Kinh tế

Thanh Chương mất mùa trám

Huy Thư 07/08/2024 15:19

Những ngày này, người dân Thanh Chương đang thu hoạch trám đen. Trám năm nay mất mùa, khan hàng, giá tăng hơn năm trước.

bna_1(2).jpg
Người dân Thanh Chương đã thu hoạch quả trám đen từ một tuần nay. So với những năm trước, mùa trám này thu hái muộn hơn, gần Rằm tháng 7 mới chín rộ. Ảnh: Huy Thư
a
Theo bà con địa phương, trám năm nay mất mùa, cây cho quả ít, thậm chí không có quả. Ông Nguyễn Văn Trí, một người làm nghề trèo trám lâu năm tại xã Võ Liệt (Thanh Chương) cho biết: Nhiều cây trám những năm trước, mỗi cây cho vài tạ quả, năm nay chỉ được vài yến quả, sản lượng chỉ bằng 1/10 các năm trước. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Mùa trám đến, những người làm nghề trèo trám (mua trám cả cây) hoạt động nhộn nhịp. Họ thường đi theo nhóm 2 - 4 người, mang theo sào để chọc trám, chở sau xe các cuộn lưới, bạt để hứng trám. Những người làm nghề hái trám ở huyện Thanh Chương tỏa đi khắp các địa phương có trám, nhiều khi sang cả huyện Anh Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để săn hàng. Ảnh: Huy Thư
bna_4(1)-3a46e07253e51a20052e9b84d16a530e.jpg
Những ngày nắng to, để tránh nắng người dân thường đi hái trám sớm. Tầm 5h - 5h30 , họ đã có mặt dưới gốc trám. Theo bà con, mùa này hái xong càng sớm càng tốt, thứ nhất không gặp nắng to đỡ mệt, thứ 2 trám không bị chín dưới gốc. Ảnh: Huy Thư
bna_5..jpg
Xưa nay trèo trám vẫn là một nghề vất vả. Cây trám cao, quả nhỏ rất khó thu hái. Dùng thang để trèo chỉ hỗ trợ được một đoạn dưới gốc, còn trên cây, người hái trám phải tự vận động. Nhiều người hái trám chủ quan không cột dây bảo hiểm. Một số vụ tai nạn do trèo trám đã xảy ra ở các địa phương. Ảnh: Huy Thư
bna_6a.jpg
Trong các nhóm hái trám, đàn ông thường trèo cây, phụ nữ thì nhặt quả. Trước khi thu hái bà con sẽ giăng lưới hoặc bạt để hứng trám. Trong quá trình hái trám, nếu nắng dọi dưới gốc cây, quả trám rơi xuống phải nhặt ngay, để trám khỏi bị chín. Ảnh: Huy Thư
bna_7.jpg
Trèo lên cây đã khó, hái được trám còn khó hơn, vì phải dùng sào chọc từng chùm hoặc từng quả. Năm nay trám mất mùa, quả thưa, người hái trám phải chuyển cành nhiều, mệt, nhưng hái được ít quả. Ảnh: Huy Thư
bna_8a.jpg
Hai năm nay trám mất mùa, đặc biệt là vụ trám này, người dân làm nghề trèo trám ai cũng buồn vì lao động vất vả nhưng thu nhập chẳng được bao nhiều, có khi còn lỗ nặng. Anh Trần Văn Mão, một người hái trám lâu năm ở xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương cho biết, nhóm trèo trám của anh năm nay bỏ ra gần 500 triệu đồng mua trám trên cây. Có vườn trám mua khi cây mới ra hoa hết 35 triệu đồng, nay thu hái chỉ được tầm 1,5 tạ quả. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Theo những người làm nghề trèo trám, gặp những cây trám không có quả, tiền mua đã trả xong, họ phải thương lượng với các chủ trám để bớt được một ít tiền. Nhiều hộ đồng ý cho người trèo trám năm sau đến thu hái tiếp để bù cho năm nay, hoặc cây có quả ít thì hái trên cây cân lên được bao nhiều thì mua bấy nhiêu. Ảnh: Huy Thư
bna_10..jpg
Anh Nguyễn Văn Thành làm nghề hái trám ở xã Thanh Liên chia sẻ: Đi mua trám trên cây cũng gặp hên xui. Năm nay mất mùa, người đi mua lúc cây trám mới ra hoa thì thất thu hơn những người đi mua khi trám đã có quả. Theo anh Thành, vụ trám này vợ chồng anh bỏ ra gần 300 triệu đồng để mua trám cả cây. Sản lượng trám mà anh thu hái những ngày qua ước đạt khoảng 30 - 40% so với năm trước. Trám hái về được nhập cho các cơ sở thu mua chuyển đi ngoại tỉnh hoặc nhập cho thương lái bán lẻ ở các chợ. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Trám đen Thanh Chương mất mùa, đội giá. Giá trám nhập vào ở các cơ sở thu mua trên địa bàn huyện Thanh Chương dao động từ 105.000 - 110.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, gần như các cơ sở thu mua trám đều khan hàng, vì trám ít quả, chưa chín rộ, hái không đủ để nhập. Trám đen bán ở các chợ quê Thanh Chương có giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg, đắt hơn năm 2023 khoảng 20.000- 40.000 đồng/kg. Ảnh: Huy Thư
Người dân thu hoạch trám đen tại xã Thanh Tùng (Thanh Chương). Video: Huy Thư

Huy Thư