Chuyện tình ... da cam

Thanh Quỳnh 10/08/2024 08:44

Là nạn nhân chất độc da cam, anh Lê Bá Thành (SN 1978) mất khả năng di chuyển, nhưng tình yêu của người vợ đã giúp anh có được một mái ấm trọn vẹn, là điểm tựa tinh thần để anh vươn lên từ nghịch cảnh.

img_9461.jpg

Nụ cười sau nước mắt

Cả khán đài dường như trầm lắng khi nhìn thấy chị Lê Thị Trang Nhung (SN 1982) cẩn thận đẩy chiếc xe lăn đưa chồng vào hội trường của buổi tọa đàm kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam Việt Nam, được tổ chức tại thành phố Vinh.

Ngồi trên chiếc xe lăn, anh Lê Bá Thành (SN 1978) nở nụ cười rạng rỡ chào hỏi mọi người. Nụ cười ấy thật sự ánh lên niềm hạnh phúc, nén chặt những nỗi niềm kém may mắn khi anh mang trong mình di chứng của chất độc da cam.

anh thành
Vợ chồng anh Lê Bá Thành tại buổi Tọa đàm kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam Việt Nam được tổ chức tại thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trong những phút giải lao của buổi tọa đàm, tôi được trò chuyện cùng anh Thành, chị Nhung, và thực sự ấn tượng về chuyện đời, chuyện tình đặc biệt của hai người.

Khi chào đời, Lê Bá Thành là một cậu bé bình thường như bao đứa trẻ khác. Vậy nhưng, vào năm 4 tuổi, đôi chân của Thành dần teo lại và không còn khả năng di chuyển. Bố đi bộ đội xa nhà, một mình mẹ vừa đi làm, vừa ôm anh ra các bệnh viện lớn, nhỏ để chữa bệnh nhưng đều vô vọng. Sau này, mẹ anh mới biết, căn bệnh tai ác của anh là do di chứng chất độc da cam di chứng từ người bố đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Kể từ giây phút đó, gia đình anh đành chấp nhận sự thật là con trai mình sẽ phải chịu cảnh tàn tật suốt đời.

anh thành
Vợ chồng anh Lê Bá Thành đón nhận nhiều tình cảm trân quý của người thân, bạn bè và là người truyền cảm hứng sống cho những nạn nhân chất độc màu da cam khác. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tai ương liên tiếp ập đến khi mẹ anh Lê Bá Thành ra đi đột ngột trong lúc đang mang thai người con thứ hai. Sau khi mẹ mất, Thành được bà nội nuôi dưỡng. Thời điểm đó, cậu bé Thành chưa một ngày được đi học bởi bà nội già yếu và những cơn đau giằng xé hằng ngày khiến anh không thể đến lớp. Thương cháu, bà chỉ biết dạy cho anh tập đọc, tập viết những từ đơn giản. Dần dà, Thành tự mày mò học chữ và tự cập nhật kiến thức qua sách, báo do bạn bè, họ hàng cho, tặng.

Dù ông trời lấy đi đôi chân của Thành nhưng bù lại cho anh năng khiếu đặc biệt về sửa chữa các thiết bị điện tử. Năm 12, 13 tuổi, Thành đã có thể sửa chữa được những chiếc đồng hồ, những nông cụ đơn giản trong gia đình. Từ niềm đam mê đó, năm 16 tuổi, Lê Bá Thành quyết tâm học nghề tại một xưởng cơ điện của thành phố Vinh.

Vợ chồng anh Lê Bá Thành (SN 1978) và chị Lê Thị Trang Nhung (SN 1982) tại xưởng sản xuất của gia đình. Ảnh: Thanh quỳnh
Vợ chồng anh Lê Bá Thành (SN 1978) và chị Lê Thị Trang Nhung (SN 1982) tại xưởng sản xuất của gia đình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ban đầu, khi nhìn thấy Thành, chủ xưởng tỏ rõ sự e ngại bởi không ai muốn thuê một người tàn tật cả. Chỉ khi thấy rõ được sự cần mẫn, chăm chỉ và đôi chút tài năng bộc lộ qua những lần sửa chữa các thiết bị tại xưởng của anh thì ông chủ mới đồng ý nhận anh vào làm việc chính thức. Sau những năm tháng miệt mài vừa học vừa làm, anh Thành đã tích lũy vốn và kinh nghiệm để mở được một cửa hàng cơ khí nhỏ cho riêng mình bên chân cầu Kênh Bắc.

Làm chủ được thời gian, anh phát triển niềm đam mê với máy móc phục vụ nông nghiệp, từ đó cải tiến và sản xuất các loại máy như máy ép mía, máy chế biến thức ăn chăn nuôi, máy hàn điện tử. Những sản phẩm này đã được thị trường trong, ngoài tỉnh đón nhận rộng rãi. Nhờ vậy, đến năm 2007, anh đã tích lũy được vốn để mở một xưởng cơ khí lớn hơn 300m2 tại xã Hưng Lộc. Nhìn cơ ngơi của anh, không ai nghĩ rằng nó lại thuộc về một người tàn tật.

Dù không được đi học ngày nào nhưng anh Thành có thể tự tìm tòi để cải tiến, làm mới nhiều thiết bị nông cụ quan trọng. Ảnh: Thanh Quỳnh
Dù không được đi học ngày nào nhưng anh Thành có thể tự tìm tòi để cải tiến, làm mới nhiều thiết bị nông cụ quan trọng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Phía trong cơ ngơi ấy, anh chia làm hai phần, một phần để sản xuất và một phần để ở. Ngôi nhà nhỏ được xây nên ấp ủ bao hi vọng về một tổ ấm trong tương lai. Anh luôn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tin rằng mình sẽ có vợ và những đứa con khỏe mạnh. Và rồi, niềm tin ấy đã trở thành hiện thực, mang lại hạnh phúc rạng ngời sau những khổ đau mà anh phải gánh chịu…

Yêu thương vượt mọi rào cản

Theo lời giới thiệu của ông Tạ Quang Dư - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố Vinh, chúng tôi ghé thăm nhà anh Lê Bá Thành vào một ngày đầu tháng 8.

Đón chúng tôi, chị Lê Thị Trang Nhung - vợ anh Thành cho biết, kết tinh tình yêu giữa chị và anh Thành là hai bé sinh đôi kháu khỉnh. Chuyện tình của hai người bắt đầu từ một cơ duyên, trải qua bao thử thách mới kết được trái ngọt như hôm nay.

Chị Nhung từng là một cô sinh viên năng động của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam (thành phố Vinh). Là người con của mảnh đất Nghĩa Đàn, khác với những bạn bè cùng trang lứa, chị Nhung sớm có niềm đam mê với ngành nghề điện tử, kỹ thuật. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THPT, chị quyết tâm xuống thành phố Vinh học nghề.

Nụ cười hạnh phúc của hai vợ chồng anh Lê Bá Thành giữa bộn bề cuộc sống. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nụ cười hạnh phúc của hai vợ chồng anh Lê Bá Thành giữa bộn bề cuộc sống. Ảnh: Thanh Quỳnh

Trùng hợp thay, xưởng của anh Thành lại gần với ngôi trường chị đang theo học. Vì thế, ngoài thời gian học tại giảng đường, chị đã xin làm thêm tại xưởng của anh để nâng cao trình độ và có thêm thu nhập trang trải việc học.

Qua thời gian làm việc tại xưởng, chị dần hiểu được tính cách của anh Thành, nhận ra anh là một con người rất tình cảm, chu đáo với mọi người xung quanh. Cùng với đó, ý chí vượt lên khó khăn và sự thông minh, sáng tạo của anh trong công việc đã thực sự khiến chị rung động.

Sau khi tốt nghiệp, chị tiếp tục gắn bó với công việc tại xưởng của anh Thành. Nghĩ về những ngày tháng đó, chị trải lòng: “Tôi mất bố từ sớm còn anh Thành lại mồ côi mẹ, nên cả hai có những sự đồng cảm với nhau. Từ sự đồng cảm, thấu hiểu ấy đã kéo anh và tôi gần lại và tình yêu đến như một lẽ dĩ nhiên.

chị Nhung
Chị Nguyễn Thị Nhung vợ anh Thành. Ảnh: Thanh Quỳnh

Mẹ tôi sau khi gặp anh cũng đã rất ủng hộ chuyện tình cảm của chúng tôi, bởi bà cảm nhận được những điều mà anh đã cố gắng. Sự vun vén của gia đình hai bên đã giúp cho chúng tôi nhen nhóm tình yêu của mình lớn lên, là điểm tựa để vợ chồng cùng nhau vượt qua những khó khăn, vất vả. Mái ấm này dù đơn sơ nhưng lại hết sức trọn vẹn với chúng tôi”.

Chị Lê Thị Trang Nhung

Khi đã ổn định được cuộc sống của gia đình, vợ chồng anh Thành vẫn luôn dành sự đồng cảm với những người cùng hoàn cảnh. Anh chị sẵn sàng hỗ trợ đào tạo miễn phí cho nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi trong những năm qua để họ có được việc làm và thu nhập ổn định. Trong số đó, nhiều người vẫn nhắc nhớ đến chàng trai Vi Văn Dũng (SN 1996).

img_9469.jpg
Anh Lê Bá Thành đã đồng hành, tạo điều kiện giúp đỡ cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền tại xưởng của mình. Ảnh: Thanh Quỳnh

Dũng là người con của mảnh đất Quỳ Hợp, từ nhỏ anh đã bị liệt 2 chân, gia đình lại hết sức khó khăn nên bệnh tình ngày càng trở nặng. Năm 2016, khi vừa tròn 20 tuổi, Dũng biết đến cơ sở sản xuất của anh Thành và đã quyết tâm tìm tới để xin anh học nghề. Hiểu được quyết tâm đó, vợ chồng anh Thành đã nhận anh vào đào tạo với mức lương 7 triệu đồng mỗi tháng.

Sau 7 năm gắn bó với cơ sở của anh Thành, từ nguồn vốn và kinh nghiệm tích lũy được, năm 2023 anh đã mở một xưởng nhỏ cho riêng mình tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, anh Dũng vẫn luôn dành niềm biết ơn sâu sắc đối với vợ chồng anh Thành, khi đã mang lại những đổi thay quý giá trong cuộc đời anh.

Điều mà Vi Văn Dũng cùng với 6 lao động thường xuyên đang làm việc ở xưởng ấn tượng về anh Thành đó chính là sự lạc quan, vui vẻ giữa bộn bề cuộc sống.

Hiếm khi thấy anh Thành buồn, anh thường động viên với chúng tôi rằng: Con người ta, mỗi người một số phận, bản thân anh cũng đã rất đau khổ khi mất đi đôi chân và người mẹ mà mình yêu dấu. Nhưng chỉ có bằng cách vượt qua nó mới có thể đứng lên và tiếp tục sống một cuộc đời ý nghĩa. Đó chính là tâm niệm mà chúng tôi - những người không may mắn mang trong mình để có được những niềm vui sau mất mát...".

Anh Vi Văn Dũng

Thanh Quỳnh