư liệu: Phạm Thủy

Đối tượng phạm tội thường là nữ giới có độ tuổi từ 25 đến 40 (trong các vụ án đối tượng là nam giới hầu hết đồng phạm đóng vai trò giúp sức), cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tạo thành các đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối, lừa gạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán để hưởng lợi.

Đối tượng người Nghệ An hoạt động trong các băng nhóm tội phạm người Trung Quốc tại các đặc khu ở Lào, Campuchia đã dùng mạng xã hội hoặc thông qua các mối quan hệ quen biết, dụ dỗ, lôi kéo độ tuổi từ 18 đến 40 hoặc một số nạn nhân bị mua bán, sau khi bị các đối tượng người Trung Quốc khống chế hoặc mua chuộc giao “chỉ tiêu” phải lừa được các nạn nhân mới qua cho chúng thì mới trả lương, trả thưởng hoặc cho lên làm các nhóm trưởng, tổ trưởng trong các băng nhóm lừa đảo. Do đó nạn nhân lại trở thành đối tượng mua bán các nạn nhân mới...

Theo rà soát của ngành chức năng, tội phạm thường hoạt động là vùng nông thôn, miền núi, nơi có trình độ dân trí thấp, ng­ười dân cả tin, kinh tế khó khăn,… nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt (chủ yếu tập trung ở một số huyện miền núi như: Yên Thành, Diễn Châu, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong). Đối tượng mà bọn buôn người nhắm đến chủ yếu là trẻ em và phụ nữ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hoặc những phụ nữ "quá lứa lỡ thì"; số em gái mới lớn có tư­ tư­ởng thoát ly công việc lao động nông nghiệp tại địa phư­ơng; một số khác là trẻ em không có người lớn trông coi... đa số trong đó nghi bị đưa sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm gái mại dâm.

Cam go công tác phòng, chống

Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 8 vụ, 17 đối tượng về tội mua bán người tất cả đều liên quan đến địa bàn Trung Quốc.

uploaded-thanhluongbna-2023_07_15-_phut-doan-tu-voi-nguoi-than-cua-thieu-nu-nghe-an-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-tu-nam-15-tuoi-vua-duoc-giai-cuu-4287-9756.jpg
Một nạn nhân đoàn tụ với gia đình sau nhiều năm bị lừa bán qua Trung Quốc. Ảnh: tư liệu T.H

Vào ngày 13/01/2024 Phòng PC02, Công an tỉnh Nghệ An; Công an huyện Kỳ Sơn đồng chủ trì phá thành công chuyên án mang bí số “124M” bắt giữ 3 đối tượng Ven Hải Yến, sinh năm 1994, trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn; Moong Thị Hà, sinh năm 1991, trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn và Hoọc Thị Nạn, sinh năm 1992, trú tại bản Ta Đo, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn, về hành vi “Mua bán người”. Căn cứ kết quả điều tra xác định: Vào năm 2018, Ven Hải Yến, Hoọc Thị Nạn, Moong Thị Hà đã lừa bán Chích Thị H., sinh năm 2000 trú tại bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn cho người Trung Quốc với số tiền 5 vạn nhân dân tệ (khoảng 150.000.000 đồng).

Ngày 10/5/2024, Phòng PC02, Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Tương Dương phá thành công chuyên án mang bí số “524M” bắt giữ 3 đối tượng Lương Thị Biên, sinh năm 1986, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; Xeo Văn Hiên, sinh năm 1976, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn và Xeo Thị Thành, sinh năm 1994, trú tại bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”. Căn cứ kết quả điều tra xác định: Vào ngày 09/3/2024, Lương Thị Biên, Xeo Văn Hiên, Xeo Thị Thành đã lừa bán Cụt Thị T., sinh năm 2012; Lữ Thị H., sinh năm 2012 cùng trú tại bản Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương và Lo Thị N., sinh năm 2007, trú tại bản Cà Moong, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương cho người Trung Quốc với số tiềnkhoảng 165.000.000 đồng/1 người).

uploaded-khanhlybna-2024_05_07-_nan-nhan-m-o-xa-keng-du-ke-lai-nhung-ngay-thang-tui-nhuc-sau-khi-bi-lua-ban-sang-trung-quoc-anh-tu-lieu-tien-dong-7622.jpg
Một nạn nhân ở xã Keng Đu (Kỳ Sơn) kể lại những ngày tháng tủi nhục sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Cho đến nay tình hình tội phạm mua bán người còn tiềm ẩn phức tạp, số lượng nạn nhân bị mua bán tương đối nhiều nhưng số được hỗ trợ còn hạn chế, đa số chỉ mới dừng lại ở việc hỗ trợ tiếp nhận, hỗ trợ tiền tàu xe về gia đình, các nhu cầu thiết yếu ban đầu. Bên cạnh đó, công tác quản lý và phòng ngừa cũng chưa đạt hiệu quả nhất định, chưa có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ngành chức năng: Công an, Bộ đội Biên phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội nên việc phối hợp nắm bắt thông tin về các nạn nhân bị mua bán trở về còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân gặp nhiều khó khăn, nạn nhân chưa được chuyển tuyến và kết nối với các dịch vụ kịp thời.

Công tác tuyên truyền giáo dục tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyên truyền cho người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn gặp trở ngại cả về điều kiện đi lại, phương pháp tuyên truyền và nâng cao nhận thức còn gặp nhiều khó khăn.

Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng thời, tuyên truyền và khuyến cáo cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa trước nguy cơ có thể gặp phải khi rơi vào bẫy của bọn buôn người. Đó là cần tìm hiểu kỹ trước những lời mời kết bạn, đi chơi xa, hay giới thiệu việc làm; từ chối dứt khoát khi thấy có điều bất thường; Hỏi ý kiến ít nhất 3 người đáng tin cậy trước khi đưa ra quyết định; thường xuyên cập nhật tình hình với người thân, bạn bè khi đi làm ăn xa; chuẩn bị địa chỉ và số điện thoại tin cậy khi cần giúp đỡ như: Tổng đài quốc gia – đường dây nóng phòng chống mua bán người 111.

Thanh Nga

Thanh Nga