Xã hội

Lương, giá tăng và nỗi lo của công nhân

Minh Quân 07/08/2024 11:06

Từ ngày 1/7/2024, người lao động làm việc theo hợp đồng được tăng lương tối thiểu 6% theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ. Chính sách này khiến nhiều người lao động đang làm việc theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh cảm thấy rất phấn khởi. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo kiểm soát thị trường giá cả khi tăng lương.

Thêm động lực thi đua sản xuất

Hơn 1 tháng nay, câu chuyện mức lương mới là đề tài mà nhiều công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm. Trong đó, nhiều công nhân ở một số doanh nghiệp đã sớm được nhận mức lương mới.

"Ngay từ tháng 7, tôi đã nhận được mức lương cơ bản mới là 3.860.000 đồng, tăng 220.000 đồng so với mức cũ. Tuy mức tăng lương cơ bản tăng không cao nhưng đây là cơ sở để tính tiền tăng ca và đóng bảo hiểm xã hội nên người lao động như chúng tôi rất phấn khởi. Nhờ tăng lương mà sắp tới, tổng thu nhập của tôi ở công ty sẽ dao động từ 8 - 8,5 triệu đồng, tăng hơn 1 triệu đồng so với trước tháng 7/2024".

Anh Hoàng Công Anh - Công nhân bộ phận là ủi của Công ty TNHH Mareep, doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may xuất khẩu, đóng trên địa bàn xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu

cong-nhan-lam-viec-tai-cong-ty-tnhh-mareep(1).jpg
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Mareep. Ảnh: CSCC

Doanh nghiệp hiện có trên 750 lao động. Nắm bắt thông tin về chính sách tăng lương tối thiểu vùng của Chính phủ, ngay từ cuối tháng 6, Công đoàn đã họp thương lượng thành công với lãnh đạo doanh nghiệp tăng lương cho người lao động. Việc tăng lương giúp những người lao động có thêm động lực thi đua lao động, sản xuất, góp phần tăng năng suất, hiệu quả công việc và tiếp tục gắn bó lâu dài với công ty.

Ông Dương Minh Hoàng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mareep

Ông Hà Huy Đồng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu cho biết: “Ngay khi Nghị định 74 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Liên đoàn Lao động huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện lao động để chủ động đề xuất và đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động nhằm xác lập thỏa thuận về tiền lương.

Sau hơn 1 tháng, qua nắm bắt và báo cáo từ các Công đoàn cơ sở, đối với các doanh nghiệp trả lương cho công nhân nửa tháng một lần, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều đã chi trả lương cơ bản cho người lao động với mức tăng đúng quy định và có kế hoạch đảm bảo chi trả các chế độ tăng ca của tháng 7/2024 kịp thời vào nửa sau tháng 8/2024. Các doanh nghiệp trả lương 1 tháng 1 lần cũng đảm bảo trả tất cả các khoản lương, thưởng cho công nhân từ nửa sau tháng 8/2024 theo mức lương tối thiểu vùng mới".

Với các doanh nghiệp thuộc Khu kinh tế Đông Nam, hầu hết đều chi trả lương 1 tháng 1 lần nên phải từ giữa tháng 8 này, người lao động mới được hưởng mức lương mới theo Nghị định số 74. Tuy vậy, trước thông tin tăng lương tối thiểu vùng, nhiều lao động phấn khởi vì có thêm khoản tiền bù đắp chi phí sinh hoạt.

cong-nhan-lam-viec-tai-cong-ty-tnhh-kyungshin-nghe-an(1).jpg
ông nhân làm việc tại Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Mức lương hiện tại của chị là hơn 6,5 triệu đồng/tháng. Bình thường mỗi tháng với mức lương này, nếu tằn tiện chi tiêu cũng đủ, nhưng mỗi khi con ốm đau cần nhiều chi phí, rất khó xoay xở. Do đó, việc tăng lương sẽ phần nào giúp gia đình chị bớt khó khăn hơn trong cuộc sống.

Chị Lê Thị Hòa, trú ở xã Nghi Xá (Nghi Lộc), là công nhân Công ty TNHH Kyungshin Nghệ An (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất dây điện ô tô, đóng ở Khu Công nghiệp WHA)

Cần đảm bảo kiểm soát thị trường

Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu hằng tháng tăng 6% (từ 200.000 đến 280.000 đồng/tháng) so với mức lương tối thiểu trước ngày 1/7/2024. Với những doanh nghiệp đã và đang thực hiện mức lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với quy định tại Nghị định 74 thì không phải điều chỉnh tăng lương; các doanh nghiệp đang trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng thì phải tăng lương cho người lao động.

Căn cứ theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2024, các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Nghệ An có các mức lương tối thiểu vùng như sau:

Vùng II: Lương tối thiểu theo tháng là 4.410.000 đồng (tăng 250.000 đồng), lương tối thiểu theo giờ là 21.200 đồng (tăng 1.200 đồng). Áp dụng đối với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Vùng III: Lương tối thiểu theo tháng là 3.860.000 đồng (tăng 220.000 đồng), lương tối thiểu theo giờ là 18.600 đồng (tăng 1.100 đồng). Áp dụng đối với các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai.

Vùng IV: Lương tối thiểu theo tháng là 3.450.000 đồng (tăng 200.000 đồng), lương tối thiểu theo giờ là 16.600 đồng (tăng 1.000 đồng). Áp dụng đối với các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương.

Khi lương tối thiểu vùng tăng, nhiều khoản tiền của người lao động sẽ được tăng theo, gồm: Tăng tiền lương ngừng việc nếu phải ngừng việc do lỗi của người lao động hoặc sự cố (điện, nước, hỏa hoạn thiên tai…); tăng tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, theo đó mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cũng sẽ tăng theo; tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa.

Theo các ngành chuyên môn, đợt tăng lương lần này phù hợp vì đã tính toán đến khả năng chi trả của doanh nghiệp cũng như thị trường lao động. Tuy vậy, nhiều người lao động cũng bày tỏ mong muốn, đi kèm theo tăng lương cần thiết phải có các giải pháp đảm bảo kiểm soát giá cả thị trường.

Công nhân lao động khu công nghiệp Bắc Vinh mua thực phẩm sau giờ tan ca. Ảnh tư liệu Diệp Thanh
Công nhân lao động Khu công nghiệp Bắc Vinh mua thực phẩm sau giờ tan ca. Ảnh tư liệu: Diệp Thanh

“Tăng lương khiến tôi và nhiều lao động rất vui mừng nhưng cũng lo ngại nhiều mặt hàng tăng giá như: Thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ… Nếu không kiểm soát giá cả thị trường thì công nhân chúng tôi vẫn phải cắt giảm chi tiêu mới đủ trang trải cuộc sống”.

Anh Hoàng Công Anh - Công nhân Công ty TNHH Mareep

Minh Quân