Kinh tế

Nghệ An: Hơn 556 nghìn ha được hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Vĩnh 29/07/2024 17:56

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã nỗ lực vươn lên để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng thụ hưởng kịp thời và đúng quy định.

Chiều 29/7, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, tổng kết đánh giá kết quả chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế và nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.

Tới dự hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, các chủ rừng là tổ chức và các tổ chức chi trả cấp huyện (Hạt Kiểm lâm).

 1
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, các sở, ngành liên quan; sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, các chủ rừng, sự đồng thuận của nhân dân, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, trồng rừng thay thế được thực hiện tốt.

bna_-2-1-.jpg
Ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoàng Vĩnh

6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã ký 52 hợp đồng uỷ thác (tại các cơ sở sản xuất thuỷ điện, sản xuất - cung ứng nước sạch, sản xuất công nghiệp) với tổng nguồn thu hơn 54,5 tỷ đồng. Đồng thời, đã tập trung thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2023 kịp thời, đúng quy định.

6 tháng qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện nghiêm túc việc thu 47 tỷ đồng từ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo diện tích phát sinh được cấp có thẩm quyền cho phép và đã phân bổ gần 93 tỷ đồng cho các đơn vị/dự án (tương ứng với diện tích gần 5.219 ha).

Đến nay, tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thực hiện là 4.625/ 4.845 ha được phê duyệt, đạt 95,5%

 3
Ông Ngô Hoàng Khanh - Giám đốc Quỹ Bảo vệ & Phát triển rừng tỉnh Nghệ An báo cáo quá trình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Trong quá trình thực hiện, Quỹ đã chủ động công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường, bảo vệ rừng của các chủ rừng; công tác trồng, chăm sóc rừng trồng thay thế của các dự án thông qua chế độ báo cáo hàng tháng kết hợp với công tác kiểm tra thực tế tại hiện trường.

6 tháng đầu năm 2024, Quỹ đã tổ chức 8 đợt kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng thay thế, công tác bảo vệ rừng, chi trả trên địa bàn các huyện...

 4
Đại diện Vườn quốc gia Pù Mát trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và sự tác động tích cực tới công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng. Rừng ở Nghệ An được bảo vệ tốt hơn, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng giảm dần qua các năm.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã từng bước góp phần ổn định, đảm bảo diện tích rừng, duy trì độ che phủ của rừng, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện chất lượng môi trường sinh thái.

Diện tích giao khoán bảo vệ rừng có xu hướng tăng hàng năm. Tổng diện tích rừng được chi trả năm 2023 hơn 556.409 ha, tăng hơn 1.000 ha so với năm 2022.

Kiểm tra xác định diện tích rừng chi trả DVMTR . Ảnh PV
Kiểm tra xác định diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: TL PV

Cũng tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để cùng thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng 6 tháng cuối năm 2024.

Hoàng Vĩnh