Xã hội

Điều chưa biết về ca khúc Thanh Chương mời bạn về thăm!

Anh Đặng 09/08/2024 10:01

Ca khúc “Thanh Chương mời bạn về thăm” ra đời sau trận lũ lịch sử 1978. Ban đầu, người khen nhiều, kẻ chê lắm. Người khen thì cho là bài hát đậm chất dân ca, dễ hát, lời ca mượt mà, có sức lay động, chạm đến nỗi lòng sâu thẳm, chân chất, mộc mạc của người dân một vùng quê “tứ tắc” … Kẻ chê thì nói: Thiếu chi cái hay, cái ngon, cái đẹp mà đưa nhút chua, cà mặn ra mà phơi giữa thiên hạ (?)…

Phan Hồng Trường - người lính trận, thương binh thời chống Mỹ từng viết nhiều ca khúc từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Về với quê, lăn lộn với phong trào văn hóa quần chúng. Khi viết “Thanh Chương mời bạn về thăm” vẫn ăn hạt bo bo, làm thêm nghề vẽ cuốn thư, câu đối, chữ Thọ để “nuôi sáng tác ca khúc”.

bna_1.jpg
Tác giả và nhạc sĩ Phan Thanh Chương (người ngồi bên trái). Ảnh: C.T.V

Năm 1979, trong cuộc gặp tại nhà nhà thơ Võ Thanh An, có Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật và nhiều “Nghệ kiều”, Hồng Trường say sưa hát “Ngái ngôi chi”... Ai cũng xúc động. Võ Thanh An ôm lấy anh mà rằng: Hồng Trường - chú là Thanh Chương! Nghệ danh Phan Thanh Chương có từ đó. Chúng tôi thì thấy hiếm có một huyện mà có một “nhạc sĩ quê” lịch thiệp mà thật lòng, lãng mạn mà hồn hậu, “phá phách” mà chỉn chu, sang trọng mà dân dã,... Tác phẩm của anh như hạt lúa, củ khoai, gần gũi mà đậm hồn cốt của quê: Nhà mế có ảnh Bác, Chiếu làng, Tiếng quê, Với quê, Hát về những thằng bạn, Tình ca sông Giăng, Tiếng đàn bầu trên đất Chăm Pa,...

á
Đảo chè - điểm đến du lịch hấp dẫn ở huyện Thanh Chương. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Hơn 40 năm rồi, ca khúc ấy vẫn tồn tại đầy sức sống. Giữa Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt,... người ta hát "Thanh Chương mời bạn về thăm". Người hát và người nghe có khi nghẹn ngào, rưng rưng với quê, ôm nhau mà “hét” lên tha thiết: “Anh đi xa vẫn nhớ hoài câu nói: Đất Thanh Chương nhút mặn chua cà”,... Không chỉ người Thanh Chương coi đó là “Huyện ca” mà nhiều người Nghệ cũng say sưa hát, vì hình như miền quê nào của xứ Nghệ cũng có bóng dáng trong đó. Người ở quê hát “ngái ngôi chi…” để đón bạn, gọi bạn, kết bạn; người xa quê hát “câu ca xưa chỉ còn trong ký ức” với sự thổn thức, nghẹn ngào với quá khứ của Thanh Chương, của xứ Nghệ.

Một góc đô thị thị trấn Thanh Chương. Ảnh: CSCC
Một góc đô thị thị trấn Thanh Chương. Ảnh: CSCC

Ông Ngô Đức Tiến, quê ở Yên Thành cho rằng: Viết về một vùng quê càng nhỏ hẹp càng khó. Có những địa phương từng mời nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng về sáng tác huyện ca mà không thành công. “Thanh Chương mời bạn về thăm” là một trường hợp độc đáo. Không chỉ người Thanh Chương, người Nghệ An mà những nơi khác cũng lan truyền, phổ biến. Mỗi khi cất lên lời ca, người ta thấy có quê mình, làng mình trong đó “đất có nghĩa với người đi xa, đất nặng nghĩa tình quê nhà”. Tuy không ồn ào, hào sảng nhưng nó chạm đến mạch nguồn sâu thẳm của tình yêu quê hương, đất nước,...

Với âm nhạc, tôi là người ngoại đạo. Nhưng cũng phải nói rõ khi viết ca khúc này, tác giả đã có những dự cảm lãng mạn về tương lai. “Đất Thanh La đêm về tràn ánh điện” thực ra lúc đó xã Thanh Lĩnh (Thanh La cũ) được nhận một chương trình tài trợ của Liên Xô cũ 1 máy phát điện. Cứ khoảng 7 giờ tối thì chạy, 10 giờ thì tắt. Mà cũng chỉ là ngày mùa, ngày lễ, điện chỉ sáng tại các kho đội (trung tâm các xóm lúc bấy giờ) nhưng mỗi bữa có điện là một bữa cả xã rộn ràng. Dùng - trung tâm huyện lúc đó chưa được công nhận là thị trấn, điện sáng cũng thường chỉ có vào lúc 9, 10 giờ đêm. “Những nhà máy, những công trường mọc lên…” thì cũng chỉ là mấy nhà máy sấy chè của các nông trường Hạnh Lâm, Ngọc Lâm, Thanh Mai, còn nữa vẫn là “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa,...”.

Cùng với sự đổi thay của đất nước, huyện Thanh Chương đã có những bước tiến khá dài. Mới ngày nào, “Quê hương là đường đi ủng” thì nay hầu hết đã xi măng, nhựa hóa. Năm 1992, mới có 800 mét thì nay đã có hơn 450 km đường nhựa. Mảnh đất 36 bến đò nay chỉ còn 5 bến đò. Cầu Dùng, cầu Rộ, cầu Thanh Đức, sắp tới là cầu Đò Cung nối đôi bờ dòng Lam. Hàng trăm cây cầu lớn nhỏ đã phá đi cái thế cát cứ, tứ tắc. Các sản phẩm từ cây chè, cây sắn, cây keo, cây cam, con gà (kể cả nhút!) nhiều năm gần đây đã vào Nam, ra Bắc. Đời sống người dân cũng được cải thiện hơn nhiều…

Trong sự phát triển ấy, có sự đầu tư của Nhà nước bằng các công trình lớn như đường Hồ Chí Minh, đường lên Cửa khẩu Thanh Thủy, đường 46B, 46C, đường từ trung tâm huyện đến khu tái định cư… Và cũng có thể nói: Cùng với các chuyến giao lưu, mời gọi của lãnh đạo huyện các thời kỳ, men theo câu hát ấy, nhiều nhà đầu tư là con em quê hương như Nguyễn Minh Hồng, Võ Văn Hồng, Nguyễn Cảnh Sơn, Nguyễn Cảnh Hồng, Võ Văn Minh... bằng những chương trình, dự án và tấm lòng thơm thảo đã hướng về miền quê nghèo từng thủy chung, son sắt với cách mạng. Trong những cuộc giao lưu, kết nối, khánh thành các công trình “Thanh Chương mời bạn về thăm” lại được cất lên như một sự giãi bày, giới thiệu, tri ân, như một lời mời gọi thiết tha…

Tuy nhiên, là huyện biên giới, xa các cực tăng trưởng nên kinh tế vẫn chủ yếu là nông, lâm nghiệp; công nghiệp, dịch vụ còn kém phát triển, Thanh Chương vẫn là một huyện nghèo.

Với 4.500 ha chè, đã có Dự án Nhà máy chế biến chè chất lượng cao xuất khẩu; hơn 20.000 ha keo nguyên liệu đã có nhà máy chế biến tại chỗ, không còn phải chở đi xa hàng trăm cây số. Các nhà may may ABC tại xã Thanh Tiên, TAAD tại xã Thanh Khê, nhà máy may Matsuoka tại xã Thanh Liên, Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối Thanh Hương, Thanh Tùng, Nhà máy chế biến chè chất lượng cao Thanh Thủy... 267 doanh nghiệp nhỏ đã và đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn. Một tương lai đầy hứa hẹn!

Là huyện đất rộng, người đông, với gần 25 vạn dân, người Thanh Chương vẫn khao khát muốn có thêm những nhà máy, xí nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết việc làm, từng bước tạo ra cách làm mới với mô hình liên kết trong nông nghiệp, tăng thu nhập ngay trên quê hương mình. Người Thanh Chương vẫn hát “Ngái ngôi chi mà anh nỏ về”? Hát để nhớ về một thuở chưa xa. Hát để kết nối, để học hỏi, để vươn lên khi “làm ăn mới đã mở những chân trời”.

Anh Đặng