Xã hội

Chu Trọng Huyến và những tác phẩm văn học viết về con người xứ Nghệ

PGS. TS Đinh Trí Dũng 24/08/2024 10:43

LTS: Trong số những tác giả uy tín là cộng tác viên đặc biệt, tâm huyết đồng hành với những giai đoạn phát triển của Báo Nghệ An, nhà nghiên cứu văn học, lịch sử, địa chí Chu Trọng Huyến có những đóng góp hết sức ý nghĩa… Ông sinh ngày 19/1/1932; do tuổi cao sức yếu, ông tạ thế vào hồi 00h05’ hôm nay, ngày 24/8/2024.

Chân thành chia buồn cùng gia quyến nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến, Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài viết về những sáng tác của ông. Bài viết do PGS.TS Đinh Trí Dũng chấp bút.

ba h
Nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến

Chu Trọng Huyến là một cây bút văn xuôi sống ở Nghệ An chuyên viết truyện về các bậc danh nhân đất nước thuộc miền đất núi Hồng sông Lam. Cho đến nay, dù tuổi đã cao, ông vẫn đang âm thầm làm việc, sáng tạo và tiếp tục cho ra đời những cuốn sách mới.

Tính ra, Chu Trọng Huyến đã có ngót chục cuốn sách được khá đông bạn đọc khắp nơi biết đến. Trong đó, về truyện và tiểu thuyết của ông, ta có thể nhắc tới: “Chuyện kể từ Làng Sen”, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 1980(1); Tiểu thuyết “Người mẹ của một thiên tài”, Nxb Phụ nữ, Hà Nội (1991) (Sách này cũng được các Nhà xuất bản Nghệ An, Thuận Hóa... in lại nhiều lần. Tiếp đấy là truyện “Hồ Chí Minh từ điện Cremli đến Hang Pắc-Pó”, Nxb Nghệ An, 2009”, “Hai lần Bác về thăm quê” (truyện), Nxb Nghệ Tĩnh (1987); “Làng Đỏ”, truyện về Xô - viết Nghệ Tĩnh, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1982; truyện “Hồ Chí Minh thời trẻ”, Nxb Nghệ An in vào các năm 2000, 2002, 2004; “Màu hồng trên đỉnh núi” truyện về Tổng Bí thư Đảng Lê Hồng Phong, Nxb Nghệ An, 1987,1992; Truyện “Tiếng bom Sa Điện”, viết về liệt sĩ Phạm Hồng Thái, Nxb Kim Đồng,1993 (Sách này năm 2000 đã được, Nxb Nghệ An tái bản với tên đề “Chim én báo mùa xuân”); Tiểu thuyết “Đôi mắt quan Thái sư”, viết về tướng Nguyễn Xý thời chống Minh (1418-1428), Nxb Nghệ An, 2004 (sách này được nhận Giải thưởng Hồ Xuân Hương của Hội Văn nghệ Nghệ An, 2005); Truyện “Nguyễn Công Trứ - con người và sự nghiệp” (Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 1993); Sách truyện “Phan Bội Châu”, (Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 1997).

Về đề tài quê hương, gia thế và thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có mấy cuốn được một số bạn đọc coi là “bộ ba” sách viết về thiếu thời của Bác Hồ: “Chuyện kể từ làng Sen”; “Người mẹ của một thiên tài”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ”.

tải xuống (1)
"Bộ ba" sách nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến viết về thiếu thời của Bác Hồ.

Điều tâm đắc, cũng là sự ham muốn của Chu Trọng Huyến là được thể hiện cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở buổi thiếu thời, chịu nhiều vất vả trong cảnh nước mất nhà tan, rồi trưởng thành, nuôi chí lớn tìm đường cứu nước. Là nhà văn lớn lên trên quê hương xứ Nghệ, rất am hiểu lịch sử địa phương, am hiểu về gia đình, người thân trong gia đình Bác Hồ, tác giả Chu Trọng Huyến có nhiều thuận lợi. Ông nhìn thấy mối quan hệ gắn bó giữa con người, nhân cách Hồ Chí Minh và mảnh đất quê hương xứ Nghệ giàu truyền thống văn hóa và tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm. Đó cũng là một nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn trong các tác phẩm Chu Trọng Huyến viết về Bác.

Trong “Lời giới thiệu” sách “Hồ Chí Minh từ điện Kremli đến hang Pắc Pó”, Nhà xuất bản Nghệ An viết: “Chu Trọng Huyến bấy lâu nay được đông đảo công chúng bạn đọc yêu mến, quý trọng do từ những tác phẩm ông viết về các bậc danh nhân đất nước, đặc biệt là đề tài về gia thế và cuộc đời của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Nay cuốn truyện “Hồ Chí Minh thời trẻ”, là sách ghi lại cuộc đời của Người ở giai đoạn từ khi vị Lãnh tụ chào đời cho đến lúc Người rời Pa-ri (Thủ đô ngước Pháp) để sang Nga, quê hương cách mạng của giai cấp vô sản thế giới mà học hỏi, rồi đi về phương Đông, lo việc phục vụ Tổ quốc mình"(2).

Gần đây, Nhà xuất bản Lao Động và Nhà sách Tri Thức (Hà Nội) đã cho gộp hai cuốn: “Chuyện kể từ làng Sen” và “Hai lần Bác về thăm quê”(3)của cùng một tác giả này lại làm một , vẫn lấy tên đề là “Chuyện kể từ làng Sen”. Trong “Lời Giới thiệu”, Nhà xuất bản viết: “...Với niềm mong muốn là được phổ biến rộng rãi đến đông đảo bạn đọc về tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về con người Bác, về chân dung Bác, Nhà sách Tân Việt phối hợp với Nhà xuất bản Lao Động xuất bản và phát hành “Tủ sách rèn luyện nhân cách sống”. Bộ sách gồm mười cuốn, trong đó có “Chuyện kể từ Làng Sen” là cuốn sách mới được gộp lại ấy.

Một điều tâm niệm của Chu Trọng Huyến sau khi đọc các sách viết về những vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới(4) là làm sao để Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con vĩ đại của dân tộc mình cũng phải được nhân dân cần lao trên hành tinh này biết thêm thật nhiều, cho nên ông đã dồn sức lực nhỏ bé của mình vào công việc lớn lao và ý nghĩa ấy. Nxb Ngoại văn, (nay là Nxb Thế giới) đã dịch, in một số bài viết và sách của ông ra tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Trung, ví như: bài “Le province natal de Hô Chi Minh” (Tỉnh quê hương của Hồ Chủ tịch), in trong “Etudes Vietnamiennes - Le Nghe Tinh province natale” (Nghiên cứu Việt Nam - Giới thiệu về Nghệ Tĩnh), số tháng năm 5-1980; các sách “Hồ Chí Minh’s pamily story”,“胡 志 明 主 席 家 的 故 事”, (Chuyện về gia thế Chủ tịch Hồ Chí Minh), in vào các năm 2009, 2014, 2015, 2017...

tải xuống
Các tác phẩm viết về con người xứ Nghệ của nhà nghiên cứu Chu Trọng Huyến

Chu Trọng Huyến có bút pháp, hành văn giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, đậm chất trữ tình. Ông thường chọn lối kể chuyện truyền thống, tuân theo dòng chảy thời gian. Ngay các tên sách của ông cũng mộc mạc, dễ nhận biết: “Chuyện kể từ làng Sen”, “Bác Hồ về thăm quê”, “ Chủ tịch Hồ Chí Minh thời trẻ”...

Chu Trọng Huyến cũng là cây bút bám sát những vấn đề chính trị, thời sự. Nhiều cuốn sách viết về Bác Hồ của ông được chọn đưa vào tủ sách trong các nhà trường phổ thông. Sách “Chuyện kể từ Làng Sen”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp” (truyện), Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2007 (5) đã được Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật cho tái bản năm 2017, làm tài liệu học tập cho cán bộ, đảng viên...

Một lợi thế của Chu Trọng Huyến là ông có sử dụng được tiếng Pháp và tiếng Trung cho nên tiện cho việc tham khảo tài liệu khi viết về các bậc danh nhân, của cả thời cận đại. Truyện ”Nguyễn Công Trứ - con người và sự nghiệp”, Nguyễn công Trứ - thơ và đời”, sách truyện “Phan Bội Châu”, “Nơi Nguyễn Du viết truyện Kiều”... Nhà thơ Thạch Quỳ và PGS. Lê Bá Hán trong một số bài viết của họ về các tác phẩm của Chu Trọng Huyến đã nhắc đến lợi thế này.

Nhà thơ Huy Cận trong lời “Tựa” sách “Nơi Nguyễn Du viết Truyện Kiều”(6) đã nhận xét: “ Điều thú vị nhất lúc đọc cuốn sách là ta như thấy được rõ trước mắt sự hình thành từng bước nhân cách, tâm hồn và hồn thơ Nguyễn Du. Ta như bắt gặp được sự xao động da diết của tấm lòng Nguyễn Du qua ba đào của thời đại, sự tự nhào nặn của trí tuệ Nguyễn Du qua những chấn động của lịch sử cả một thế kỷ hào hùng mà kết thúc đau đớn. Sở dĩ ta cảm nhận được như thế là vì Chu Trọng Huyến đã mô tả thời vua Lê - chúa Trịnh khá rõ nét, trong đó người thiếu niên rồi thanh niên Nguyễn Du lớn lên; tác giả có mô tả sự vận động của phong trào Tây Sơn vào xã hội như biển động, sóng cồn, một sự vang động chói lòa, làm tâm hồn Nguyễn Du bỡ ngỡ. Ta được sống lại cái không khí hào hoa, phong nhã ở phường Bích Câu, nơi có dinh trấn của Tể tướng Nguyễn Khản, anh ruột Nguyễn Du; ta được theo “Chiêu Bảy”(7) nhiều lần lên thăm quê mẹ của cậu ở Kinh Bắc, với cảnh hát quan họ, với hội Lim của nam thanh, nữ tú. Rồi ta về Tiên Điền, ta sang Trường Lưu để cùng Nguyễn Du nghe hát ví, hát dặm... Cả truyền thống văn hóa nghệ thuật ấy - từ Thăng Long ngàn năm văn vật cho đến quê nhà nho nhã, trữ tình đã đúc nên tố chất thẫm mỹ tuyệt vời của Nguyễn Du. Cũng dọc (8) cuốn sách, ta thấy lắng đọng dần tư tưởng nhân bản của Nguyễn Du qua những chìm nổi của cả một cuộc đời. Nói tóm lại, trong nhiều đoạn, người viết giúp ta thấy từ bên trong, cảm từ bên trong bản lĩnh sống và bản lĩnh sáng tạo của tác giả Truyện Kiều”.

Ở tuổi gần 90, Chu Trọng Huyến vẫn hăng say, miệt mài sáng tạo, vẫn tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật Nghệ An, đặc biệt là góp phần khẳng định, lan tỏa những vẻ đẹp truyền thống của con người, văn hóa xứ Nghệ với nhân dân cả nước.

Chú thích

(1) Sách này được một số Nhà xuất bản ở Hà Nội và các địa phương khác in lại, Gần đây Nxb Lao Động phối hợp với Nhà sách Dân Trí Hà Nội chọn, cho in cùng với sách “Hai lần Bác về thăm quê” (của cùng tác giả). Sách mới ấy cũng lấy tên là “Chuyện kể từ làng Sen”, in với số lượng lớn vào các năm 2017, 2020...

(2) Lời Nhà xuất bản, sách “Từ điện Cremli đến hang Pắc Pó”, Nxb Nghệ An, 2000,Tr.6.

(3) Sách này do Nxb Nghệ An in, lần đầu vào năm 1987. Sau đó đã được một số nhà xuất bản khác in lại.

(4) Các sách này đều do Nxb Thanh Niên (TN), Hà Nội in, viết về Các Mác, Ăng - ghen, Lê - nin.

(5) Sách này đã được Nxb Chính trị quốc gia Sự thật (HN) phối hợp với Nxb Văn học (HN) in năm 2019. Trong “Lời Nhà xuất bản”, sách này viết:”Thực hiện Đề án trang bị sách cho các cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban tuyên giáo Trung ương cũng như nhằm góp phần giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, tiếp tục đẩy mạnh “cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Nxb Văn học xuất bản cuốn sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.Lời Giới thiệu ấy viết tiếp” Cuốn sách đế cập đến những câu chuyện hết sức chân thực về mối quan hệ thân tình giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những dấu mốc đã đưa Đại tướng đến gần với Bác, về thiên tài ở nhãn quan của Bác trong việc phát hiện nhân tài cho đất nước”.

(6) Tác phẩm của Chu Trọng Huyến, Nxb Khoa học xã hội (HN) ấn hành năm 1991

(7) Tên gọi của Nguyễn Du ở trong gia đình, vì cậu là con trai thứ 7

(8) “Dọc” là xuyên suốt (tiếng Nghệ).

PGS. TS Đinh Trí Dũng