Trung Quốc phụ thuộc thế nào vào công nghệ trí tuệ nhân tạo của Mỹ?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình tương lai của thế giới, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc dẫn đầu trong cuộc đua này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc nhiều vào các công nghệ AI do Mỹ phát triển.
Hãng tin Reuters mới đây cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang lên kế hoạch đặt ra các quy định chặt chẽ đối với các mô hình AI do Mỹ phát triển như ChatGPT để bảo vệ công nghệ này không rơi vào tay của các quốc gia như Trung Quốc và Nga.
Tuy nhiên, trong năm qua Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng ngành công nghiệp AI nội địa của riêng mình và yêu cầu các công ty trong nước tránh sử dụng công nghệ nước ngoài.
Trung Quốc có dễ dàng tiếp cận các mô hình AI tiên tiến của Mỹ hay không?
Các mô hình AI quan trọng do công ty phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ phát triển như ChatGPT và công cụ tạo hình ảnh DALL-E chưa được triển khai chính thức ở Trung Quốc đại lục. Theo đó, một phát ngôn viên của OpenAI cho rằng, công ty chưa thể triển khai các mô hình AI này ở một số quốc gia trong đó có Trung Quốc do những quy định chặt chẽ của các chính phủ.
Mặc dù, OpenAI chưa công bố thông tin chi tiết về lý do cụ thể khiến họ không thể triển khai các dịch vụ AI ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, lý do có thể là do các quy định pháp lý chặt chẽ về việc sử dụng và phát triển công nghệ AI của Chính phủ Trung Quốc hoặc lo ngại về vấn đề an ninh mạng.
Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty và kỹ sư của Trung Quốc đã truy cập vào các dịch vụ của OpenAI bằng các công cụ máy chủ proxy như mạng riêng ảo (VPN) để che giấu địa chỉ mạng của họ.
Do vậy, nhiều công ty Trung Quốc đã có thể xây dựng phần mềm và ứng dụng trên nền tảng các mô hình của OpenAI. Các công ty Trung Quốc cũng thường xuyên đánh giá các mô hình AI của riêng họ so với các mô hình của OpenAI.
Trước tình trạng đó, OpenAI đã chặn quyền truy cập của các công ty Trung Quốc vào dịch vụ của mình. Tháng 12 năm ngoái, OpenAI đã tạm dừng tài khoản của ByteDance, công ty mẹ của TikTok, sau khi trang web công nghệ The Verge báo cáo rằng ByteDance đã sử dụng công nghệ của OpenAI để phát triển AI của riêng mình.
Ở Hồng Kông, đặc khu hành chính của Trung Quốc, việc truy cập vào các mô hình AI của OpenAI cũng bị hạn chế nhưng không hoàn toàn bị chặn. Mặc dù các dịch vụ của OpenAI không có sẵn ở đó, nhưng Microsoft, một nhà đầu tư và đối tác của OpenAI đã công bố Copilot, một dịch vụ AI thế hệ mới được xây dựng dựa trên công nghệ mới nhất của OpenAI. Bằng cách hợp tác với Microsoft, các công ty ở Hồng Kông cũng có thể truy cập vào các mô hình AI của OpenAI.
Trung Quốc có tự chủ hoàn toàn trong việc phát triển công nghệ AI hay không?
Theo các nguồn tin nói với Reuters rằng, Bộ Thương mại Mỹ đang nhắm vào việc kiểm soát xuất khẩu các mô hình AI độc quyền hoặc nguồn đóng, trong đó phần mềm và dữ liệu huấn luyện được giữ bí mật. Các mô hình nguồn mở sẽ nằm ngoài phạm vi kiểm soát xuất khẩu.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang phụ thuộc nhiều vào các mô hình nguồn mở được phát triển ở phương Tây, chẳng hạn như “Llama” - một mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được phát triển bởi Meta AI, một phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook).
Vào tháng 3 vừa qua, Viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, một phòng thí nghiệm nghiên cứu cao cấp, được truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời tuyên bố rằng phần lớn các mô hình AI do Trung Quốc sản xuất thực chất được xây dựng dựa trên các mô hình Llama của Meta AI và đây là một thách thức then chốt đối với sự phát triển AI của Trung Quốc.
Viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh đã báo cáo với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường vào thời điểm đó rằng, Trung Quốc đang “thiếu nghiêm trọng tính tự chủ” trong lĩnh vực này.
Tháng 11 năm 2023, 01.AI, một trong những công ty kỳ lân AI nổi tiếng nhất Trung Quốc do cựu giám đốc điều hành Google Lee Kai-fu thành lập đã phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội sau khi một số kỹ sư AI phát hiện ra rằng, mô hình AI Yi-34B của họ được xây dựng dựa trên hệ thống Llama của Meta AI.
Tuy nhiên, một số lượng lớn các công ty công nghệ Trung Quốc như Baidu, Huawei và iFlytek đang nỗ lực phát triển các mô hình AI “hoàn toàn độc quyền” của riêng họ. Thậm chí, một số công ty tuyên bố rằng các mô hình AI của họ có thể sánh ngang với mô hình GPT-4 mới nhất của OpenAI trong một số lĩnh vực.
Trung Quốc có quan hệ như thế nào với các mô hình AI của Mỹ?
Với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy sự phát triển độc lập của công nghệ AI, chính quyền Trung Quốc đang tập trung vào việc xây dựng các mô hình AI mà họ có thể kiểm soát một cách chủ động, không phụ thuộc vào nước ngoài.
Tờ China Daily, một tờ báo do nhà nước hậu thuẫn, cho biết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc vào tháng 2 năm ngoái rằng, ChatGPT “có thể hỗ trợ cho Chính phủ Mỹ trong việc lan truyền thông tin sai lệch và thao túng các câu chuyện toàn cầu vì lợi ích địa chính trị của riêng họ”.
Trung Quốc cũng chủ động ban hành các quy định về việc sử dụng AI tạo sinh, yêu cầu các dịch vụ phải được chính phủ phê duyệt trước khi công bố rộng rãi. Tính đến tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đã phê duyệt hơn 40 mô hình AI để sử dụng công khai nhưng không có mô hình nào trong số đó là của nước ngoài.
Tháng 4 năm ngoái, một quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông cũng cho biết, thành phố này không có kế hoạch cho phép sử dụng ChatGPT trong chính quyền địa phương.
Thay vì khuyến khích công nghệ AI của Mỹ, chính quyền Trung Quốc tập trung vào việc so sánh trình độ phát triển AI của nước mình với Mỹ, từ đó xác định những điểm yếu cần cải thiện để rút ngắn khoảng cách.