Xã hội

Vất vả nghề đào giếng khơi ở Nghệ An

Huy Thư 24/08/2024 06:44

Tháng 8 nắng to, nhiều người mưu sinh bằng nghề đào giếng khơi ở Nghệ An vẫn có việc đều đặn. Lao động vất vả, tiềm ẩn không ít rủi ro, thu nhập của nghề đào giếng nhiều khi thấm đẫm cả mồ hôi và nước mắt.

bna_1(2).jpg
Năm nay thời tiết không mấy thuận lợi đối với nghề đào giếng khơi, mưa nắng thất thường, đặc biệt tháng 7 mưa to kéo dài khiến các tổ đào giếng phải nghỉ việc thường xuyên. Một số người làm nghề đã chuyển sang các công việc khác như chặt keo, đầm nền nhà... Tháng 8 nắng to, những người còn bám nghề có công việc đều đặn. Trong ảnh: Một tổ đào giếng ở Đô Lương đang đào giếng cho 1 hộ dân ở xã Thanh Tùng (Thanh Chương) Ảnh: Huy Thư
bna_2..jpg
Hiện nay, nghề đào giếng khơi không có nhiều cơ hội hoạt động mạnh như trước vì người dân có nhiều nguồn nước để dùng, đặc biệt là đứng trước sự cạnh tranh của nghề khoan giếng sử dụng hệ thống máy khoan hiện đại. Ảnh: Huy Thư
bna_3(1).jpg
Xưa nay, người làm nghề đào giếng khơi trong tỉnh thường đi theo tổ, mỗi tổ ít nhất 3 người (người đào đất, người xúc, người đổ đất). Mặc dù dụng cụ làm nghề được cải tiến hơn trước, sử dụng máy khoan đất, máy tời đất, cần quay... nhưng nghề đào giếng khơi vẫn phải lao động nặng nhọc, nguy hiểm. Các tổ, nhóm đào giếng hiện nay thường sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo kết nối những người có nhu cầu đào giếng để tìm việc làm. Ảnh: Huy Thư
bna_7.-efd4bc4d70f30ad74d64bdacea3355a7.jpg
Các địa phương trong tỉnh từ miền xuôi đến miền ngược đều có thợ đào giếng khơi. Tại xã Thịnh Thành (Yên Thành) có 6 tổ thợ với hàng chục người theo nghề đào giếng. Các tổ thợ thường hoạt động trên một địa bàn nhất định (1 đến vài huyện), một số tổ thợ có uy tín với khách hàng thì đi làm khắp các huyện trong tỉnh. Ảnh: Huy Thư
bna_4..jpg
Theo các tổ thợ, tùy vào địa chất, độ lớn, độ sâu của giếng mà người thợ đào nhanh hay chậm. Đất càng cứng, diện tích giếng càng nhỏ thì càng khó đào. Vùng núi đất cứng, nhiều sỏi, đá, mỗi ngày cố gắng lắm, mỗi tổ thợ cũng chỉ đào được 1- 2m, thậm chí có giếng chỉ đào được nửa mét. Tuy nhiên, đào giếng vùng núi đất cứng khá an toàn, đào sâu cũng không bị lở. Đào giếng vùng đồng bằng đất mềm dễ đào, nhưng hay bị lở, nhất là vùng ven sông. Trời nắng kéo dài, đào giếng khơi thuận lợi. Đào giếng gặp mưa, hay gặp mạch nước nhiều sẽ khá vất vả. Ảnh: Huy Thư
bna_5(1).jpg
Để theo nghề, bám nghề đào giếng, người lao động phải có kỹ năng đào giếng, sử dụng thành thạo một số dụng cụ cần thiết, có sức khỏe dẻo dai, sự gan dạ, mạo hiểm... Ngoài ra, cần sự nhanh nhạy để đối phó, xử lý các tình huống khi làm việc trong lòng giếng, dưới đáy giếng... Ảnh: Huy Thư
bna_6(1).jpg
Một số tổ thợ đã không ngừng sáng tạo, cải tiến công cụ lao động phục vụ việc đào giếng. Thợ đào giếng ở Đô Lương đã chế ra cần tời tay quay gồm 1 trục thép dựng đứng, 1 cần tời vươn ra giữa lòng giếng có thể xoay vòng quanh trục này. Khi mô tơ hoạt động việc tời đất dưới giếng lên và đổ đất ra ngoài khá dễ dàng, không tốn sức như loại ròng rọc chạy mô tơ treo ngang trên giếng. Ảnh: Huy Thư
bna_8(1).jpg
Thợ đào giếng làm việc dưới đáy giếng có nhiều nguy cơ rình rập như lở đất, sập giếng, điện giật... Khi phát hiện hiện tượng lở đất, "lở hàm ếch", người thợ phải khẩn trương tìm cách đối phó, tùy giếng đã đào sâu, cạn mà quyết định đào tiếp, hay dừng đào, thả cống, ghép gạch... Thời gian qua, trong quá trình đào giếng, vét giếng, tại một số địa phương đã xảy ra sự cố sập giếng, lở giếng gây tai nạn thương tâm. Ảnh: Huy Thư
bna_9.jpg
Anh Hoàng Xuân Sơn (41 tuổi) thợ đào giếng lâu năm ở xã Giang Sơn Đông (Đô Lương) cho biết: Tổ đào giếng của anh hoạt động quanh năm. Những ngày qua, mới đào xong 1 giếng ở huyện Tân Kỳ chưa kịp nghỉ đã phải đi đào cho 1 hộ dân ở xã Thanh Tùng (Thanh Chương), mấy hôm tới sẽ đào cho 1 gia đình ở xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn). Theo anh Sơn từ đầu năm đến nay, nhóm của anh đã đào được gần 40 giếng. Năm đào nhiều, tổ thợ của anh đã đào được 76 giếng. "Mình cứ tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm thì dân cứ gọi" - anh Sơn nói. Ảnh: Huy Thư
bna_10..jpg
Các tổ đào giếng khơi hiện nay, không chỉ thuần thục việc đào giếng mà còn có thể thả cống, xây thành, ghép đá, ghép gạch... theo yêu cầu của chủ giếng, để tạo nên những cái giếng hoàn chỉnh, sử dụng an toàn, lâu dài. Ảnh: Huy Thư
bna_11.jpg
Thời gian gần đây, loại giếng khơi ghép gạch được người dân nhiều địa phương ưa chuộng. Giá đào giếng cũng tùy vào từng loại giếng, từng địa phương, từng nhóm thợ: giếng đất đường kính 1,6m giá 1 triệu đồng/mét sâu; 1,8m giá 1,3 triệu đồng/mét sâu; 2m giá 1,5 triệu đồng/mét sâu. Giếng ghép gạch có đường kính 2,2m, cả đào cả ghép là 2,5 triệu đồng/mét sâu.... Thu nhập từ nghề đào giếng có thể nhỉnh hơn một số nghề lao động chân tay khác, nhưng thợ đào giếng phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy. Ảnh: Huy Thư
Đào giếng khơi tại xã Thanh Tùng (Thanh Chương). Video: Huy Thư

Huy Thư