Xây dựng Đảng

Bài 2: Đổi mới nếp nghĩ, cách làm

Nhóm phóng viên 23/08/2024 10:29

Việc huyện nghèo diện 30a Tương Dương đưa Đề án số 07-ĐA/HU đi vào cuộc sống được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá nhằm “xây dựng ý chí khát vọng vươn lên” trong nhân dân hướng tới mục tiêu “đưa Tương Dương thoát khỏi huyện nghèo và phát triển bền vững”. Đề án đã thổi “luồng gió mới” tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống chính trị.

tieu-de-bai-2.jpg

Nhóm phóng viên • 22/08/2024

Tit phu 1 - bai 2

Chúng tôi (P.V) lên với xã biên giới Tam Hợp (Tương Dương) dịp cuối Hạ, ấy nhưng cái nắng nóng dịu hẳn đi bởi màu xanh của những ruộng lúa, nương cỏ voi, đồi dứa, vườn nghệ đỏ, bo bo, sắn cao sản, sâm 7 lá 1 hoa…

mo-hinh-sam-bay-la-mang-lai-gia-tri-kinh-te-cho-cac-ho-dan-o-ban-pha-lom.anh-gia-huy(1).jpg
Mô hình trồng sâm 7 lá 1 hoa mang lại giá trị kinh tế cho các hộ dân ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương). Ảnh: K.L

Ghé thăm trang trại của ông Xồng Nhìa Lỳ (60 tuổi), trú bản Phá Lõm ở khe Chà Lạt, từ xa đã nghe tiếng leng keng vui tai của những chiếc lục lạc đeo trên cổ đàn trâu, bò đang về núi.

Đặt gùi cỏ voi trên vai xuống, "triệu phú nông dân” này vui vẻ cho biết, trang trại của ông hiện có hơn 20 con trâu, bò, đàn dê gần chục con, đàn gia cầm 60 con, 1 ha nghệ đỏ, 1 ha sắn, 2 ao nuôi cá trắm cỏ, rô phi…, cho thu nhập bình quân chừng 100 triệu đồng/năm.

img_1627.jpg
Ông Xồng Nhìa Lỳ, ở bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (Tương Dương) tiên phong trong phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: K.L

“Khi bắt tay gây dựng trang trại vào năm 2022, gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được BĐBP và địa phương giúp đỡ kéo dây điện, hỗ trợ con giống, tập huấn khoa học, kỹ thuật… tôi đặt quyết tâm phải thoát nghèo”, ông Xồng Nhìa Lỳ chia sẻ.

Hiện các con trai của ông cũng theo bố làm trang trại, không ai phải rời quê đi làm ăn xa.

Ở bản người Mông Phá Lõm, bà con còn bày tỏ sự nể phục tấm gương “tuổi cao chí càng cao” của ông Xồng Bá Cở (62 tuổi), với mô hình trồng 150 gốc đào cảnh, nuôi 12 con bò, thêm 8 sào ruộng nước, 6 sào nghệ đỏ…

Nói về quyết tâm thoát nghèo, ông Xồng Bá Cở bộc bạch: “Mình là Bộ đội Cụ Hồ, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản phải “nói đi đôi với làm” thì hội viên, nhân dân mới tin, mới nghe! Nếu mình cứ chịu nghèo thì làm sao mà tuyên truyền cho mọi người làm ăn thoát nghèo được!”.

Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ bản Phá Lõm Xồng Bá Giày phấn khởi cho hay: “Trước đây bà con chưa biết cách phát triển kinh tế hộ, nay được cấp ủy, chính quyền kiên trì “cầm tay chỉ việc”, định hướng phát triển cây, con phù hợp, dân bản đã có nhiều đổi thay trong nếp nghĩ, cách làm. Cuộc sống tuy chưa hết vất vả nhưng đã khá hơn nhiều. Hiện bản đã đạt 11/13 tiêu chí nông thôn mới.

Tam Hợp là xã biên giới có 4 dân tộc Mông, Thái, Tày Poọng và Kinh cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Xác định chỉ khi tinh thần tự lực, dám nghĩ, dám làm của người dân được nâng lên, mới giảm nghèo một cách bền vững, Đảng bộ xã Tam Hợp đã ban hành Nghị quyết số 21 về xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, trong đó, yêu cầu nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.

duong-vao-xa-tam-hop-huyen-tuong-duong.-anh-gia-huy.jpg
Đường vào xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Ảnh: Gia Huy

Ông Nguyễn Phi Thanh - Chủ tịch UBND xã Tam Hợp trao đổi: Trước hết, chúng tôi tập trung thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, thành lập các tổ công tác trực tiếp phụ trách các thôn, bản để thực hiện các tiêu chí giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, toàn xã xuất hiện nhiều mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao như các mô hình: Trồng sâm 7 lá 1 hoa, trồng bo bo dưới tán rừng, trồng nghệ đỏ; đặc biệt, mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cá mát) triển khai ở 5/5 bản được nhiều địa phương trong và ngoài huyện đến học tập, nhân rộng… Đến nay, xã Tam Hợp đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới, được công nhận là xã sạch ma túy.

nguoi-dan-ban-pha-lom-xa-tam-hop-cay-lua-1-.jpg
Người dẫn xã Tam Hợp (Tương Dương) trồng lúa nước. Ảnh: K.L

Tại xã Lượng Minh, để đưa Đề án 07 của Huyện ủy Tương Dương về “xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân” vào cuộc sống, Đảng bộ xã yêu cầu mỗi đảng ủy viên chọn chỉ đạo một mô hình phù hợp với từng thôn, bản; kết hợp “dân vận khéo” với tuyên truyền, vận động phát huy vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Nhờ vậy, nhân dân trong các thôn, bản đã tích cực đóng góp kinh phí mua cát, sỏi, bỏ ngày công, tự nguyện chặt cây, tháo dỡ hàng rào, hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, phong trào làm đường vào các khu sản xuất cũng được người dân nhiệt tình hưởng ứng.

duong-vao-khu-san-xuat-khe-la-ban-la-xa-luong-minh-voi-tong-chieu-dai-4-2k-km..jpg
Đường vào khu sản xuất Khe Lạ, bản Lạ (xã Lượng Minh) với tổng chiều dài 4,2 km. Ảnh: Đ.C

Cuối năm 2023, nhân dân bản Lạ, xã Lượng Minh đã cùng nhau xây dựng, mở rộng đường sản xuất vào Khe Lạ với tổng chiều dài 4,2 km. Ông Lô Văn Hiến - Trưởng bản Lạ cho biết: Cùng với máy móc được huy động, bà con đã góp ngày công hoàn thành tuyến đường trong vòng 5 tháng.

Nếu như trước đây, vì đường vận chuyển xa, đi lại vất vả nên nông sản do bà con làm ra thường bị các thương lái ép giá, thì hiện nay, thời gian vận chuyển được rút ngắn, sản phẩm bán được giá hơn, ai nấy đều phấn khởi!

nhieu-ho-dan-tai-ban-la-xa-luong-minh-trien-khai-mo-hinh-nuoi-dui-buoc-dau-thanh-cong-1.jpg
Nhiều hộ dân tại bản Lạ, xã Lượng Minh triển khai mô hình nuôi dúi bước đầu thành công. Ảnh: Đ.C

Ông Vi Hồng Dương - Bí thư Đảng ủy xã Lượng Minh cho biết: Trước đây khi chưa có Đề án 07 của Huyện ủy, nhắc đến xã Lượng Minh người ta chỉ nghĩ đến đói nghèo và điểm nóng về ma túy. Tuy nhiên, hiện nay, với sự vào cuộc tích cực của cán bộ, sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, bộ mặt xã đã có nhiều sự thay đổi, rõ nhất là người dân đã hiểu trách nhiệm và quyền lợi của mình trong xây dựng nông thôn mới và chủ động góp sức, góp công cùng thôn, bản xây dựng các công trình dân sinh, mở đường vào khu sản xuất.

Nhờ vậy, 3 năm qua, xã có 7 bản đạt từ 7 - 10 tiêu chí, 2 bản đạt từ 10 - 13 tiêu chí.

Hiện cả hệ thống chính trị tập trung xây dựng đưa bản Xốp Mạt về đích nông thôn mới, đến nay, bản đã đạt 14/15 tiêu chí...

nguoi-dan-ban-tam-lien-xa-tam-quang-tich-cuc-trong-met-nang-cao-thu-nhap1.jpeg
Người dân bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương) tích cực trồng mét nâng cao thu nhập. Ảnh: G.H

Xã Tam Quang là đơn vị về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Tương Dương, nhưng không vì thế mà cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây tự bằng lòng.

Khi có Đề án số 07 của Huyện ủy về xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, Đảng ủy xã đã chủ động xây dựng Kế hoạch số 67 để triển khai thực hiện, tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với phát động phong trào thi đua về thực hiện nêu gương, nói đi đôi với làm, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, xây dựng ý chí tự lực, tự cường trong cán bộ đảng viên và nhân dân.

Cấp ủy, chính quyền xã Tam Quang cũng triển khai các chương trình, kế hoạch sát với tình hình thực tế ở địa phương. Đặc biệt, phát huy thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp.

Hiện tại, toàn xã có 687 ha tre, mét, 1.300 ha keo, trong đó có 266 ha trồng mới. Bên cạnh trồng rừng, người dân xã Tam Quang đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, gia cầm mở rộng diện tích ao nuôi trồng thủy sản lên 13,6 ha.

Xã Tam Quang còn tập trung chỉ đạo nhân dân không để ruộng bỏ hoang; khai thác triệt để diện tích đất đồi, đất bằng, đất bãi ven sông, ven khe vào sản xuất các loại rau màu và cây trồng khác có giá trị kinh tế cao phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng và dễ lưu thông trên thị trường.

Ông Hồ Xuân Tuyến - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang cho biết: Chuyển biến trong thực hiện Đề án số 07-ĐA/HU không chỉ thể hiện trong tư duy mà cả trong hành động, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ từ xã, xóm đã lan tỏa đến người dân.

Nhiều thôn, bản tự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: làm sân vận động, lắp hệ thống điện mặt trời; đặt cống thoát nước; sửa chữa nhà văn hóa… tạo sự bứt phá trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

98111bb37890dcce8581(1).jpg
Một góc bản biên giới Tùng Hương, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: K.L

Hiện xã Tam Quang cơ bản đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 43,2 triệu đồng lên 48,1 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 228 hộ (11,3%), xuống còn 195 hộ (9,6%).

mot-goc-lang-mo-xa-tam-quang.jpg
Một góc làng Mỏ, xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Đ.C
Tit phu 2 - bai 2

Theo lãnh đạo Huyện ủy Tương Dương đánh giá, Đề án 07-ĐA/HU có sự tiếp nối, kế thừa, phát triển và mở rộng Đề án 07-ĐA/TU năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như một số nhiệm vụ quan trọng đặt ra ở các kỳ đại hội trước đây của huyện chưa được giải quyết triệt để. Qua đó, nhằm tạo chuyển biến từ nhận thức, tư duy đến hành động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cấp.

Theo đó, huyện yêu cầu mỗi tổ chức cơ sở Đảng đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, tăng cường thực hiện hiệu quả việc nêu gương, yêu cầu mỗi đảng viên gắn với mô hình phụ trách hộ gia đình về xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; lấy kết quả thực hiện làm một trong những căn cứ đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng hằng năm.

Để đưa đề án vào cuộc sống, trước hết, huyện tập trung đổi mới, nâng cao công tác cán bộ; tăng cường sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức theo vị trí việc làm; tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp xã không phải là người địa phương.

Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện nghiêm túc quy chế của cấp ủy với phương châm tăng cường “hướng về cơ sở” nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh tại các địa phương.

Trên lĩnh vực kinh tế, huyện đẩy mạnh chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát huy tính sáng tạo trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiến kế xây dựng nông thôn mới; xây dựng, củng cố hệ thống hạ tầng làm thay đổi diện mạo miền núi, nhất là về giao thông, chú trọng phát triển sản xuất, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Độ che phủ rừng tương dương đạt trên 72%. Ảnh xuân hoàng
Độ che phủ rừng của huyện Tương Dương đạt trên 72%. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Đến nay, tỷ lệ bản trên địa bàn huyện Tương Dương có điện lưới quốc gia đạt 100%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 79,26%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,02 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,03% xuống còn 29,51%. Đặc biệt, việc huyện Tương Dương là một trong số ít các huyện diện 30a trong cả nước có xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm đã phản ánh rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân.

vẻ đẹp rừng săng lẻ tương dương. ảnh xuân hoang
Vẻ đẹp rừng săng lẻ ở huyện Tương Dương. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Hữu Hiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Với mục tiêu sớm trở thành huyện dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi cao của tỉnh, huyện Tương Dương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với quan điểm “thoát nghèo từ trong nhận thức”.

Đồng thời, phân định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành; tiêu chí nào, công trình nào huyện làm; tiêu chí nào, công trình nào xã làm; tiêu chí nào, công việc nào dân làm; công việc nào là Nhà nước và người dân cùng làm với phương châm “Tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau”. Chính vì thế, các địa phương như Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Xá Lượng đều về đích nông thôn mới đúng kế hoạch.

Để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chủ trương, chính sách của Nhà nước, “thà chịu khổ chứ không chịu khó” còn tồn tại trong nhân dân, bên cạnh triển khai đồng bộ các chính sách theo hỗ trợ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Tương Dương đã chỉ đạo các ban, ngành nghiên cứu, rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp, từ “cho không” sang hỗ trợ “có điều kiện”; chú trọng hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, giúp kết nối kênh tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, phân tích rõ nguyên nhân nghèo của các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, phù hợp, giúp người dân tự vươn lên thoát nghèo bền vững.

ong-lu-van-tiep-tru-o-ban-canh-toong-xa-yen-tinh-phan-khoi-vi-co-thu-nhap-tu-cay-che-day-1-(1).jpg
Ông Lữ Văn Tiệp, trú ở bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh (Tương Dương) phấn khởi vì có thu nhập từ cây chè dây. Ảnh: Đ.C

Huyện cũng chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung xây dựng các mô hình “dân vận khéo” để tạo sức bật và phong trào thi đua trên các lĩnh vực. Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện duy trì 129 mô hình kinh tế các loại; 69 mô hình về văn hóa – xã hội, an ninh, trật tự.

nguoi-dan-tuong-duong-khai-thac-tre-met-1-.jpg
Người dân huyện Tương Dương khai thác tre, mét. Ảnh: Đ.C

Tại một số địa phương, ngày càng có nhiều hộ dân ở các vùng khó khăn chủ động thoát khỏi “trông chờ ỷ lại”, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi nhưng bà con coi đó là thử thách để nỗ lực phấn đấu, tự mình vươn lên và nhường sự hỗ trợ đó cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn. Năm 2022, toàn huyện Tương Dương có 50 hộ viết đơn xin thoát nghèo, năm 2023 con số này tăng lên trên 200 đơn.

b15318ba0e9baac5f38a.jpg
Thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương. Ảnh: Sách Nguyễn

Ông Lữ Văn May - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương cho biết thêm: “Những lá đơn xin thoát nghèo trong thời gian qua trên địa bàn huyện minh chứng Đề án 07-ĐA/HU là chủ trương đúng đắn, cần thiết và đã bước đầu làm thay đổi nhận thức người dân, khơi dậy ý chí tự lực, niềm tin và khát vọng vượt qua đói nghèo của bà con…".

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên