Quốc hội và người dân Đức phản đối triển khai tên lửa của Mỹ
Một số thành viên của Đảng Dân chủ Xã hội Đức tại Quốc hội phản đối kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa của Mỹ tại nước này. Theo các nghị sĩ, điều này sẽ không củng cố an ninh của Đức mà sẽ làm trầm trọng thêm xung đột giữa Nga và phương Tây.
Theo đài RT ngày 2/8, tờ Politico cho biết, một số thành viên Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), thuộc liên minh cầm quyền, phản đối quyết định của Thủ tướng Olaf Scholz (thành viên đảng SPD) triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức.
“Không phải mọi loại vũ khí đều ngay lập tức mang lại cho nước Đức nhiều sự đảm bảo an ninh hơn" - lãnh đạo đảng SPD trong Quốc hội Rolf Mützenich đánh giá về quyết định của Thủ tướng Đức.
Trước đó, ông Mützenich đã tuyên bố rằng, việc triển khai tên lửa của Mỹ sẽ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột giữa phương Tây và Nga. Ngoài ra, không rõ liệu Berlin có thể tự quyết định cách sử dụng những vũ khí này hay không.
Politico lưu ý, việc triển khai vũ khí tấn công của Mỹ không cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội Đức vì quá trình này sẽ không được quân đội Đức kiểm soát và không liên quan đến chi tiêu của chính phủ.
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng SPD cảnh báo các nghị sĩ khác rằng, họ sẽ bắt đầu thảo luận về việc triển khai tên lửa Mỹ vào tháng 9.
“Cuộc thảo luận xung quanh việc công bố triển khai vũ khí tầm xa ở Đức khiến tất cả chúng ta lo ngại”, Politico trích dẫn nội dung bản ghi nhớ của một nhóm nghị sĩ.
Amira Mohamed Ali, thành viên quốc hội và đồng chủ tịch đảng Liên minh Sarah Wagenknecht, đã chỉ trích quyết định triển khai kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ Đức mà không thảo luận với Quốc hội. Bà nhấn mạnh bước đi như vậy sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh cho Đức.
“Tất nhiên, Thủ tướng Scholz lẽ ra không nên đưa ra quyết định sâu rộng như vậy mà không thông qua tại Quốc hội. Đó là một biện pháp đặc biệt chỉ làm tăng nguy cơ chiến tranh cho Đức... Đây là một hướng đi rất nguy hiểm mà chính phủ Đức phải từ bỏ” - TASS dẫn lời bà Mohamed Ali.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius bác bỏ những lời chỉ trích về hành động của chính phủ và nói rằng đây không phải là chủ đề cần được thảo luận tại Quốc hội.
Theo một cuộc thăm dò do N-TV (Đức) ở miền đông nước Đức thực hiện, cứ 4 người thì có 3 người phản đối triển khai tên lửa Tomahawk ở Đức. Theo N-TV, 75% người dân ở Đông Đức phản đối, trong khi ở Tây Đức là 45%.
Giới phân tích cho rằng, tình hình địa chính trị ở châu Âu đang trở nên trầm trọng hơn bởi Mỹ, và điều này xảy ra bất kể ai được bầu làm tổng thống. Triển khai tên lửa ở châu Âu là giấc mơ của "những người diều hâu" ở Washington và những người vận động hành lang cho tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ. Hơn nữa, chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz được cho là trung thành với Mỹ và NATO, nên rất có thể sẽ bỏ qua những phản đối từ Quốc hội.