Pháp luật

Ngổn ngang giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 7

Tiến Đông 07/08/2024 18:16

Dù thời hạn mà UBND tỉnh Nghệ An giao đã qua nhưng việc giải phóng mặt bằng dự án nâng cấp Quốc lộ 7 tại các địa phương vẫn còn rất ngổn ngang.

Nhiều điểm nghẽn

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0 - Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi - Nậm Cắn, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, với tổng chiều dài 27,5km đi qua các huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương.

bna_28.jpg
Do bàn giao mặt bằng đứt đoạn khiến cho việc thi công dự án không liền mạch, ảnh hưởng lớn đến các phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này. Ảnh: Tiến Đông

Dự án được chia làm 3 gói thầu xây dựng, gồm: XD01; XD02; XD03 với tổng giá trị 778,724 tỷ (bao gồm chi phí dự phòng). Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 4 - Đại diện chủ đầu tư dự án, đến hết nửa tháng 7/2024, giá trị thi công đạt 531,603/714,785 tỷ đồng (không bao gồm cho phí dự phòng), đạt tỷ lệ 74,37%. Trong đó, gói thầu XD01 đạt sản lượng 189,676/261,124 tỷ đồng; Gói thầu XD02 đạt sản lượng 123,890/178,204 tỷ đồng; và gói thầu XD03 đạt sản lượng 218,037/275,456 tỷ đồng.

bna_31.jpg
Một đoạn nâng cấp Quốc lộ 7 qua xã Vĩnh Thành (Yên Thành), nay đã hoàn thành. Ảnh: Thành Cường

Hiện tại, nguồn vốn đã giải ngân cho dự án trong năm 2024 là 102,256 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB là 80,285 tỷ đồng; Xây lắp là 21,971 tỷ đồng; cùng một số chi phí tư vấn, quản lý dự án...

Dù vậy, đến hết nửa tháng 7, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 52,844km/55,405km (đạt 95,37%), tính cả trái và phải tuyến. Trong đó, huyện Diễn Châu còn vướng mặt bằng khoảng hơn 1,2km; Yên Thành khoảng 1,092km và Đô Lương vẫn còn khoảng 200m chưa bàn giao được mặt bằng.

bna_6.jpg
Do việc bàn giao mặt bằng không liên tục nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Tiến Đông

Đoạn qua huyện Diễn Châu, tính cả 2 bên tuyến có chiều dài là 18,36km, đi qua địa bàn thị trấn Diễn Châu và các xã: Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát và Minh Châu. Hiện tại, ngoài thị trấn Diễn Châu không phải thu hồi đất do phạm vi cắm mốc GPMB không ảnh hưởng đến các thửa đất ở của hộ gia đình, cá nhân, thì các xã còn lại đều đang vướng mặt bằng.

Trong đó như xã Minh Châu còn 12/77 thửa chưa bàn giao mặt bằng. Lý do, là các hộ yêu cầu được bồi thường diện tích đất ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và đòi bồi thường phần diện tích đất giao trái thẩm quyền trong hành lang giao thông nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận.

bna_29.jpg
Một đoạn qua huyện Diễn Châu chưa xong GPMB. Ảnh: Tiến Đông

Tại xã Diễn Cát, hiện nay vẫn còn 20/108 thửa đất thuộc các xóm 2B và 4, còn vướng mặt bằng. Ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch UBND xã cho biết, trong 20 trường hợp đang vướng mặt bằng thì có 3 hộ có đất liên quan đến Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 7 thực hiện năm 2011, có thu hồi đất nhưng chỉ bồi thường tài sản, và diện tích của người dân không thay đổi. Có 8 hộ trước khi chuyển nhượng, tặng cho đã cắt phần hành lang giao thông và 9 hộ còn lại diện tích vẫn đủ như trong giấy chứng nhận, phần bị giải tỏa nằm trên hành lang giao thông, nhưng các hộ vẫn không chịu bàn giao mặt bằng.

Xã cũng đã thành lập các tổ tuyên truyền, vận động nhưng các hộ vẫn không chấp hành. Vì thế xã đã đề nghị huyện lên phương án bảo vệ thi công đối với những trường hợp đã rõ ràng để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch UBND xã Diễn Cát

Tại huyện Diễn Châu, còn có hạng mục cầu vượt đường sắt đoạn đi qua xã Diễn Phúc đến nay vẫn chưa thể thi công xong. Theo thiết kế, cầu vượt này có 2 làn, 8 nhịp, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, các trụ cầu phía Đông đường sắt đã được lao dầm, nhưng phía Tây của đường sắt vẫn chưa thực hiện được, việc thi công một số trụ cầu vẫn còn dang dở. Do nằm ngay giữa Quốc lộ 7 nên vị trí này đã gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, nhất là khi lượng phương tiện qua đây để lên cao tốc Bắc-Nam tăng đột biến.

bna_12.jpg
Các phương tiện chen chúc nhau khi đi qua đoạn cầu vượt đường sắt. Ảnh: Tiến Đông

Ở huyện Yên Thành, các địa phương còn vướng mặt bằng nhiều nhất là xã Viên Thành khoảng 10 thửa và xã Mỹ Thành 38 thửa (tính đến hết giữa tháng 7). Hay như tại huyện Đô Lương, mặc dù vào ngày 18/6/2024, Hội đồng bồi thường, GPMB huyện đã tiến hành bảo vệ thi công đối với 9 hộ tại xã Lưu Sơn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo báo cáo của chủ đầu tư, 9 hộ dân này vẫn cản trở và chưa bàn giao phạm vi mặt bằng để thi công vỉa hè rộng 2m.

Lại trễ hẹn

Ông Hoàng Văn Châu - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4 cho rằng, mặc dù công tác GPMB của các huyện đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện GPMB vẫn còn chậm, dù UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

bna_20.jpg
Việc bàn giao không liền mạch khiến cho nhà thầu khó triển khai máy móc, thiết bị vào thi công. Ảnh: Tiến Đông
bna_17-bfba1592c89b4a93af412c47adae6ed7.jpg
Một đoạn đang thi công dang dở. Ảnh: Tiến Đông

Do việc bàn giao không liên tục, có những đoạn chỉ bàn giao được 1 hộ với chiều dài tiếp giáp mặt đường khoảng 10m nên rất khó có thể đưa máy móc, thiết bị vào thi công.

Ông Hoàng Văn Châu - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 4

Thực tế, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, có nhiều văn bản chỉ đạo, giao Sở TN&MT chủ trì, thành lập Tổ liên ngành để hướng dẫn địa phương và gần đây nhất là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 454/TB-UBND ngày 18/6/2024. Dù vậy, kết quả thực hiện công tác bồi thường GPMB tại các huyện có dự án đi qua chưa đảm bảo yêu cầu, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án và giải ngân vốn của Chủ đầu tư.

Trước sự chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, ngày 22/7 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 6112/UBND-CN về việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, GPMB Dự án nâng cấp Quốc lộ 7, gửi các sở, ngành và địa phương liên quan.

bna_34.jpg
Một đoạn còn vướng mặt bằng qua huyện Diễn Châu. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện có dự án đi qua phối hợp với Chủ đầu tư, nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Nhà nước, làm cho người dân hiểu về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thuận để triển khai thực hiện. Cùng với đó, tập trung nguồn lực, nhân lực để hoàn thành các nội dung của công tác bồi thường GPMB trong tháng 7/2024.

bna_7.jpg
Việc chậm bàn giao mặt bằng đã khiến cho Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 bị chậm tiến độ so với dự kiến. Ảnh: Tiến Đông

Đối với UBND huyện Diễn Châu, UBND tỉnh yêu cầu cần ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đối với hộ ông Nguyễn Văn Duyên, ông Nguyễn Văn Linh và ông Cao Văn Khóa phía trái tuyến Quốc lộ 7, phía Tây đường sắt để có đủ thời gian thi công cầu vượt đường sắt (đây là đường găng của dự án) theo tiến độ được Bộ Giao thông vận tải gia hạn (tháng 11/2024).

Đồng thời, tổ chức vận động, bảo vệ thi công các đoạn tuyến đang bị người dân cản trở đối với đoạn qua các xã: Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát, Minh Châu; hoàn thành chậm nhất trong tháng 7/2024.

Tại huyện Yên Thành, UBND tỉnh yêu cầu địa phương này chỉ đạo các xã tích cực và quyết liệt hơn trong công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng, đặc biệt là các hộ đã được UBND huyện đối thoại và kết luận rõ ràng kết quả đền bù hỗ trợ.

Đối với một số hộ không đủ điều kiện để đền bù hoặc có đất theo trích đo không bị ảnh hưởng bởi phạm vi dự án, nhưng hiện nay chưa bàn giao mặt bằng, đề nghị UBND huyện tập trung tổ chức vận động, bảo vệ thi công; hoàn thành chậm nhất trong tháng 7/2024.

chỉ đạo mới
Công văn 6112 của UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB. Ảnh: Tiến Đông

Riêng đối với huyện Đô Lương, do chỉ còn khoảng 200m đi qua thửa đất của gia đình ông Nguyễn Tất Thường (xã Hòa Sơn). Vì thế UBND huyện Đô Lương cần xây dựng phương án cưỡng chế thu hồi đất đối với trường hợp này để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, hoàn thành trong tháng 7/2024.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, chủ đầu tư... để hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh có giải pháp để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc.

Thế nhưng, đã qua thời hạn mà UBND tỉnh vừa giao, đến nay việc GPMB Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 vẫn còn ngổn ngang. Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác GPMB. Bởi nếu tiếp tục lỡ hẹn, sẽ ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt, từ vệ sinh môi trường, an toàn giao thông cho đến nguy cơ phải thu hẹp dự án...

Tiến Đông