Giải pháp khắc phục tình trạng các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đang thiếu lao động
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế, các khu công nghiệp có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động, do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao...
Thực hiện Công văn số 6282/UBND-TH ngày 25/7/2024 của UBND tỉnh về giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XVIII; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao xem xét, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri phản ánh hiện nay nhiều người lao động Nghệ An phải vào Nam, ra Bắc kiếm sống, trong lúc đó, nhiều nhà máy, xí nghiệp, công ty, khu công nghiệp tỉnh nhà đang thiếu người lao động. Kiến nghị có giải pháp, có chiến lược để thu hút lao động địa phương, nhằm góp phần cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; Sở Lao động - TB&XH thông tin đến cử tri như sau:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 15.500 doanh nghiệp đang hoạt động, với gần 350.000 lao động đang làm việc. Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An: Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lớn, với 339 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 45.049 lao động (trong đó: 314 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 36.300 lao động; 25 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển 8.700 lao động. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Năm 2024 và những năm tiếp theo, trong khu kinh tế (KKT), các khu công nghiệp (KCN) có thêm nhiều doanh nghiệp FDI có quy mô sản xuất lớn và sử dụng nhiều lao động sẽ đi vào hoạt động, do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao. Nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng cuối năm 2024 trên 29.945 người và năm 2025 có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng, thu hút lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao thì ở góc độ của người lao động địa phương, tiền lương, thu nhập cũng như các điều kiện về an sinh xã hội các doanh nghiệp chi trả cho người lao động làm việc tại các KCN của tỉnh còn thấp hơn so với khu vực phía Bắc, phía Nam (chưa đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu của người lao động...) đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp trên địa bàn không đủ sức thu hút người lao động vào làm việc. Vì vậy, người lao động có xu hướng lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp ngoại tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có mức thu nhập cao gấp 5-8 lần mức thu nhập tại địa phương.
Thời gian qua, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các ngành và các địa phương thường xuyên rà soát, tổng hợp nguồn cung - cầu lao động của tỉnh để kịp thời tư vấn, giới thiệu lao động cho các doanh nghiệp, đồng thời, cũng đã có những giải pháp, chiến lược để thu hút người lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể:
- Sở đã phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam tham mưu UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc về tình hình cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An vào ngày 8/7/2024 do đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, thị xã; Lãnh đạo các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm; Lãnh đạo các doanh nghiệp FDI có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn và các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng.
- Sở LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp; UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác truyền thông, thông tin thị trường lao động và kết nối cung- cầu lao động, giới thiệu việc làm cho người lao động tham gia tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện tại sở đang tham mưu UBND tỉnh dự thảo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị về tăng cường các giải pháp để thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh.
- Để tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động, sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các doanh nghiệp thực hiện thu thập, đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử việc làm tỉnh Nghệ An: vieclamnghean.vn khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị hỗ trợ tuyển dụng lao động; cung cấp thông tin, tư vấn cho người lao động khi đến làm các thủ tục tại trung tâm; Tăng cường kết nối, thông tin, tư vấn, tuyển dụng thông qua hình thức trực tiếp và gián tiếp qua trang Web, Zalo và Fanpage…
- Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An kịp thời nắm bắt tình hình, cử cán bộ đến các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, học nghề và hướng dẫn cho người sử dụng lao động đào tạo lại cho người lao động theo quy định của pháp luật; đồng thời, thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai thực hiện công tác dự báo, thu thập, phân tích và kết nối thông tin cung - cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội chợ, ngày hội việc làm, đáp ứng kịp thời xu thế của thị trường lao động; đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác quản lý lao động.
Để khắc phục tình trạng này, các doanh nghiệp cần phải quan tâm hơn nữa trong việc thường xuyên cải thiện điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thuê nhà ở trọ và tăng mức thu nhập cao hơn hoặc bằng thu nhập lao động làm việc ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam để người lao động có việc làm ổn định, gắn bó lâu dài và bền vững tại doanh nghiệp; Xây dựng kế hoạch tuyển dụng lao động hàng tháng, quý, năm (thông tin cụ thể số lượng, yêu cầu, trình độ, tay nghề, thu nhập…) kế hoạch hợp đồng liên kết đào tạo lao động với các trường đào tạo nghề gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các trường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, kết nối cung - cầu lao động và thu hút lao động địa phương vào làm việc cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin để cử tri được biết./.