Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An: 45 năm hành trình nhân đạo
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, với nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên..., Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Nghệ An đã thực sự trở thành “cầu nối, điều phối” trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo tại địa phương.
Những thành tựu đáng tự hào
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 14/8/1979. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn đóng vai trò nòng cốt, cầu nối và điều phối các hoạt động nhân đạo. Toàn tỉnh hiện có 480 hội cấp xã, phường, thị trấn; 386 hội cơ quan, trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, trung học phổ thông, trung học cơ sở, doanh nghiệp; 4.941 chi hội; có 69.661 hội viên, 76.725 thanh, thiếu niên, 8.827 tình nguyện viên.
Hội CTĐ các cấp tỉnh Nghệ An kế thừa, phát huy truyền thống của Hội CTĐ Việt Nam, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức hội, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo; tham gia thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Trong phong trào “Tết nhân ái”, toàn hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, nhà tài trợ vận động, tổ chức trao 422.267 suất quà, trị giá hơn 208 tỷ đồng, vượt so với chỉ tiêu được giao; góp phần đem lại những cái Tết ấm cúng, vui vẻ cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, với cách làm sáng tạo của các cấp hội, nên đã có 92.168 lượt địa chỉ nhân đạo được trợ giúp, trị giá 68,3 tỷ đồng.
Dự án “Ngân hàng bò” được triển khai từ năm 2008, đến nay, đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Dự án đã và đang triển khai có hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo, làm chủ cuộc sống. Các cấp hội đã kêu gọi được sự hỗ trợ, cung cấp bò giống của các tổ chức, cá nhân và trao trên 1.000 con bò giống sinh sản cho các gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới; với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tổng số bò giống đã hỗ trợ tính đến nay là 1.850 con.
Các hoạt động hỗ trợ đột xuất được các cấp hội thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Theo đó, có 45.215 hoàn cảnh gặp hoạn nạn, rủi ro được hỗ trợ, giúp đỡ tiền và hàng; trị giá hơn 13 tỷ đồng. Hỗ trợ thường xuyên trên 25.000 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua các hình thức: xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, trao thẻ bảo hiểm, khám, chữa bệnh, hỗ trợ vốn sản xuất.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay đã triển khai “Tháng Nhân đạo” trên địa bàn tỉnh, trong đó, vào dịp tháng 5 hằng năm trở thành tháng cao điểm toàn dân làm nhân đạo; lan tỏa giá trị nhân ái trong cộng đồng đúng với chủ đề “Kết nối, sẻ chia và lan tỏa”. Hàng năm, hội vận động xây nhà, tặng quà, sinh kế với tổng trị giá hơn 26 tỷ đồng.
“Chữ thập đỏ vì mọi người, ở mọi nơi”
Một trong những hoạt động nổi bật của Hội CTĐ tỉnh trong những năm qua, đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện. Nhờ đó, công tác hiến máu tình nguyện đạt được kết quả cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu máu cho cấp cứu, điều trị người bệnh.
Thông qua các chương trình hiến máu tình nguyện như: “Hành trình đỏ”; “Ngày Chủ nhật đỏ”, "Lễ hội Xuân hồng", “Giọt hồng blouse trắng” hàng năm đã thu hút đông đảo tình nguyện viên tham gia. Các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, câu lạc bộ ngân hàng máu hiếm tiếp tục được duy trì và hoạt động có hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu về máu cho các bệnh viện trong những lúc cần thiết. Đến nay, toàn tỉnh có 25 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện gồm 345 thành viên, trong đó, có 1 câu lạc bộ nhóm máu hiếm. Tổng số đơn vị máu tiếp nhận từ năm 2008 đến năm 2023 đạt 368.925 đơn vị.
Bên cạnh đó, hưởng ứng Chiến dịch “Khám, chữa bệnh nhân đạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng” do Trung ương Hội phát động hàng năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh chỉ đạo các huyện thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong 15 năm qua, hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, như Bệnh viện Quốc tế Vinh, Trường Đại học Y khoa Vinh, các bệnh viện tuyến huyện, doanh nghiệp... tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí, phẫu thuật mắt cho hơn 309.234 lượt người nghèo, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng 1.264 xe lăn cho người bị khuyết tật.
Để có được những kết quả trên, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã thể hiện vai trò nòng cốt, là cầu nối và điều phối trong các hoạt động nhân đạo. Từ chỗ chủ yếu cấp phát hàng cứu trợ, đến nay, hoạt động nhân đạo đã được đa dạng hóa thông qua thực hiện 7 lĩnh vực hoạt động được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ. Từ đó, hội đã xây dựng nhiều mô hình mới, triển khai nhiều chương trình, dự án do quốc tế tài trợ; việc liên kết hoạt động với các tỉnh bạn ngày càng có hiệu quả. Các cấp hội cũng đã triển khai tốt các phong trào, cuộc vận động lớn do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, tạo sức lan tỏa và được các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng.
Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Hội Chữ thập đỏ tỉnh suốt 45 năm qua, Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, hội vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Cờ Thi đua Trung ương hội; Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tỉnh tặng 2 Cờ Thi đua. Năm 2018 đề nghị Thủ tướng tặng Cờ Thi đua vì đạt thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ.
Nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, rất đỗi tự hào về những thành tựu đã đạt được của Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đó là quá trình phấn đấu, rèn luyện và cống hiến của toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ toàn tỉnh, cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức từ thiện trong tỉnh, trong nước và bạn bè quốc tế.
Thời gian tới, các cấp hội sẽ chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng về tình hình và chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh, xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển mạnh các hoạt động nhân đạo của hội theo hướng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ; Hàng năm, tập trung tổ chức tốt “Tháng Nhân đạo” và phong trào “Tết Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... góp phần thực hiện tốt vai trò nòng cốt của mình với sứ mệnh nhân đạo, từ thiện; giúp đỡ hàng nghìn hoàn cảnh vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Nguyễn Lương Hồng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An