Giá keo tăng nhưng sản phẩm từ gỗ keo ở Nghệ An khó tiêu thụ
Một nghịch lý đang xảy ra là giá keo ở Nghệ An tăng mạnh, trong khi các sản phẩm từ gỗ keo như viên nén gỗ, ván keo, gỗ ghép thanh lại rất khó tiêu thụ, nhiều nơi đang tồn kho.
Đại diện Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại gỗ Thanh Chương ở xã Thanh Hương (Thanh Chương) cho biết: Nhà máy sản xuất gỗ viên nén với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 350 tỷ đồng, đi vào hoạt động từ năm 2021, công suất giai đoạn 1 của nhà máy là 150.000 tấn/năm.
Từ khoảng tháng 5/2024 đến nay, viên nén xuống giá, đầu ra khó khăn. Trước đây, cao điểm giá đạt 200 USD/tấn, thời điểm này chỉ 130-140 USD/tấn, mặt hàng viên nén chủ yếu xuất thị trường Nhật Bản. Do khó khăn đầu ra nên đến thời điểm này, đơn vị đang tồn kho với khối lượng lớn trên 25.000 tấn viên nén. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng viên nén ở Nhật Bản thấp, do đó, giá cả xuống thấp và khó tiêu thụ.
Hiện đơn vị đang hoạt động cầm chừng để giữ lao động, ứng phó với khó khăn trên, đồng thời, nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới ở thị trường Nhật Bản và một số đối tác khác.
Một cơ sở chuyên chế biến ván bóc keo ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: Khoảng 3 tháng trở lại nay sản phẩm chế biến từ gỗ keo tụt giảm sâu. Sản phẩm ván bóc keo trước đây bán cho thị trường nội địa và xuất bán Hàn Quốc với giá 3,1 triệu đồng/m3, thì nay giảm chỉ còn 2,8-2,9 triệu đồng/m3.
Giá thấp lại khó tiêu thụ nên hiện nay xưởng của chúng tôi hoạt động cầm chừng, trước đây mỗi ngày chế biến trên 50 tấn gỗ keo/ngày thì nay chỉ sản xuất 10-15 tấn/ngày nhằm giữ chân công nhân.
Qua tìm hiểu cho thấy địa bàn tỉnh hiện có khá nhiều các cơ sở nhỏ lẻ chuyên sản xuất ván bóc keo nhưng do khó tiêu thụ nên có một số cơ sở đã phải dừng sản xuất. Như cơ sở chế biến bóc ván keo ở xã Nam Sơn, huyện Đô Lương và cơ sở chế biến bóc ván keo ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành được đầu tư hệ thống máy móc hàng tỷ đồng nhưng nay đều đã phải “đắp chiếu”.
Cùng tình cảnh trên, Công ty TNHH MTV Lâm Nông nghiệp Sông Hiếu hiện đang tồn kho trên 500 m3 các loại sản phẩm gỗ, hàng tồn kho chủ yếu là các loại gỗ ghép thanh, phôi gỗ xuất đi các nước châu Âu. Đại diện đơn vị này cho biết: Xuất khẩu gặp khó, hiện nay, doanh nghiệp đang phải tìm kiếm thị trường mới trong nước nhưng cũng rất khó khăn.
Giá keo ở Nghệ An tăng mạnh đạt gần 1,4 triệu đồng/tấn, trong khi các sản phẩm từ gỗ keo như viên nén gỗ, ván keo, gỗ ghép thanh lại rất khó tiêu thụ. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân giá keo tăng là do thị trường dăm gỗ xuất bán cho thị trường Trung Quốc rất dễ tiêu thụ, địa bàn Nghệ An, Thanh Hóa nhiều cơ sở thu mua keo với giá cao để băm dăm.
Trong khi mặt hàng viên nén gỗ, ván keo, gỗ ghép thanh xuất khẩu đi các nước nhu cầu tiêu thụ thấp nên xảy ra tình trạng tồn kho. Chưa kể một phần do sản phẩm chế biến gỗ ở Nghệ An chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu nên cũng ứ đọng.
Theo các nhà chuyên môn, để các sản phẩm chế biến gỗ ở Nghệ An dễ tiêu thụ thì cần đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn FSC, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần phải đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ hiện đại, cải tiến mẫu mã, chất lượng, công nghệ và xây dựng thương hiệu sản phẩm với chất lượng cao và giá cả phù hợp nhằm cạnh tranh thị trường xuất khẩu...