Triển khai mô hình học sinh làm hướng dẫn viên tại các di tích lịch sử ở TX. Hoàng Mai
Mô hình học sinh làm hướng dẫn viên tại các di tích, kết hợp chương trình giáo dục lịch sử địa phương tại các trường học được thị xã Hoàng Mai triển khai hiệu quả.
Cách làm mới
Đến với thị xã Hoàng Mai, tham quan các di tích lịch sử là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống hay các điểm di tích lịch sử tâm linh tại địa phương này, nhiều đoàn du khách rất thích thú và bất ngờ khi được các em học sinh làm hướng dẫn viên.
Cách làm hay này kết hợp chương trình giáo dục lịch sử địa phương tại các trường học, với việc phát huy nguồn nhân lực dồi dào là các em học sinh trên địa bàn để tuyên truyền cho du khách hiểu thêm về các di tích lịch sử, trong điều kiện nguồn nhân lực, cũng như hoạt động du lịch trên địa bàn TX. Hoàng Mai còn thiếu...
Học sinh làm hướng dẫn viên các khu di tích lịch sử là một trong những chủ đề được thị xã Hoàng Mai quan tâm chỉ đạo. Thực hiện nội dung này, tổ chức Đoàn và các trường học trên địa bàn thị xã Hoàng Mai có trách nhiệm tuyên truyền, lồng ghép các chương trình giáo dục, giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa tại thị xã phù hợp với nội dung “học sinh tham gia tìm hiểu chăm sóc và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương”.
Theo đó, mỗi trường ở các cấp Tiểu học, THCS và THPT tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa. Đồng thời, mỗi trường đều nhận chăm sóc một khu di tích lịch sử, văn hóa hoặc di tích cách mạng ở địa phương.
Trong những năm qua, điểm sáng trong việc thành lập mô hình đội tuyên truyền di tích hang Hỏa Tiễn thuộc về Trường THCS Quỳnh Thiện. Hang Hỏa Tiễn là một di tích lịch sử - chứng tích về sự hy sinh của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong ngành Đường sắt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là khúc tráng ca hữu hình về một thời đạn bom, khói lửa ở một xứ sở vẫn được xem là phên dậu thành đồng của Tổ quốc, của một thời kỳ “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng...”.
Trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa mang đến cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích về truyền thống, cảm phục sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ để có được hòa bình, độc lập ngày hôm nay. Đó là tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Thiện khi đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và phát huy đội tuyên truyền về các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã. Đây cũng là mô hình mới trong thực hiện chương trình giáo dục lịch sử địa phương.
Để giúp cho các em thông qua các hoạt động góp phần giáo dục truyền thống tại địa chỉ đỏ hang Hỏa Tiễn, trường đã tuyển chọn một số học sinh có năng khiếu về thuyết trình, cũng như kiến thức về lịch sử địa phương để thành lập đội tuyên truyền về di tích lịch sử này cho thanh niên, học sinh trên địa bàn.
Qua quá trình triển khai mô hình này, nhiều đoàn khách du lịch khi về thăm thị xã đã tìm đến địa chỉ đỏ hang Hỏa Tiễn chia sẻ rất thú vị khi được nghe thuyết trình trực tiếp từ đội tuyên truyền viên.
Kết quả đạt này đặt ra yêu cầu mới đối với thị xã là cần phải nhân rộng, phát huy nguồn nhân lực hiện có, dồi dào để không chỉ tuyên truyền về địa chỉ đỏ hang Hỏa Tiễn mà còn tuyên truyền về nhiều di tích lịch sử nổi tiếng khác trên địa bàn như đền Cờn, Khu du lịch sinh thái hồ Vực Mấu…
Nhiều phụ huynh cũng rất vui khi con em được trải nghiệm, trực tiếp giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hóa địa phương. Cách làm này giúp các con học tập lịch sử địa phương một cách chủ động chứ không khiên cưỡng, bó buộc.
Giải bài toán nguồn nhân lực
Thích thú vì được làm “hướng dẫn viên”, đó chính là tâm sự của em Nguyễn Phương Anh - học sinh lớp 10, Trường THPT Hoàng Mai. Em cho biết, bản thân từng là thành viên của đội tuyên truyền về các di tích lịch sử của Trường THCS Quỳnh Thiện.Em đã nhiều lần được giới thiệu tuyên truyền tại Di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn, Di tích đền Cờn cho các đoàn khách du lịch, cho các cựu cán bộ Đoàn tỉnh Nghệ An, các anh, chị các lớp đối tượng Đảng của thị xã...
Mặc dù tất cả kỹ năng là cả một quá trình tự tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện và chưa qua một khóa đào tạo nào về kỹ năng thuyết trình, nhưng những thông tin về Di tích lịch sử hang Hỏa Tiễn, Di tích đền Cờn được em truyền tải một cách mạch lạc, tự tin, với phong cách của một “hướng dẫn viên du lịch”.
Thị xã Hoàng Mai có 75 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam, thắng cảnh, gần 80 giá trị di sản phi vật thể được nghiên cứu, quản lý và xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh.
Hy vọng rằng, với việc triển khai mô hình học sinh làm hướng dẫn viên các di tích lịch sử, sẽ có nhiều em học sinh trên địa bàn thị xã là nòng cốt để lan tỏa về những giá trị lịch sử, văn hóa của thị xã Hoàng Mai đến đông đảo du khách.
Với việc phát huy đội ngũ tuyên truyền viên từ các em học sinh trên địa bàn, trước mắt còn giúp thị xã Hoàng Mai giải được “bài toán khó” về việc thiếu nguồn nhân lực hướng dẫn viên du lịch tại các điểm di tích văn hóa. Qua đó, giúp cho du khách trong, ngoài thị xã hiểu thêm về lịch sử, văn hóa ở địa phương giàu truyền thống cách mạng.