Điều đặc biệt ở ngôi trường nội trú có thành tích bậc nhất Nghệ An
Liên tục nhiều năm nay, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 là một trong số ít trường có nhiều học sinh được vinh danh trong lễ tuyên dương do UBND tỉnh tổ chức. Trường cũng luôn nằm trong tốp 3 của tỉnh về kết quả thi tốt nghiệp THPT. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với thầy giáo Hồ Quốc Việt - Hiệu trưởng để hiểu hơn những nỗ lực của thầy và trò nhà trường.
PV: Thưa thầy, tháng 8 này, học sinh khối 10 của trường đã bắt đầu tựu trường. Khi đón nhận một lớp học sinh mới, thầy thường có suy nghĩ gì?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Chúng tôi vừa đón hơn 200 học sinh khối 10 vào khoá học mới. Đây đều là học sinh người dân tộc thiểu số, đến từ các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An. Số ít các em có bố mẹ là giáo viên, công chức, viên chức. Còn lại phần lớn các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn, cuộc sống vất vả, nhiều em chưa tiếp cận, làm quen được với những thiết bị sinh hoạt tối thiểu. Vì thế, khi mới nhập học việc dạy kỹ năng cho các em được đặt lên hàng đầu.
Kiến thức của các em cũng là điều mà chúng tôi quan tâm. Ngoài một số vùng trung tâm như thị trấn và một số nơi điều kiện thuận lợi, điểm đầu vào của các em tương đối cao, còn lại ở nhiều vùng khác, nhất là ở những xã vùng sâu, vùng xa, điểm đầu vào của các em rất thấp, thậm chí dưới mức trung bình. Vì thế, dù chưa bước vào năm học, nhà trường đã phải lên kế hoạch ôn tập củng cố kiến thức cho các em.
Tôi cũng thấy được sự chờ đợi, háo hức của các em xuống nhập học. Hôm đầu tiên đưa con đến trường, có một phụ huynh gặp tôi và tâm sự rằng, được nhập học vào trường nội trú giống như học sinh miền xuôi thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Vì thế, tôi thấy được sự tự hào của phụ huynh, học sinh khi trúng tuyển vào trường.
Đó là niềm vui không chỉ của gia đình mà của cả dòng họ, cả bản làng. Tôi cũng biết, nhiều trường cấp II ở các huyện cũng xin danh sách học sinh nhà trường trúng tuyển để lấy đó làm bảng vàng thành tích của trường. Đây là sự ghi nhận đối với tập thể Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2.
Thầy giáo Hồ Quốc Việt
PV: Nhiều phụ huynh của Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua là những nông dân rất chân chất và chia sẻ rằng, khi con xuống học trường nội trú, họ không biết con học như thế nào. Nhưng họ có niềm tin vào con, niềm tin vào các thầy, cô giáo của trường. Với tập thể nhà trường, nhất là với người đứng đầu, phải chăng đó là một áp lực khi bắt đầu tiếp nhận một khoá học mới?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Chúng tôi rất vui khi được phụ huynh gửi gắm, đặt trọn niềm tin. Với nhiệm vụ chính là đào tạo đội ngũ cán bộ nguồn cho các huyện miền núi, nhà trường luôn xác định rõ trách nhiệm của mình, đó là phải trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để sau mỗi năm học các em sẽ trưởng thành hơn. Áp lực sẽ là động lực để tập thể nhà trường cố gắng vươn lên, làm sao để thành tích năm học sau cao hơn năm trước.
Một niềm vui rất lớn với nhà trường đó là những năm gần đây, thành tích của trường luôn giữ ổn định và nằm trong tốp đầu của tỉnh. Như năm học 2023 - 2024 vừa qua, 35/40 học sinh đạt học sinh giỏi tỉnh. Đặc biệt, trong số này trường có 2 học sinh nữ đạt giải Nhất môn Toán, trong đó có 1 em Thủ khoa.
Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, trường đạt điểm trung bình là 7,91 điểm, đứng thứ 3 toàn tỉnh, sau Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT Đô Lương 1. Trường có thủ khoa toàn quốc, có 8 em được tuyên dương. Ngoài lợi thế của trường nội trú là các môn xã hội, giờ đây các môn tự nhiên cũng đã ngày một khẳng định và trường chúng tôi luôn có học sinh trong nhóm điểm cao ở tổ hợp Khoa học tự nhiên.
Kết quả này, một phần thể hiện chất lượng của nhà trường, nhưng cũng cho thấy trí tuệ của những học sinh là người dân tộc thiểu số rất đáng nể phục. Nếu có điều kiện tốt, các em sẽ phát huy được năng lực của mình. Rất nhiều học sinh ở trường chúng tôi niên khóa 2023 - 2024 vừa qua đã để lại những thành tích hết sức ấn tượng: đậu đại học vào các trường danh giá của cả nước như Đại học Y Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân... Nhiều em là tấm gương về tinh thần vượt khó, kiên định mục tiêu để thi đậu đại học.
PV: Liên tục trong gần 5 năm trở lại đây, ngoài trường chuyên của tỉnh thì chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 thường được xếp vị trí thứ 2, thứ 3. Đây là thành tích không phải “ngẫu nhiên” mà được gom góp từng ngày, từng tháng. Đằng sau đó là sự nỗ lực vượt bậc của thầy cô và học trò. Thầy hãy chia sẻ về quá trình đi đến thành công này?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Khóa học sinh sinh năm 2006 vừa tốt nghiệp THPT 2024 là khóa học sinh thứ 10 của trường. Từ khi thành lập đến nay, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của nhà trường là các em phải có kết quả tốt nhất, khi các em đã "vượt núi" xuống đây học thì các em phải vào đại học.
Trước đó, để có chất lượng tốt, ngay từ khi vào lớp 10, chúng tôi rất quan tâm đến việc chọn giáo viên chủ nhiệm. Đây là những người rất sát với học sinh và phải làm tốt công tác phát hiện hạt nhân tích cực ở từng môn học, từng lớp học.
Vì thế, có những học sinh xuất phát điểm vào trường không cao nhưng chỉ sau một học kỳ, những tố chất của các em sẽ được nắm bắt và phát huy. Như trường hợp em Hoài Thương, Thủ khoa toàn quốc khối C năm nay. Dù điểm đầu vào của em rất thấp, nằm ở lớp thuộc tốp cuối nhưng sau khi vào học em đã có sự tiến bộ vượt bậc.
Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, áp lực của nhà trường chính là chất lượng học sinh. Vì thế, nói áp lực là đúng. Như ở trường chúng tôi, thầy cô xem áp lực như cuộc sống thường ngày. Ở đây, thầy cô thương yêu học trò, chăm lo học trò và xem học trò như người con của mình, thậm chí dành thời gian nhiều hơn cho con em của mình.
Những thời cao điểm, để ôn thi học sinh giỏi hiệu quả, việc thầy cô đưa trò về nhà bồi dưỡng, phụ đạo là chuyện bình thường, không nề hà vất vả.
Thầy giáo Hồ Quốc Việt
PV: Trong rất nhiều mùa thi, tôi đã được rất nhiều giáo viên chia sẻ rằng, “họ đã rút hết ruột gan để truyền dạy cho học trò” và chỉ chờ các em tỏa sáng. Và quả thực, đằng sau thành công của học sinh ở ngôi trường này, có bóng dáng của thầy cô. Theo thầy, đâu là chất xúc tác để làm nên điều đặc biệt này, khích lệ giáo viên để họ có thể cống hiến hết mình như vậy?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Như tôi đã chia sẻ, giáo viên ở trường chúng tôi khi đón một lứa học trò mới, đều nhận thấy được phía sau sự khó khăn, vất vả là ý chí nghị lực của các em muốn vượt lên hoàn cảnh. Đây cũng là yếu tố quyết định để các em không ngừng cố gắng, chăm chỉ, thi đua học thật tốt.
Về phía nhà trường, chúng tôi quan điểm phải làm sao để các em cảm nhận được “nội trú là nhà và thầy cô là bố mẹ”. Để các em thay đổi được cuộc sống bằng con đường học thì giáo viên cũng phải xác định được trách nhiệm của mình. Đây cũng là danh dự, lòng tự trọng của mỗi giáo viên, khóa sau kế tiếp truyền thống của khóa trước.
Tôi cũng muốn nói rằng, thầy cô giỏi rất nhiều. Nhưng thầy cô thương yêu, hy sinh vì học trò, giúp học trò khi bắt đầu chỉ mới điểm 3, điểm 4 lên điểm 7, điểm 8, giúp các em điểm 5, điểm 6 lên điểm 9, điểm 10 không phải ai cũng có thể làm được. Điều này không chỉ bằng năng lực mà phải có sự yêu thương, tâm huyết thật sự mới có thể làm được.
Tôi nhớ những ngày ôn thi, đó là giai đoạn kịch liệt, trời nắng như đổ lửa nhưng thầy cô và học trò vẫn miệt mài. Có những hôm cô dạy trên bục giảng, trò nóng quá ngồi giữa sàn nhà. Trò lo lắng một, cô nôn nóng hai.Thầy giáo Hồ Quốc Việt
PV: Hai năm liên tục, Trường PT Dân tộc nội trú THPT số 2 đều đứng thứ 2 của tỉnh về số lượng học sinh được tuyên dương, có năm có đến 12 em. Điều này là ngẫu nhiên hay nằm trong kế hoạch về ký cam kết đảm bảo chất lượng của nhà trường?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Đầu năm, hội đồng sư phạm của nhà trường đều đề ra chỉ tiêu cho năm học, gồm chỉ tiêu học sinh giỏi, chỉ tiêu đậu tốt nghiệp, đại học và cả chỉ tiêu về học sinh tuyên dương. Năm nay, chúng tôi rất vui mừng vì đều đạt các chỉ tiêu đề ra.
Với trường chúng tôi, mô hình ký cam kết đảm bảo chất lượng có giá trị rất lớn. Những cam kết với nhà trường, với phụ huynh là cái mốc để giáo viên và các em học sinh phấn đấu, là cái đích để hướng tới. Chất lượng không phải giao chung chung mà cho từng học sinh, từng nhóm cụ thể và kết quả chính là điểm số của học trò. Quá trình này sẽ xuyên suốt từ lớp 10 đến lớp 12. Việc cam kết gắn với trách nhiệm.
PV: Mỗi một năm, Nghệ An lại tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi, học sinh đạt điểm cao. Với trường nội trú, điều này có ý nghĩa như thế nào với các em học sinh và nhà trường?
Thầy giáo Hồ Quốc Việt: Trong các vở kịch "Táo quân" của trường chúng tôi, thay vì các em rủ nhau đi học để vào đại học thì các em lại sáng tạo học đi, học đi để được tuyên dương. Nghĩa là việc được tuyên dương đã trở thành mục tiêu nằm lòng và học sinh nào cũng từng mơ ước. Và lễ vinh danh thực sự là ngày hội của trường chúng tôi.
Lễ tuyên dương là dịp để nhà trường nói với phụ huynh, với chính quyền là chúng tôi đã cố gắng, là dịp để thổi lửa cho các thế hệ học trò và cũng là dịp để tuyên dương các thầy giáo, cô giáo. Những kết quả có được ngày hôm nay, chúng tôi rất tin tưởng, trân trọng và cảm ơn đội ngũ giáo viên đã tận tụy, cống hiến cho nhà trường. Và chúng tôi cũng rất tự hào về các em học sinh. Thành tích các em có được đã chứng minh người dân tộc thiểu số đã tạo được dấu ấn rất đặc biệt. Đó là nỗ lực rất đáng ghi nhận!
PV: Xin cảm ơn thầy đã tham gia trò chuyện!