Kinh tế

Nghệ An tìm cách gỡ vướng cho vùng dược liệu

Phú Hương 16/08/2024 12:35

Mặc dù đã triển khai từ năm 2021, nhưng Dự án “Đầu tư, phát triển cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025" chưa đem lại kết quả cao.

Sáng 16/8, tại thành phố Vinh, dưới sự chủ trì của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Thành Vinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phát triển diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cùng tham dự cuộc làm việc có bà Thái Hương - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á - Doanh nghiệp đã đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn các xã Mường Lống, Na Ngoi (Kỳ Sơn) cùng đại diện lãnh đạo 5 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Quỳ Châu.

toàn cảnh 2493
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu

Nhiều “điểm nghẽn”

Mặc dù đã triển khai từ năm 2021, nhưng Dự án “Đầu tư, phát triển cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021- 2025" chưa đem lại kết quả cao.

Ngày 26/7/2024, UBND tỉnh đã điều chỉnh nhiệm vụ và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với bộ Y tế, các sở, ban, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung đầu tư dự án, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Cuộc họp được tổ chức nhằm xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong triển khai tổ chức nội dung này.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế, các địa phương đã nêu những trăn trở, khó khăn trong triển khai thực hiện thời gian qua, trong đó, khó khăn nhất là vướng mắc tại các thông tư của Bộ Y tế quy định diện tích cần có để trồng cây dược liệu; chưa thật sự có định hướng rõ phát triển loại cây gì…

 Bà Võ Thị Nhung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu

Các sở, ngành, địa phương nêu lên một số đề xuất như: Nên phân bổ để một địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng giống tập trung, thống nhất; khảo sát nghiêm túc về tiềm năng thực tế của từng vùng, phù hợp với loại cây trồng gì từ đó đưa ra định hướng sản xuất cụ thể; cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, địa phương đóng vai trò đồng hành cùng phát triển; có kế hoạch cụ thể từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

đại biểu các huyện nêu ý kiến
Đại biểu các huyện nêu ý kiến. Ảnh: Hoài Thu

Cần sự đồng hành của doanh nghiệp

ba-thai-huong-tap-doan-th (1)
Bà Thái Hương - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH: Nông dân sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất cây dược liệu. Ảnh: Hoài Thu

Chia sẻ kinh nghiệm, nói về định hướng đầu tư phát triển dược liệu của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh, Anh hùng Lao động Thái Hương nêu rõ: Doanh nghiệp sẽ cung cấp, hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất và bao tiêu, chế biến sản phẩm nâng cao giá trị. Đất đai vẫn là của nông dân và nông dân sẽ trồng cây dược liệu trên chính đất đai của mình, đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị.

Trước hết, để có thể phát triển lâu dài và bền vững, chúng tôi sẽ tư vấn phương cách giúp bà con lấy ngắn nuôi dài, trồng những loại cây phù hợp tạo sinh kế trước mắt, nuôi rừng.

Đồng thời, từ sự phát triển bền vững cây dược liệu, có thể tính đến hướng đi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, tạo những điểm đến hấp dẫn vùng miền Tây tỉnh Nghệ An.

"Chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng lòng của tỉnh Nghệ An, các ban, ngành, địa phương liên quan và đặc biệt là của những người nông dân vùng miền núi. Chúng ta sẽ cùng nhau làm một cuộc cách mạng, phát triển kinh tế rừng, phát triển bền vững cây dược liệu, mang lại giá trị bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng miền núi”, Anh hùng Lao động Thái Hương cho biết.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phùng Thành Vinh nhấn mạnh: Việc thực hiện đề án nhằm mục tiêu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý, hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gene dược liệu đảm bảo quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, kết hợp với việc bảo vệ rừng; đồng thời, khai thác phát huy tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân miền núi.

Chủ trì toàn cảnh 2497
Đồng chí Phùng Thành Vinh phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu
uploaded-phuhuongbna-2022_05_08-_bna__pct_ktra_duoc_lieu_th_anh_tl_lu_phu1787368_852022.jpeg
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình phát triển cây dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

Để có thể thực hiện thành công chủ trương này, rất cần sự vào cuộc thực sự của các địa phương, đơn vị, sự tham gia đóng vai trò chủ đạo của doanh nghiệp lớn, đủ tầm để phát triển và tiêu thụ sản phẩm. “Các địa phương phải thực sự bám sát địa bàn, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Khi địa phương tâm huyết, doanh nghiệp có tiềm lực và tầm nhìn, thì mặc dù khó khăn nhưng chúng ta có thể triển khai thực hiện thành công”, đồng chí Phùng Thành Vinh nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện cung cấp đầy đủ số liệu cụ thể về diện tích đất đai của địa phương và các nội dung liên quan, để xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể ở từng vùng, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp các vấn đề khó khăn để có cơ sở kiến nghị, đề xuất giải quyết và tháo gỡ.

Phú Hương