Tổng thống Belarus: Ukraine đang khiêu khích Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tin rằng, Kiev có thể đã phát động cuộc tấn công ở Kursk để khiêu khích một phản ứng mạnh mẽ của Moskva.
Theo hãng tin RT, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko mới đây đã phát biểu rằng, việc Ukraine xâm nhập vào lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga dường như là một âm mưu nhằm buộc Moskva sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông, điều này sẽ gây tổn hại không thể khắc phục được cho hình ảnh của Nga trên toàn cầu.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn với kênh Russia-1 phát sóng vào hôm 18/8, Lukashenko cảnh báo rằng chiến dịch của Kiev ở khu vực Kursk - cuộc tấn công xuyên biên giới lớn nhất của Kiev kể từ khi xung đột bùng nổ - đặt ra những nguy cơ lớn đối với an ninh toàn cầu.
“Mối nguy ở đây là kiểu leo thang này từ phía Ukraine có thể là một âm mưu hòng đẩy Nga vào các hành động bất đối xứng, chẳng hạn như việc sử dụng vũ khí hạt nhân” - nhà lãnh đạo Belarus cho biết. Ông nói thêm rằng, một động thái như vậy sẽ mang lại lợi ích truyền thông lớn cho cả Kiev và các nước phương Tây ủng hộ Ukraine.
“Khi đó, có lẽ chúng ta sẽ hầu như không còn đồng minh nào nữa. Sẽ không có quốc gia nào còn tỏ ra đồng cảm” - ông lưu ý, lý giải rằng phản ứng này sẽ xuất phát từ sự phản đối phổ quát đối với hậu quả mà vũ khí hạt nhân có thể gây ra.
Ông Lukashenko cũng phản hồi về các tuyên bố của quan chức Ukraine rằng cuộc tấn công ở Kursk nhằm cải thiện vị thế ngoại giao của Kiev trong các cuộc đàm phán tiềm tàng với Nga.
Ông cho rằng, kế hoạch này "có tính cổ điển, nhưng không hiệu quả trong cuộc đấu tranh với một đế chế lớn, vốn chưa thực sự bắt đầu chiến đấu nghiêm túc", và ông chắc chắn rằng, cuối cùng người Ukraine sẽ bị đẩy lùi khỏi vùng Kursk.
Theo học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga, nước này chỉ có thể triển khai kho vũ khí hạt nhân của mình “để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga hoặc đồng minh của Nga, và còn trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường khi sự tồn vong của nhà nước bị đe dọa”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần khẳng định rằng, không cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch ở Ukraine. Moskva đã cảnh báo, họ có thể thay đổi học thuyết hạt nhân của mình, nhưng cho biết bất kỳ thay đổi nào sẽ là phản ứng trước điều mà họ xem là các động thái leo thang từ phía NATO.