Bộ đội Biên phòng Nghệ An phát hiện, tham mưu xử lý nhiều vi phạm về khai thác IUU
Bộ đội Biên phòng là một trong những lực lượng được huy động tham gia khắc phục khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về các quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU trên biển. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Đại tá Dương Hồng Hải - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
P.V: Hiện nay đang là thời gian cao điểm cả nước triển khai khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản năm 2017. Được biết, Bộ đội Biên phòng cũng là lực lượng được huy động tăng cường phối hợp thực hiện, Đại tá có thể cho biết về những nhiệm vụ đơn vị đã và đang thực hiện?
Đại tá Dương Hồng Hải: Việc triển khai khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Bộ Chính trị chỉ đạo thực hiện trong cả nước. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản, Công điện số 49/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin, xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), và nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cũng như của các cấp, ngành, của tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Nghệ An đã xây dựng các kế hoạch triển khai.
Cụ thể, triển khai 4 tổ công tác với 15 cán bộ ở các đơn vị tăng cường tại các đồn biên phòng tuyến biển, duy trì 1 tổ công tác của Bộ Chỉ huy thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện chống khai thác IUU. Từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/07/2024, chúng tôi đã tổ chức tuần tra, kiểm soát được 329 đợt/1.039 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; đăng ký, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến được 29.589 lượt phương tiện/148.428 lượt lao động ra, vào cửa sông, cửa lạch đúng quy định. Kiên quyết không để tàu không đảm bảo đủ điều kiện xuất bến, đặc biệt là các tàu cá “3 không”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ tháng 2/2024 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh mở đợt cao điểm chống khai thác IUU trên toàn tỉnh.
Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Luật Thủy sản 2017, triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU. Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng BĐBP đã tuyên truyền cho 400 lượt người dân; phát hơn 678 tờ rơi, trao tặng 300 lá cờ Tổ quốc, 50 ảnh Bác Hồ; ký cam kết cho 3.005 chủ phương tiện. Phối hợp Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Ban Quản lý cảng cá tuyên truyền, phổ biến phần mềm quản lý thông tin đánh bắt (CDT VN) và các văn bản hướng dẫn sử dụng cho ngư dân quản lý, hiểu được ý nghĩa, hiệu quả khi sử dụng phần mềm CDT VN trong việc xuất, nhập lạch và khai báo nguồn gốc thủy, hải sản.
Tính từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/7/2024, đối với công tác điều tra, xác minh, xử lý vi phạm hành chính: Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, điều tra, xác minh xử phạt vi phạm hành chính 30 vụ/31 đối tượng/30 phương tiện; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 109 triệu đồng về các hành vi vi phạm khai thác trên biển: Vứt bỏ ngư cụ, số đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản, không có sổ danh bạ thuyền viên, thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ, không có bảo hiểm thuyền viên, không có Giấy phép khai thác thủy sản, tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình…
Qua điều tra, xác minh tàu cá mất kết nối VMS, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho UBND cấp huyện xử phạt vi phạm hành chính 53 đối tượng/53 phương tiện, với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu xử lý 67 đối tượng/67 phương tiện.
Đặc biệt, chúng tôi cũng rà soát được số tàu còn lại chưa điều tra, xác minh là 219 phương tiện, trong đó, có 63 phương tiện hoạt động dài ngày tại 9 tỉnh, thành phía Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Vũng Tàu). Bộ Chỉ huy đang hoàn chỉnh dữ liệu để tham mưu cho UBND tỉnh gửi công văn đến các tỉnh, thành nói trên đề nghị phối hợp điều tra, xác minh, xử lý tàu cá của ngư dân Nghệ An mất kết nối VMS.
PV: Như vậy, đợt cao điểm thực hiện công tác chống khai thác IUU của lực lượng đã triển khai được gần nửa năm. Đại tá có thể cho biết cụ thể hơn về các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết ?
Đại tá Dương Hồng Hải: Khó khăn lớn nhất là điều tra xác minh lỗi mất kết nối VMS. Ví dụ như đối với tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, dữ liệu hồ sơ phân loại theo tình trạng tàu đang neo đậu tại cảng cá, tàu đã bán, chuyển nhượng cho chủ tàu ở tỉnh khác, thông báo mất kết nối còn trùng lặp.
Ngoài lỗi mất kết nối VMS, chúng tôi cũng phát hiện nhiều hành vi vi phạm IUU như: không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền (4 đối tượng/4 phương tiện). Lỗi vứt bỏ ngư cụ, số đăng ký tàu cá, nhật ký khai thác thủy sản, không có sổ danh bạ thuyền viên, thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ, không có bảo hiểm thuyền viên, không treo Quốc kỳ, không có Giấy phép khai thác thủy sản, thuyền viên không có giấy tờ tùy thân, tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình.
Về vi phạm vùng biển nước ngoài, qua tiếp nhận, xử lý 7 thông báo/8 phương tiện của Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với các đồn biên phòng tuyến biển tiến hành điều tra, xác minh 8/8 phương tiện không đủ căn cứ xử lý hành vi, trong đó, 2 phương tiện không có trên hệ thống đăng ký, quản lý tàu cá của tỉnh, không xác định được chủ sở hữu. Đã xử lý 2 đối tượng/2 phương tiện chủ tàu không có nhật ký khai thác thủy sản. Tham mưu xử lý 4 đối tượng/4 phương tiện vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Một trong những khó khăn khác, đó là hệ thống luồng lạch, bến cảng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đến nay, các trạm kiểm soát biên phòng chưa có cầu kiểm soát bảo đảm đủ tiêu chuẩn, riêng Trạm Kiểm soát biên phòng Lạch Quèn vẫn chưa có cầu kiểm soát.
P.V: Thời điểm đoàn công tác EC quay trở lại Việt Nam để đánh giá tình hình triển khai “gỡ thẻ vàng” đang đến gần. Các cấp, ngành Nghệ An cũng đang rốt ráo, tăng cường phối hợp để khắc phục các khuyến cáo. Đại tá có thể cho biết những giải pháp phối hợp nhằm nâng hiệu quả khắc phục các khuyến nghị của EC trên địa bàn Nghệ An?
Đại tá Dương Hồng Hải: Việc thực hiện giám sát hành trình tàu cá vừa liên quan đến ý thức, trách nhiệm của các chủ tàu, vừa liên quan chính quyền địa phương và cả các cơ quan, đơn vị chủ chốt như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, liên quan các doanh nghiệp cung cấp thiết bị, gói dịch vụ viễn thông… Trong quá trình điều tra, xác minh, các đồn biên phòng đã tổng hợp dữ liệu tàu cá mất kết nối VMS gửi bằng công văn và cử cán bộ trực tiếp làm việc với các trung tâm dịch vụ nhà mạng để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Hiện nay, công tác này đang chờ kết quả phản hồi để bổ sung căn cứ hồ sơ, tham mưu các cấp, ngành, địa phương quyết định hướng xử lý, giải quyết. Song song với đó, tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng tần suất tuyên truyền, kiểm soát chặt tàu, thuyền xuất, nhập lạch đúng quy định.
Dự kiến đầu tháng 8/2024, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có kế hoạch họp, trao đổi tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để giải quyết những tồn tại nhằm hoàn thành nhiệm vụ chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ, vì lợi ích phát triển kinh tế bền vững của cả nước.
P.V: Cảm ơn Đại tá!