Xã hội

Kỳ vọng mới ở Cao Vều

Tiến Đông 07/08/2024 15:25

Nằm sát biên giới Việt - Lào, ngay vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, khi nhắc đến Cao Vều thường liên tưởng đến một nơi "thâm sơn, cùng cốc", ẩn sâu dưới những tán rừng già Trường Sơn; Cao Vều cũng được biết đến là nơi voi rừng hay về quậy phá... Nay, Cao Vều đã đổi khác với một diện mạo mới hứa hẹn sẽ trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện miền núi Anh Sơn.

Cao Vều

Vùng đệm phì nhiêu

Chúng tôi đến Cao Vều vào một ngày chớm thu, khi những cơn mưa đầu mùa đã bắt đầu trút xuống sườn Đông của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, tạo những con nước bạc chảy xuôi theo các dòng khe, suối đổ về xuôi.

Đồng hành cùng chúng tôi còn có ông Đào Anh Tân - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Anh Sơn và ông Phan Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn. Từ trung tâm hành chính xã Phúc Sơn nằm ngay bên cạnh Quốc lộ 7, chúng tôi đi theo Tỉnh lộ 534C thẳng hướng cửa khẩu Cao Vều. Đoạn đường nối từ Quốc lộ 7 vào đến cửa khẩu Cao Vều này dài khoảng gần 40km. Từ km20 trở đi, cụm 4 bản Cao Vều gồm: Vều 1, Vều 2, Vều 3, và Vều 4 phân bố dọc hai bên đường 534C lên đến tận cửa khẩu. Đây là những bản xa nhất của huyện Anh Sơn, có chung đường biên với nước bạn Lào, trải dài hơn 6,9km, từ cột mốc số 7 đến cột mốc số 9.

bna_7(1).jpg
Đường tỉnh lộ 534C dẫn vào Cao Vều. Ảnh: Tiến Đông

"Cao Vều mùa này không còn náo nhiệt như hồi đầu mùa Hè, khi người dân các nơi kéo vào tắm thác, tắm khe. Mùa này chỉ còn đặc sản... mưa rừng, đi hơi vất vả đấy!" - ông Phan Văn Đức nói vui khi chúng tôi bắt đầu hành trình.

Sau gần 1 giờ "đánh vật" với con đường 534C lởm chởm đất đá và nhiều mảng nhựa đường bị bong tróc do mưa gió lâu ngày làm xói lở, chúng tôi cũng đến được bờ sông Giăng, nơi được xem là cửa ngõ để vào vùng Vều. Việc băng qua sông Giăng nay đã thuận lợi hơn khi đã có cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua.

Cầu bê tông vĩnh bắc qua sông Giăng đã giúp con đường đến với Cao Vều trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Tiến Đông
Cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông Giăng đã giúp con đường đến với Cao Vều trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Tiến Đông

Sông Giăng là phụ lưu của sông Lam, bắt nguồn từ núi Pa Lon cao 1.300m, thuộc dãy Trường Sơn Bắc - vùng lõi của Vườn Quốc gia Pù Mát. Sông Giăng có chiều dài 150km, chảy qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương rồi nhập vào sông Lam đoạn tiếp giáp giữa 2 xã Phong Thịnh và Thanh Tiên của huyện Thanh Chương. Phúc Sơn là xã duy nhất của huyện Anh Sơn có sông Giăng chảy qua với độ dài 8,3 km.

Sông Giăng không chảy qua Cao Vều. Vùng đất này có con sông Vều bắt nguồn từ sườn Đông của dãy Trường Sơn chảy qua, rồi nhập với sông Giăng ở ngay đoạn vực Bụt.

Ông Phan Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn

Sông Giăng chảy từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát qua rìa của vùng đất Cao Vều. Ảnh: Tiến Đông
Sông Giăng chảy từ vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát qua rìa của vùng đất Cao Vều. Ảnh: Tiến Đông

Nằm ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, Cao Vều có độ dốc từ cao đến thấp dần trải dọc biên giới đổ về xuôi. Ở đây có núi Cao Vều (hay còn gọi là núi Vều), cao đến 1.342m, là ngọn núi cao nhất của địa bàn núi rừng Anh Sơn.

Núi rừng Cao Vều cùng với một số địa phương của 2 huyện Con Cuông, Tương Dương nằm trong vùng đệm có diện tích 86.000ha của Vườn Quốc gia Pù Mát. Đây là nơi sinh sống của phần đông đồng bào dân tộc Thái, được xem là khu vực có sự đa dạng sinh học cao với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới còn được bảo vệ. Trong đó nổi bật nhất là voi rừng.

bna_1.jpeg
Đàn voi ở Cao Vều. Ảnh: Tư liệu

Do không gian sinh sống và nguồn thức ăn của voi rừng bị thu hẹp nên những năm gần đây, voi rừng thường xuất hiện phá mía của người dân Cao Vều. Để giải quyết vấn đề "xung đột" giữa voi và người, từ đầu năm 2016, công trình hào ngăn voi đã được xây dựng ở bản Vều 1 và Vều 2. Hào có chiều dài 5km bao quanh khu vực sản xuất của người dân với rừng tự nhiên.

Dù vậy, thỉnh thoảng voi rừng vẫn tìm cách vượt qua hào để xuống phá hoại hoa màu của người dân. Vì thế mà một Tổ bảo tồn voi ở xã Phúc Sơn (chủ yếu ở Cao Vều) đã được thành lập với 12 tổ viên, nhằm bảo vệ đàn voi rừng cũng như giảm thiểu các tác hại khi voi rừng xâm lấn khu vực sinh sống của con người.

bna_voi-r-61a7cdff0a3428e11096eb099575ba4d(1).jpeg
Thỉnh thoảng voi rừng lại về phá hoại mùa màng của người dân Cao Vều. Ảnh: Tư liệu

Theo ông Đức, đàn voi ở Cao Vều trước đây thường ghi nhận có 6 con, nhưng vào tháng 10/2023 một con voi đực ở độ tuổi trưởng thành đã bị chết ở cánh rừng thuộc địa bàn các xã Hạnh Lâm, Thanh Đức của huyện Thanh Chương (giáp với Cao Vều). Do tập tính của loài voi thường chỉ có 1 con đực đầu đàn, nên khi xuất hiện con voi đực trưởng thành có thể đã gây ra xung đột, nên con này đã tách đàn, di chuyển và sống cô độc tại những cánh rừng xung quanh Cao Vều. Trong khi, đàn của nó vẫn sinh sống tại các cánh rừng gần đây.

Tiềm năng du lịch cộng đồng

Để hiểu hơn những sự đổi thay ở vùng đất này, chúng tôi quyết định đi sâu vào các bản xa nhất của Cao Vều. Giữa trưa, cơn mưa đầu mùa ngớt hạt rồi tạnh hẳn. Sương mù tan dần, những mảng mây bị xé nhỏ trôi dạt rồi vờn trên đỉnh núi, để lộ ra một khoảng thung lũng rộng lớn được con sông Vều uốn lượn bao quanh.

Cao Vều
Thung lũng Cao Vều với con sông Vều uốn lượn nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Đông

Hiện nay, 4 bản Vều của xã Phúc Sơn có 508 hộ với 1.840 nhân khẩu, trong đó có đến 339 hộ với 1.063 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái.

Ông Đặng Đình Lâm - Trưởng bản Vều 2 đón và dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản. Bản Vều 2 nằm trọn phía bên hữu ngạn sông Vều, có 91 hộ dân với 330 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào người Thái. Do đây là vùng đệm của Vườn Quốc gia Pù Mát, nên có tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng cùng nhiều cảnh quan tự nhiên như khe, suối, đồi rừng... đặc sắc.

bna_18.jpg

Người Thái xuất hiện tại Cao Vều từ hàng trăm năm về trước. Nhiều dòng họ của người Thái có nguồn gốc từ huyện Con Cuông xuống, một số ở phía huyện Thanh Chương lên. Sau khi đến đây thì định cư ven các sông suối...

Ông Đặng Đình Lâm - Trưởng bản Vều 2

Trong những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội cho các bản đặc biệt khó khăn, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Cao Vều nói chung và bản Vều 2 nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện ở bản Vều 2 đã có nhiều hộ gia đình vươn lên khá, giàu nhờ xây dựng được các mô hình kinh tế ổn định.

Chúng tôi ghé vào nhà ông Lô Thanh Tam ở bản Vều 2. Gia đình ông Tam di chuyển từ Con Cuông xuống đây từ đầu thập niên 90, của thế kỷ 20. Sau một thời gian đến vùng đất mới, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định với 3 người con đến tuổi trưởng thành. Ông Tam còn bỏ vốn đầu tư, xây dựng mô hình xay xát bằng điện để phục vụ nhân dân trong bản và phục vụ chăn nuôi trâu, bò trong gia đình.

bna_16.jpg
Ông Lô Thanh Tam - bản Vều 2. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt nhất, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua thực hiện chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tại khu vực Cao Vều đã xuất hiện một số homestay, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được du khách nhiều nơi biết đến.

Trong đó, khu du lịch sinh thái bãi tắm Vực Bụt, thuộc bản Vều 4 đã hoàn thiện và được đưa vào khai thác trong mấy năm nay. Bãi tắm cây Sung tại bản Vều 1, với cây sung cổ thụ nhiều năm tuổi, đổ bóng râm mát xuống dòng sông Vều, đã trở thành những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong vùng.

Anh Nguyễn Văn Chiến - chủ một cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái tại bản Vều 2, chia sẻ rằng, mặc dù đời sống kinh tế, xã hội của các bản tại Cao Vều còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thiên nhiên lại ưu đãi cho Cao Vều những điều kiện mà ít nơi có được. Đó là dòng sông Vều trong xanh uốn lượn qua những cánh rừng nguyên sinh cùng nền nhiệt không quá cao, là nơi lý tưởng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Nhận thấy những điều kiện thuận lợi đó mà cách đây hơn 1 năm, anh Chiến đã mạnh dạn đầu tư xây dựng điểm du lịch sinh thái ngay trên mảnh đất của gia đình nằm cạnh sông Vều.

bna_3.jpg
Một điểm du lịch sinh thái nằm cạnh con sông Vều. Ảnh: Tiến Đông

Theo ông Đào Anh Tân - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Anh Sơn, thì phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là một trong những định hướng mà huyện đang xây dựng tại Cao Vều. Những năm gần đây, huyện đang tích cực thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các chương trình dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch như nhà hàng, nhà du lịch cộng đồng xanh, sạch, đẹp.

Hiện tại, trên địa bàn 4 bản của Cao Vều đã xây dựng được 8 điểm du lịch cộng đồng, bãi tắm nằm dọc sông Vều và các địa điểm có cảnh quan đẹp. Ngoài ra, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình Mục tiêu Quốc gia, hiện nay xã Phúc Sơn cũng đang lựa chọn 1 địa điểm để xây dựng trung tâm du lịch cộng đồng của xã tại Cao Vều với chi phí hỗ trợ khoảng 1,7 tỷ đồng.

bna_13.jpg
Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Anh Sơn và UBND xã Phúc Sơn trao đổi với người dân địa phương. Ảnh: Tiến Đông

Đặc biệt, cách đây tròn 1 năm, Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 534C đi cửa khẩu Cao Vều đã được khởi công xây dựng tại bản Vều 1, trong đó điểm cuối tại cột mốc M8 trên biên giới Việt – Lào. Công trình này được xây dựng không chỉ nhằm mục tiêu đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân, giúp kết nối khu vực trung tâm với các bản ở vùng sâu, vùng xa của huyện Anh Sơn. Mà nó còn là cầu nối giúp phát triển kinh tế du lịch ở khu vực Cao Vều. Nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá gắn với cửa khẩu, đường biên giới, cột mốc. Đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, xây dựng mối quan hệ hữu nghị bền vững với nước bạn Lào.

bna_11.jpg
Hiện tại ở Cao Vều đã có 8 điểm du lịch cộng đồng, bãi tắm nằm dọc sông Vều và các địa điểm có cảnh quan đẹp.

Một thông tin đáng mừng là hiện nay tại 4 bản Vều tại xã Phúc Sơn đang được thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể như Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; hay Dự án Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn phát huy văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một… Đây chính là động lực và là kỳ vọng giúp vùng 4 Vều phát triển đi lên.

Rời Cao Vều, chúng tôi mang theo một niềm vui về sự đổi thay nơi mảnh đất này. Đó là niềm vui khi khoảng cách giữa nơi "thâm sơn, cùng cốc" với vùng trung tâm của xã Phúc Sơn đã được rút ngắn, không còn xa - ngái như trước. Đó là sự kỳ vọng về một điểm du lịch cộng đồng với những bản Thái cổ vẫn còn giữ được nét hoang sơ, hấp dẫn.

Nhưng, để Cao Vều thực sự bứt phá, ngoài sự nỗ lực không ngừng của bản thân người dân, vẫn rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và của cả cộng đồng…

Tiến Đông