Xã hội

Ngày Vu Lan nói về chữ hiếu trong thời hiện đại

Thanh Nga 17/08/2024 16:54

Đã từ lâu, lễ Vu Lan trở thành một ngày lễ lớn và mang ý nghĩa quan trọng trong năm. Lễ Vu Lan giúp chúng ta có dịp đền đáp công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ. Chính ngày này cũng thể hiện rõ nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây là dịp để những người con báo hiếu, báo ân tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính với họ.

Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An.

Thầy Thọc Lạc 1
Hòa thượng Thích Thọ Lạc.

Hiếu thảo là gốc trong lễ nghĩa Phật giáo

P.V: Hiếu hạnh là gốc đầu tiên của lễ nghĩa trong Phật giáo. Thưa Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Hòa thượng có thể khái quát vài nét về sự ra đời của ngày lễ Vu Lan theo quan niệm của đạo Phật?

uploaded-thanhngabna-2023_08_29-_bna-le-bong-hong-cai-ao-trong-mua-vu-lan-la-de-nguoi-duoc-cai-bong-trang-khong-quen-cha-me-minh-da-khuat-anh-hai-vuong-8810.jpg
Lễ Vu Lan là dịp để những người con báo hiếu, báo ân tổ tiên, bày tỏ lòng thành kính với cha mẹ. Ảnh: tư liệu

Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Tại sao gọi ngày Rằm tháng 7, ngày Vu Lan là ngày hiếu? Bởi vì Rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chư Tăng. Trong ngày này chư Phật đều vui vẻ, mười phương tăng chúng hội tụ về. Chúng ta nguyện cầu cho cha mẹ, thân bằng quyến thuộc sống thì an lạc, chết được siêu thăng về cảnh giới lành. Trong kinh Phật có nói rằng: “Thiên kinh vạn quyển, hiếu nghĩa vi tiên”, dù tu đạo nào, dù có học hay không học, hiếu là gốc, hiếu là trên trước, hiếu là tất cả.

Hay Đức Phật từng dạy: Tâm hiếu là tâm Phật, hành hiếu là hành Phật. Tâm của con người hiếu thảo là tâm của Đức Phật. Là con người thì phải tròn đạo hiếu, phải nhớ ân nghĩa và đền trả những ân nghĩa ấy. Trong tất cả các ân nghĩa, có thể nói lớn lao nhất là ân nghĩa cha mẹ.

uploaded-thanhngabna-2023_08_30-_bna-5-7559-1760.jpeg
Một nghi thức tại Lễ Vu lan báo hiếu ở cơ sở thờ tự. Ảnh: tư liệu

Trong truyền thuyết của Phật giáo, Mục Kiền Liên thấy mẹ đói khát, cơm dâng thì không dùng được ngài rất đau khổ. Ngài chỉ còn cách là trở về trình với đức Thế Tôn, mong Phật từ bi chỉ cho phương thức để cứu mẹ. Đức Thế Tôn thương xót chỉ bày nhân ngày Tự Tứ, chư Tăng đồng tụ hội, nên sắm lễ trai tăng dâng lên cúng dường. Nhờ sức gia trì của thập phương tăng, mẹ của Mục Kiền Liên liền được thoát khỏi loài ngạ quỷ, thác sanh về cõi Trời. Nhờ thế, Tôn giả cứu được mẹ. Từ đó, ngày Rằm tháng Bảy, chư Tăng ni, Phật tử thường tổ chức lễ Vu Lan, là lễ cứu mẹ.

Câu chuyện truyền thuyết ấy nó rất phù hợp với tâm tư và hiếu nghĩa của các giai tầng trong xã hội Việt Nam. Và vì vậy, lễ Vu Lan báo hiếu nó có từ lâu, nó tồn tại trong nền văn minh của người Việt Nam nói chung và người Nghệ nói riêng.

Làm cho cha mẹ yên lòng cũng chính là cách thể hiện đạo hiếu

P.V: Thưa Hòa thượng, hiếu nghĩa đời nào cũng có giá trị đương thời, vậy những giá trị đó lan tỏa trong đời sống xã hội hôm nay như thế nào?

Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Làm một con người trưởng thành trong hoàn cảnh cha mẹ đầy đủ, gia đình tương đối có phương tiện cho chúng ta học hành, đi đây, đi đó để mở rộng tầm nhìn, để hiểu biết và xây dựng cuộc đời, như thế là hạnh phúc lắm. Trong xã hội có rất nhiều người mong một chút tình thương của cha, của mẹ, đôi khi không được. Vậy nên, khi cha mẹ còn khỏe mạnh chúng ta làm cho cha mẹ yên lòng đó cũng chính là một cách hiếu kính. Hơn nữa hiểu rộng ra, hiếu kính với cha mẹ chính là ta luôn tu dưỡng, rèn luyện, luôn sống có đạo đức văn minh; là thành danh, thành đạt bằng năng lực và trí tuệ của bản thân.

uploaded-huythubna-2019_08_11-_bna_42383623_1182019.jpg
Những ngày này khắp các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh: tư liệu của Huy Thư

Sách xưa có dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”. Nghĩa là nếu chúng ta sinh ra trong đời không có Phật thì chính cha mẹ hiện đời chúng ta là Phật. Câu nói này nhằm nhắc nhở chúng ta, đừng quên ơn sâu dày đối với song thân. Theo tôi một người ở trong gia đình là một người con hiếu kính cha mẹ như Phật thì người đó đã tu theo tinh thần của đạo Phật rồi.

Xét theo điều kiện xã hội hiện đại ngày nay, tùy theo hoàn cảnh, mà vấn đề phụng dưỡng cha mẹ sẽ được thực hiện trọn vẹn theo cách riêng của từng người, từng gia đình. Chúng ta khéo léo sắp xếp để có thể giúp đỡ, phụng dưỡng, lo cho cha mẹ yên ổn, no ấm, giúp cha mẹ có phương tiện tiêu dùng trong cuộc sống mà không phải mặc cảm tuổi già sức yếu, chứ không nhất thiết cứ ở bên cha mẹ mới là hiếu kính. Tuy nhiên, khi các bạn trẻ đi học tập công tác ở xa chúng ta phải thường xuyên hỏi han, thăm nom cha mẹ, để cho cha mẹ yên lòng, đó cũng là cách mà chúng ta quan tâm cha mẹ. Bởi thời đại ngày nay con cái thường tung cánh bay đi muôn phương, họ đem tri thức học vấn của mình để xây dựng cho đời, cho bản thân, cho gia đình. Và chính việc thành danh và cả sự tử tế của họ cũng là điều mà cha mẹ hằng mong muốn và xây đắp trong suốt cuộc đời. Cho nên đó cũng là cách mà con cái báo đáp cha mẹ.

P.V: Tuần lễ Vu Lan báo hiếu càng ngày càng được người dân đón đợi tham gia, theo Hòa thượng đây có phải là một nét văn hóa đã ăn sâu trong đời sống của người dân và đang có xu hướng ngày càng phát triển?

Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên. Lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt, là cuộc lễ mang đậm nét nhân văn, làm rạng rỡ đạo lý đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.

Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ 1 ngày mà còn diễn ra cả tuần, thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ cụ già cho đến các bạn trẻ đều hưởng ứng, từ việc dọn dẹp, trang trí buổi lễ một cách tự nguyện, cống hiến và vui tươi nhất. Không chỉ có người trưởng thành, người già mà các bạn trẻ cũng hưởng ứng một cách sâu sắc. Không chỉ người trong tỉnh mà du khách trong ngoài tỉnh cũng tham gia.

Không phải mâm cao cỗ đầy mới là hiếu kính

P.V: Cũng trong thời đại ngày nay có hiện tượng nhiều gia đình lập đàn tế lễ rình rang, họ mong muốn với những mâm cao, cỗ đầy sẽ giúp họ gửi gắm được nhiều sính lễ cho ông bà, tổ tiên, các bậc sinh thành. Cũng có những gia đình vì bất an trong đời sống thông qua sính lễ mong muốn ông bà, tổ tiên phù hộ độ trì cho họ bớt những tai ương. Hòa thượng đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

uploaded-huythubna-2019_08_11-_bna_75034364_1182019.jpg
Thực hiện nghi thức bông hồng cài áo tại Lễ Vu Lan. Ảnh: tư liệu của Huy Thư

Hòa thượng Thích Thọ Lạc: Đúng là rất nhiều con nhang đệ tử ngày nay đã quá cầu kỳ về sính lễ, họ quen với quan niệm trần sao âm vậy nên chuẩn bị cỗ lễ rình rang để thể hiện sự hiếu kính và kỳ vọng của mình, nhưng như vậy là không cần thiết. Ông bà, cha mẹ chúng ta không cần nhiều như thế, mâm cao cỗ đầy cũng không chứng tỏ được là bạn hiếu kính; càng không thể giải hạn ách tai ương cho bạn được. Thế nên, mâm cỗ chỉ là hình thức, hoàn toàn không mang ý nghĩa sâu sắc về chữ hiếu.

Hơn nữa, Phật giáo là của mọi nhà, trong kinh đạo Phật không có mục nào, điều khoản nói về việc phải soạn bàn cái lễ này, lễ kia để tương ứng với việc tâm linh của chính chủ. Lễ Vu Lan báo hiếu là việc làm mà mọi người, mọi nhà ai ai cũng có thể được an vui khi thực hiện nghi lễ này dù lễ to hay lễ nhỏ.

Vì từ xa xưa chúng ta đã biết, ông bà ta chỉ có lễ bạc nhưng luôn thấy an tâm vì cha mẹ, ông bà ở cõi âm đã hiểu được lòng thành. Vì thế, chúng ta chỉ cần tâm thành ắt mâm cỗ dù giản đơn cũng sẽ được ông bà chứng giám.

PV: Xin cảm ơn Hòa thượng!

Thanh Nga