Xã hội

Vài cảm nghĩ về tính cách con người Thanh Chương

Anh Đặng 08/08/2024 13:10

Trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, bên cạnh sự di chuyển cơ học, việc giao lưu, kết nối, làm ăn với nhiều đối tác ngày càng phong phú, đa dạng trên nhiều không gian. Ở Thanh Chương, người dân tự hào, gìn giữ những bản sắc truyền thống, đồng thời không ngừng giao lưu, học hỏi để trở thành những “công dân toàn cầu”.

Du khách châu Âu check-in tại đảo chè (Thanh Chương). Ảnh: Đình Tuyên
Du khách châu Âu check-in tại đảo chè (Thanh Chương). Ảnh: Đình Tuyên

Khi nói đến tính cách, phẩm chất của người Nghệ, chắc chắn có nhiều người tâm đắc với Giáo sư Vũ Ngọc Khánh: Trong mỗi con người Nghệ đều có 4 đặc điểm: Có lý tưởng trong tâm hồn; có sự trung kiên trong bản chất; có sự khắc khổ trong sinh hoạt; có sự cứng cỏi trong giao lưu.

Là một huyện có diện tích lớn, hơn 1.100 km2, dân số đông với hơn 25 vạn người, Đất và Người Thanh Chương có nhiều đặc điểm đậm đặc bản sắc “thương hiệu Nghệ”.

Nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII, tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa
Nhà bia với 3 tấm bia đá ghi danh 267 vị tiến sĩ, cử nhân, tú tài đậu đạt ở các thế kỷ XV-XVIII, tại xã Thanh Liên. Ảnh: Mai Hoa

Tôi không phải là nhà nghiên cứu. Nhưng sinh ra, lớn lên trong cộng đồng, qua sách vở, nghe kể chuyện thì ngay ở quê mình cũng đã thấy nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện thể hiện đậm đặc tính cách ấy. Chỉ điểm qua một số câu chuyện khá điển hình, chúng ta sẽ thấy:

Tiến sĩ Nguyễn Thế Bình sinh ra trên vùng quê “Trai Cát Ngạn”, là người có trí thông minh hơn người. Ông đậu Tiến sĩ năm 1768, được ghi tên vào bia Văn miếu Quốc tử giám, được vua ban cấp lộc điền ở quê nhà để thu hoa lợi. Thương dân cực khổ, ông không giành phần ruộng màu mỡ cho mình mà chọn vùng đất Triều Sơn – là ngọn đồi chỉ toàn sỏi đá và vùng bãi nhỏ hẹp làm đất lộc điền.

Phòng học tiếng Anh, Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Phòng học tiếng Anh, Trường THPT Cát Ngạn (Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Sử sách còn lưu lại: Thuở ấy, đất nước trong buổi nhiễu nhương. Tuyên phi Đặng Thị Huệ, là người được Chúa Trịnh sủng ái. Thị Huệ có những việc làm lăng loàn trong phủ Chúa, nhiều người căm phẫn nhưng không ai dám can gián. Đã thế, “cậu trời” Đặng Mậu Lân – em trai Thị Huệ càng bất chấp đạo l‎ý, ăn chơi trác táng vô độ, dâm ác, coi thường mọi người. Sự việc đến mức không thể chấp nhận, phải đưa Mậu Lân ra xét xử. Ai cũng căm ghét Mậu Lân nhưng khi được cử xét xử thì như “treo chuông vào cổ con mèo”. Người thì cáo bệnh, người thì vin cớ này, cớ khác để khéo léo cáo lui. Sự thực thì họ sợ, xử nhẹ thì không hợp luật pháp, xử đúng thì sợ thế lực của Thị Huệ, Mậu Lân trả thù. Họ sợ thiệt cho mình. Ông Nghè Cát Ngạn được chỉ định nghị án. Nguyễn Thế Bình nghiêm cẩn, liêm khiết, thẳng thắn. Mậu Lân bị xử rất nặng. Quần thần hả hê nhưng không khỏi kinh hãi và khâm phục.

Ông Nghè Đinh Nhật Thận - người làng Tiên Hội, tức xã Thanh Tiên bây giờ. Quốc triều đăng khoa lục chép về ông: “Ông đọc sách qua một lượt là nhớ. Làm văn, cất bút là xong, không cần phải nháp, ý tứ mới lạ, phần nhiều không theo khuôn sáo lối văn thời bấy giờ. Văn thơ ông làm xong là bỏ qua, không lưu lại bài nào” (Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, Nxb Văn học, trang 69).

 Đình Võ Liệt chụp từ trên cao. Ảnh- CSCC
Đình Võ Liệt (huyện Thanh Chương) chụp từ trên cao. Ảnh: CSCC

Ông đỗ Tiến sĩ đồng khoa với Cao Bá Quát, được ghi tên vào bia Văn miếu Quốc tử giám. Cụ Nghè Đinh là người sống khoáng đạt, phóng túng, giỏi ứng xử trong văn chương, thơ phú, làm thuốc giỏi, nổi tiếng với những toa thuốc “độc vị”.

Chuyện kể: Mẹ của vị quan thượng thư ốm nặng, chạy chữa mãi không khỏi. Quan cho đòi cụ Nghè đến khám cho mẹ. Nghe lệnh đòi, cụ bảo: Xưa nay, chỉ có mời thầy chữa bệnh chứ ai lại bắt thầy đi chữa bệnh! Vị quan giận lắm nhưng vì sinh mệnh của mẹ nên phải hạ cố, đến mời cụ Nghè Đinh. Theo lệ thường, với người quyền quý, người ta chỉ lục vấn, buộc chỉ vào cổ tay cho thầy bắt mạch. Cụ Nghè không chịu, đòi phải trực tiếp bắt mạch, xem mặt, xem lưỡi. Quan đành phải chấp nhận. Khám xong, cụ Nghè bốc một toa thuốc độc vị, chỉ uống xong toa thuốc ấy bà đã khỏi bệnh.

Đinh Nhật Thận là bạn thân của Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, là những người thông minh nổi tiếng lúc bấy giờ. Sử sách còn lưu truyền nhiều câu chuyện về sự tài hoa, về những sự ghen tị, thị phi với cụ Nghè Đinh. Vì mến tài của ông, Vua Tự Đức lưu ông lại ở kinh đô để dạy con em trong hoàng tộc và cũng là một kế để dễ bề kiềm tỏa. Ông mất năm Bính Dần (1866).

fa50ab008e5b2a05734a.jpg
Đền Bạch Mã, tại xã Võ Liệt (huyện Thanh Chương): Ảnh: CSCC

Đầu thế kỷ 19, ở Võ Liệt có Tiến sĩ Phan Sĩ Thục, vừa tài năng, đức độ vừa liêm khiết; tuy đến tuổi nghỉ hưu vẫn được lưu lại và mất tại công đường khi 69 tuổi. Đi làm quan nhưng ông luôn nhớ lời cha dặn: “Con phải làm cho Dân tin, Dân thương, đừng làm cho Dân sợ, Dân oán”. “Sĩ Thục làm quan hơn 40 năm vẫn sống thanh liêm trong căn nhà tranh vách đất...”. Căn nhà hiện nay thờ phụng ông chính là học trò của ông tự nguyện xây dựng khi ông đã mất.

Nguyễn Sĩ Sách, người làng Tú Viên, xã Thanh Lương, đỗ đầu bằng Thành chung trường Nghệ, bạn thân với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt. Ông sớm tham gia hoạt động cách mạng, mới 26 tuổi đã làm Bí thư Kỳ bộ Trung Kỳ. Năm 1929, ông bị bọn mật thám bắt giam, chúng chuyển ông qua nhiều nhà giam. Đến đâu, ông cũng là linh hồn cho phong trào “biến nhà tù thành trường học”, đấu tranh với chế độ hà khắc của bọn đế quốc, thực dân. Chánh mật thám Công Bơ, người Pháp phụ trách nhà giam, biết ông là nhân vật quan trọng nên giở hết các ngón đòn xảo quyệt. Ngon ngọt mua chuộc dụ dỗ không được, chúng khảo tra tàn khốc.

Không khuất phục được người cộng sản trẻ tuổi, chúng đưa ông về phòng biệt giam. Nguyễn Sĩ Sách cắp manh chiếu đi trước, Công Bơ cầm súng hằn học đi sau và không ngớt chửi rủa bằng tiếng Pháp. Ông đã dùng tiếng Pháp chửi thẳng vào mặt bọn chúng là quân dã man cướp nước mà miệng cứ bô bô là khai hóa văn minh, đồng thời dùng manh chiếu quật thẳng vào mặt của Công Bơ. Để bảo vệ tên chúa ngục khát máu khi bị ông quất chiếc chiếu vào mặt, bọn tay sai đã bắn chết đồng chí Nguyễn Sĩ Sách.

Học sinh Trường THPT Cát Ngạn (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Học sinh Trường THPT Cát Ngạn (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Từ những năm 1930, Võ Quý Huân quê ở Thanh Tùng, đã tốt nghiệp 3 bằng đại học danh tiếng tại Pháp. Ông có gia đình riêng tại Pháp, vợ là người Pháp gốc Nga và một đứa con gái. Năm 1946, vợ đang làm luận án Tiến sĩ, gác lại hạnh phúc riêng, ông theo Bác Hồ về nước kháng chiến - ông là “cha đẻ của ngành đúc, luyện kim Việt Nam”, cùng GS Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí cho Quân đội ta đánh Pháp. GS Nghĩa gọi ông là “Người kỹ sư nặng tình non nước”.

Nguyễn Bùi Vợi, người làng Thổ Sơn - Cát Ngạn, 17 tuổi đã cùng Xuân Diệu đi đọc thơ phục vụ tuyên truyền cải cách ruộng đất. Ông đi học Khu học xá ở Trung Quốc. Năm 1957, ông về làm tổ trưởng chuyên môn và dạy Văn tại Trường Sư phạm Hà Nội. Một lần, ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Sư phạm về dự giờ một thầy giáo trong tổ. Đánh giá giờ dạy, trái ngược với ông Tổ trưởng và các thầy giáo trong trường, ông Vụ trưởng phủ nhận hoàn toàn cả nội dung và phương pháp. Mọi người sợ, khép nép, không dám nói gì. Nguyễn Bùi Vợi không đồng tình. Ông lịch sự xin phép: Về tuổi tác, chúng em là bậc con cháu, về chức vụ, chúng em là cấp dưới, về học thuật thầy là Tiến sĩ nhưng về khoa học, xin thầy cho được bình đẳng, cho trao đổi, tranh luận…

Vị Vụ trưởng bực mình, cắp cặp bỏ về tức khắc và báo cáo với Bộ trưởng. Mấy hôm sau, không báo trước một buổi nào, Giáo sư - Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên trực tiếp về trường dự giờ giảng Văn của “ông Đồ Nghệ trẻ”. Ngay sau tiếng trống hết giờ, Bộ trưởng bước lên bục giảng, cảm động, ôm lấy ông, khen và mong cho giáo viên Văn của ta ai cũng dạy được như vậy! Nguyễn Bùi Vợi mừng rơi nước mắt.

Sống “thanh bần lạc đạo”, xử nghiêm với người nhà “Hoàng thân, quốc thích”, không quỵ lụy trước ngạo nghễ, cường quyền, hiên ngang chấp nhận cái chết trước kẻ thù,... thời nào cũng thường nhận cái thiệt về mình. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó. Nhiều người nể trọng, ngưỡng mộ và tự hào với những người, những hành động đó nhưng cũng có người cho rằng họ quá cực đoan, thiếu mềm mỏng, sao không chọn cách hành xử êm hơn, có lợi hơn (?). Đó là quan niệm của mỗi người!

Mấy mẩu trên chỉ là những câu chuyện điển hình, được sử sách, người đời truyền lại. Trong lịch sử, trên mảnh đất này, đã biết bao vụ việc đại loại như vậy. Tôi cứ “lăn tăn”: Có phải do sinh ra, lớn lên trên mảnh đất khô cằn, phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, giặc giã,… chỉ có cái “chất” ấy mới tồn tại và phát triển?

Không gian trãi nghiệm ngoài trời của trẻ tai Trường mầm non Ngoc Sơn (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa
Không gian trải nghiệm ngoài trời của trẻ tại Trường Mầm non Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương). Ảnh: Mai Hoa

Thường thì các tính cách nó tạo ra những cặp phạm trù “sáng – tối”, đối lập nhau: Thẳng thắn quá thì cứng nhắc; tự tin quá thì bảo thủ; quyết liệt quá thì cực đoan; cần kiệm quá đến thì khổ hạnh, kẹt xỉn; khảng khái quá thì bảo thủ, gàn bướng; đoàn kết quá thì dễ kết bè, kéo cánh, cục bộ hẹp hòi… nói nôm na là cái gì quá ngưỡng cũng không nên, không tốt!

Đất nước, quê hương đang tiếp tục hội nhập với mọi miền đất nước và quốc tế. Bên cạnh sự di chuyển cơ học vốn đã mạnh mẽ thì sự giao lưu, kết nối, làm ăn với nhiều đối tác với không gian rộng mở ngày càng phong phú, đa dạng. Trân trọng, tự hào, gìn giữ những bản sắc truyền thống là điều rất đáng quý. Đồng thời, phải không ngừng giao lưu, học hỏi, điều chỉnh, để trở thành những “công dân toàn cầu” là một yêu cầu quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Anh Đặng