Quốc tế

Hy vọng của Tổng thống Mỹ Biden về lệnh ngừng bắn ở Gaza dần tắt?

Hoàng Bách 14/08/2024 19:59

Hy vọng của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc làm trung gian dàn xếp một lệnh ngừng bắn trước khi rời nhiệm sở đang trở nên ngày càng xa vời, ngay cả khi Nhà Trắng tăng cường gây sức ép lên Israel và Hamas để đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ngừng bắn dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 15/8.

Screenshot 2024-08-14 at 18.32.47
Người đứng đầu phong trào Hồi giáo Palestine Hamas ở Dải Gaza Yahya Sinwar, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Getty Images

“Tình hình đang trở nên khó khăn hơn. Tôi sẽ không từ bỏ”, ông Biden cho biết vào ngày 14/8, khi được hỏi liệu thỏa thuận ngừng bắn có trở thành một khả năng xa vời hơn không.

Nhưng hành động quân sự đang vượt qua và làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao. Iran dự kiến trong tuần này sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa vào Israel vì cáo buộc ám sát một quan chức chính trị hàng đầu của Hamas tại Tehran vào ngày 31/7. Còn Israel đã vấp phải sự lên án toàn cầu sau một cuộc tấn công vào khu phức hợp trường học nơi người Palestine đang trú ẩn vào thứ Bảy vừa qua, khiến hàng chục người thiệt mạng. Israel cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các chiến binh Hamas.

Mặc dù ông Biden đang triển khai những nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để làm dịu căng thẳng trong khu vực, nhưng tình hình ở Gaza dường như đang đi theo hướng sai lệch trong khi nhiệm kỳ tổng thống của ông chỉ còn khoảng 5 tháng nữa, mà cả Israel và Hamas đều được cho là đã đưa ra các yêu cầu mới trong những tuần gần đây.

Hamas cho đến nay đã từ chối tham gia các cuộc đàm phán vào ngày 15/8, cáo buộc Netanyahu thay đổi các tiêu chí trong các điều khoản ngừng bắn, và bày tỏ thái độ giận dữ trước chiến dịch quân sự của Israel vào cuối tuần qua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết hôm 13/8 rằng Qatar đã đảm bảo với Mỹ là “họ sẽ nỗ lực để có đại diện Hamas góp mặt”.

66bc1a9d85f54001c3427567.jpg
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buồng lái của máy bay chiến đấu F-15i. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Netanyahu, người đã xác nhận cử một phái đoàn tham gia các cuộc đàm phán, bác bỏ những tuyên bố của Hamas rằng họ đã đưa ra các điều khoản mới, mặc dù The New York Times đã xem xét các tài liệu dường như ủng hộ những tuyên bố đó.

Các cuộc đàm phán cũng bị ảnh hưởng bởi mối đe dọa của Iran về việc tiến hành một cuộc tấn công trả đũa Israel, và các nhà phân tích dự đoán Iran cùng các đồng minh của họ — đặc biệt là Hezbollah ở Liban — sẽ phối hợp tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn từ nhiều mặt trận, bao gồm máy bay không người lái và tên lửa.

Tuy nhiên, Iran cũng đang gửi tín hiệu rằng họ có thể hoãn lại việc trả đũa để ủng hộ các cuộc đàm phán ngừng bắn. 3 nguồn tin giấu tên của Iran nói với Reuters rằng chỉ có một lệnh ngừng bắn mới có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự vào Israel.

Ông Biden, khi phát biểu với các phóng viên hôm 13/8, cho biết ông hy vọng rằng Iran sẽ trì hoãn cuộc tấn công trả đũa để ủng hộ các cuộc đàm phán ngừng bắn: “Chúng ta sẽ xem Iran làm gì. Chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra”.

Brian Carter, quản lý danh mục đầu tư Trung Đông tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), cho rằng, bất kỳ sự ủng hộ nào của Iran đối với một lệnh ngừng bắn đều có khả năng nhằm chêm một cái nêm vào xã hội Israel trong khi ông Netanyahu bị xem là đang phá hỏng các cuộc đàm phán. Iran đang định vị mình là một chủ thể có trách nhiệm đang cố gắng tránh các hành động có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán hoặc leo thang thành một cuộc chiến quy mô hơn.

Screenshot 2024-08-14 at 18.35.49
Một cậu bé người Palestine tại trại tị nạn Maghazi ở trung tâm Dải Gaza, ngày 14/8. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, một cuộc tấn công của Iran vào Israel cũng được coi là cần thiết để tái thiết lập sự răn đe trong khu vực. Iran đã phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel vào tháng 4 để trả đũa cho việc Israel bị cáo buộc đã giết một chỉ huy cấp cao của Iran ở Syria.

“Câu hỏi để ngỏ ở đây là liệu Iran có ưu tiên tái lập sự răn đe của họ, hay liệu họ có ưu tiên khả năng tuyên bố chiến thắng ở Gaza, nếu Hamas có thể khiến Israel chấp nhận một lệnh ngừng bắn hay không”, Carter nói.

Biden đã ưu tiên đạt được một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong những tháng cuối cùng tại nhiệm, sau khi đạt được thành công lớn trong việc hồi hương 3 công Mỹ và một người mang thẻ xanh bị giam giữ trong các nhà tù của Nga trong một cuộc trao đổi tù nhân lịch sử vào đầu tháng này.

Theo The Hill, Phó Tổng thống Harris chắc chắn sẽ duy trì tính liên tục, kế thừa nhiều hơn so với cựu Tổng thống Trump khi xét đến chính sách Trung Đông của ông Biden, nhưng có thể có một số thay đổi ngay cả khi đảng Dân chủ vẫn ở lại Nhà Trắng.

Bà Harris đã phát tín hiệu rằng bà sẵn sàng có lập trường cứng rắn hơn trong việc chỉ trích trách nhiệm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về sự đau khổ lan rộng của người Palestine, mặc dù văn phòng của bà nói rằng bà phản đối việc cấm vận vũ khí để kiềm chế Israel.

Ông Trump đã ủng hộ việc giúp Israel kết thúc cuộc chiến nhanh nhất có thể, mặc dù không rõ ông hy vọng sẽ đạt được điều đó như thế nào. Ông Netanyahu được cho là thích ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa hơn bà Harris.

Ngay cả khi ông Biden dồn toàn bộ sức mạnh ngoại giao của mình vào việc đưa Israel và Hamas vào bàn đàm phán, cả Netanyahu và Yahya Sinwar, người ra quyết định chính của Hamas đang ẩn náu trong các đường hầm ở Dải Gaza, dường như có nhiều động lực để tiếp tục chiến tranh hơn là đồng ý ngừng bắn.

Ông Netanyahu đang chịu sức ép mạnh mẽ buộc giải phóng các con tin còn lại mà Hamas giam giữ kể từ cuộc tấn công khủng bố ngày 7/10/2023, nhưng ông đã quyết tâm xoá sổ Hamas và duy trì quyền kiểm soát an ninh của Israel ở Gaza — các điều khoản làm hài lòng các đối tác liên minh cực hữu của ông.

Và Sinwar, “kiến trúc sư” của cuộc tấn công ngày 7/10, có khả năng coi việc tiếp tục cuộc chiến là một cách để thúc đẩy các mục tiêu làm suy yếu Israel của mình.

“Sinwar không cảm thấy nhất thiết phải chịu áp lực bởi hành động của Israel để cam kết ngừng bắn ngay bây giờ”, Carter của AEI cho biết. “Tôi nghĩ rằng ông ấy hy vọng rằng tổ chức của mình, nếu không nhất thiết là ông ấy, sẽ sống sót sau cuộc chiến này ở một mức độ nào đó…”

Ông Biden, được hậu thuẫn bởi Ai Cập và Qatar, đã đề nghị cung cấp cho Israel và Hamas “một đề xuất cầu nối cuối cùng” để giải quyết những khoảng cách còn lại giữa hai bên về một khuôn khổ được ông Biden đưa ra vào cuối tháng 5 và được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tán thành.

Chúng tôi đã kêu gọi cả hai bên nối lại thảo luận khẩn cấp vào thứ Năm, ngày 15 tháng 8 tại Doha hoặc Cairo để đóng mọi khoảng cách còn lại và bắt đầu thực hiện thỏa thuận mà không trì hoãn thêm.

Tuyên bố chung của ông Biden cùng các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar được công bố vào tuần trước

Thỏa thuận ngừng bắn, theo các nguồn tin, nhằm mục đích cứu sống hàng chục con tin bị Hamas bắt giữ kể từ khi họ bị bắt cóc từ miền Nam Israel vào ngày 7/10 — bao gồm cả người Mỹ — và mang lại sự cứu trợ vô cùng cần thiết cho người Palestine ở Gaza đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc sau hơn 10 tháng chiến tranh.

Nhưng Tổng thống Mỹ cũng coi thỏa thuận này là chìa khóa để mở ra hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông, với tiềm năng hạ nhiệt toàn khu vực, ngăn chặn Iran và các đồng minh của họ tiến hành các cuộc tấn công tiềm tàng nguy cơ leo thang, mở đường cho người Palestine tự cai trị dân sự và tạo điều kiện thiết lập quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

“Liệu chính quyền Biden có đạt được kết quả thành công trong động thái cân bằng tinh tế này - sử dụng ngoại giao để đạt được lệnh ngừng bắn đồng thời cũng gửi thông điệp thông qua lời nói và hành động nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn và giúp Israel tự vệ — phụ thuộc phần lớn vào quyết định và hành động của các chủ thể chính trong khu vực, cụ thể là Israel, Iran, Hamas và Hezbollah”, Brian Katulis, chuyên gia cấp cao về chính sách đối ngoại của Mỹ tại Viện Trung Đông, đã viết trong một bản tóm tắt vào ngày 12/8.

“Những ngày tới có thể sẽ là thời điểm quyết định và có thể xác định liệu các cuộc đụng độ trong những tuần trước đó có bùng nổ thành một cuộc xung đột lớn hơn hay nhường chỗ cho một giải pháp ngoại giao. Dù thế nào đi nữa, hai tình trạng lâu nay đã gây khó khăn cho khu vực rộng lớn hơn này - vai trò của Iran và các đối tác khu vực của họ và sự thiếu vắng một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine - có khả năng sẽ còn kéo dài một thời gian” - Katulis dự đoán.

Hoàng Bách