Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An lý giải nguyên nhân thiếu thuốc tại một số bệnh viện
Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thừa nhận việc thiếu thuốc cục bộ tại một số đơn vị và lý giải nhiều nguyên dẫn đến tình trạng này.
Ngày 12/8, ông Trần Minh Tuệ - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị vừa có văn bản trả lời cử tri Nguyễn Xuân Tùng ở thị xã Hoàng Mai liên quan vấn đề thiếu thuốc.
Trước đó, Sở Y tế nhận được ý kiến của cử tri này với nội dung phản ánh: “Bảo hiểm y tế hiện nay không giải quyết được nhu cầu về thuốc cơ bản cho người bị bệnh, người bệnh còn được giới thiệu mua thuốc ngoài khá nhiều làm cho người bệnh phải chi trả rất nhiều tiền. Vì vậy, nếu gặp các bệnh hiểm nghèo, bệnh lâu dài, cuộc sống người bệnh và người nhà khánh kiệt”.
Ngay sau đó, Sở Y tế đã có công văn về việc xác minh phản ánh của cử tri, trong đó yêu cầu Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai xem xét việc phản ánh của cử tri tại địa phương.
Kết quả xác minh ý kiến cho thấy: “Người dân và cá nhân ông Nguyễn Xuân Tùng đi khám và điều trị tại bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương được bác sĩ kê đơn thuốc ra ngoài mua về điều trị bệnh gây phiền hà và làm tăng chi phí điều trị cho người dân”.
Theo Sở Y tế Nghệ An, về thực trạng cung ứng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, theo quy định, việc mua sắm thuốc tại các đơn vị khám, chữa bệnh được thực hiện thông qua hoạt động đấu thầu, tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan.
Việc đấu thầu mua sắm thuốc thực hiện theo các hình thức: Mua sắm tập trung (cấp địa phương do Sở Y tế tổ chức đấu thầu; cấp quốc gia do Trung tâm mua sắm tập trung cấp quốc gia) và mua sắm riêng lẻ tại các đơn vị khám, chữa bệnh do các đơn vị tổ chức đấu thầu.
Về kết quả đấu thầu thuốc: Tỷ lệ thuốc trúng thầu tập trung quốc gia đạt 73,9% danh mục, 65,6% về giá trị; cấp địa phương đạt 78% về danh mục, 82% về giá trị; tại các đơn vị khám, chữa bệnh đạt 75% về danh mục, 83% về giá trị.
“Như vậy, kết quả đấu thầu thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Bên cạnh đó, vẫn có một số mặt hàng thuốc tuy đã được tổ chức đấu thầu mua sắm nhưng không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu nên có tình trạng thiếu thuốc với các mức độ khác nhau, thiếu cục bộ tại một số thời điểm, xảy ra ở một số đơn vị và do đó có tình trạng người bệnh phải mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ trong, ngoài khuôn viên bệnh viện”, Sở Y tế lý giải.
Về nguyên nhân thiếu thuốc, theo lãnh đạo Sở Y tế, do vướng mắc trong các văn bản quy phạm, cơ chế về đấu thầu, sử dụng thuốc. Cụ thể, hiện nay, Luật Đấu thầu 2023 ra đời, thay thế Luật Đấu thầu 2013. Tuy nhiên, việc ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật chưa kịp thời hoặc chưa được ban hành nên các đơn vị chưa có căn cứ để triển khai thực hiện mua sắm, hoặc triển khai tổ chức muộn so với nhu cầu.
Ngoài ra, các văn bản pháp quy hướng dẫn sửa chữa thiết bị y tế liên tục thay đổi, chưa có định mức sửa chữa tài sản công nên đơn vị còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu sửa chữa, thiết bị y tế; Thuốc hết hạn số đăng ký nhưng chưa được gia hạn kịp thời; Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho tuyến xã.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, thiếu thuốc một phần cũng xuất phát từ vướng mắc do nhà thầu. Cụ thể, nhà thầu cung ứng gián đoạn, chậm, không cung ứng thuốc trúng thầu cho đơn vị; Ngừng cung cấp thuốc khi công nợ của bệnh viện chưa được thanh quyết toán; Nhà thầu không tham dự thầu, hoặc tham dự vượt giá kế hoạch; Nhà thầu không thể nhập khẩu thuốc do vướng mắc trong thủ tục, thuốc ngừng sản xuất.
Ngoài ra, còn vướng mắc do công tác tổ chức mua sắm tại đơn vị. Cụ thể như một số đơn vị chưa kịp thời, chủ động trong công tác mua sắm. Thời gian chuẩn bị, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn kéo dài; Chưa bố trí được nguồn kinh phí để mua sắm.
Về tình trạng người bệnh phải mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ trong, ngoài khuôn viên bệnh viện, theo lãnh đạo Sở Y tế, là do thuốc đấu thầu nhưng không trúng thầu, không có thuốc thay thế và không có khả năng điều chuyển giữa các đơn vị. Chưa kể, do thuốc nằm ngoài danh mục thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế, đơn vị chưa được cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp tục ký hợp đồng hoặc thuốc không nằm trong danh mục được thanh toán Bảo hiểm y tế tại bệnh viện (thuốc vượt hạng).
Về giải pháp đã thực hiện, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thời gian qua đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng, lựa chọn quy trình mua sắm tại bệnh viện phù hợp. Khẩn trương lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện đấu thầu lại, đấu thầu bổ sung các mặt hàng không trúng thầu. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chủ động lựa chọn các thuốc sử dụng thay thế. Xây dựng danh mục hàng hoá mua sắm đa dạng. Trao đổi, hướng dẫn, và chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân trong trường hợp cần thiết. Chủ động liên hệ, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc với các nhà thầu, thực hiện thanh quyết toán tiền mua thuốc đúng thời gian.
Sở Y tế Nghệ An cũng đã điều chuyển thuốc giữa các đơn vị. Chỉ đạo các đơn vị tuân thủ và thực hiện tốt quy chế kê đơn thuốc tại bệnh viện. Tăng cường việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ trong khuôn viên bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế Nghệ An cũng đã kiến nghị Bộ Y tế bổ sung thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế, tăng thêm danh mục thuốc sử dụng tại các tuyến.