Xã hội

Kỳ 3: Sáp nhập là xu thế tất yếu

Thanh Nga – Mỹ Hà 26/08/2024 09:00

Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có, đẩy nhanh phương án sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả là mục tiêu mà Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của BanThường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra. Đặt trong bối cảnh hiện nay, đó là xu thế tất yếu.

sapnhaptruongnghe-b3-cover.png
sapnhaptruongnghe-b3-sapo.png

Thanh Nga - Mỹ Hà • 26/08/2024

sapnhaptruongnghe-b3-tit1.png

Báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện công tác đào tạo, phát triển nhân lực trên địa bàn đã chỉ ra những bất cập trong công tác đào tạo nghề. Đó là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, trùng lắp chức năng nhiệm vụ và phần lớn quy mô tuyển sinh nhỏ. Chưa triển khai nhân rộng được chương trình chất lượng cao, cấp độ quốc tế, nhất là các ngành nghề của Đức, Úc.

Bên cạnh đó, số lượng, cơ cấu ngành nghề, chất lượng của một số nhà giáo, cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. Chương trình đào tạo chưa thực sự linh hoạt theo yêu cầu của thị trường lao động. Chưa mở được một số mã ngành nghề mới, thị trường lao động có nhu cầu sử dụng nhiều trong thời gian tới, như: Nghề logistics, vận hành cơ - điện tử, bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của phần lớn cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ, không theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ mới, nhất là các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Mỹ Hà

Chất lượng đào tạo nghề còn nhiều hạn chế là một trong những lý do hiện nay nhiều học sinh vẫn chưa mặn mà với việc học trường nghề. Khảo sát của tỉnh cũng cho thấy, nếu tính theo giai đoạn, tỷ lệ học nghề trên toàn tỉnh có xu hướng giảm. Ví như giai đoạn 2016 - 2020 giảm gần 12,6% so với giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ tốt nghiệp giảm 6,5%; cơ cấu trình độ tuyển sinh đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu lao động, trình độ cao đẳng chỉ chiếm 19%, so với tổng số lao động được đào tạo. Mạng lưới phân bổ giáo dục nghề nghiệp phân bổ còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ và phần lớn quy mô tuyển sinh nhỏ; năng lực đào tạo chỉ mới đáp ứng 73,4% nhu cầu của học sinh, sinh viên.

sapnhaptruongnghe-b3-box1.png

Với những hạn chế đó, ngoài nguyên nhân khách quan còn nhiều nguyên nhân chủ quan như vai trò quản lý nhà nước, chủ động điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, điều tiết đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dạy nghề cùng hệ thống nhà xưởng, các trang thiết bị đào tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được làm tốt. Điều này dẫn đến tình trạng có địa phương có nhu cầu đào tạo nghề này nhưng lại thiếu nhà giáo, thiếu cơ sở vật chất trong khi đó địa phương khác lại thừa nhà giáo, lãng phí nhà xưởng, trang thiết bị dạy nghề...

Gian hàng quảng bá nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: NTCC
Gian hàng quảng bá nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: Thanh Nga

Cùng với đó, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự năng động, nhạy bén trong quản lý và tổ chức hoạt động để bắt kịp với yêu cầu mới về ngành nghề, trình độ đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực kỹ thuật cho các doanh nghiệp và thực tiễn của địa phương. Cơ cấu đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm thiếu hợp lý, chưa chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy học để nâng cao khả năng thực hành của học sinh.

Ngoài ra, việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39 đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chưa phù hợp, nhất là trong điều kiện các trường vẫn đang thiếu giáo viên, được bổ sung thêm chức năng nhiệm vụ và tăng quy mô trường lớp.

Để khắc phục những hạn chế trên, việc rà soát đánh giá hiệu quả các các cơ sở giáo dục hiện có là điều cần thiết. Chính vì thế, ngày 25/01/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án 14 - ĐA/TU về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đề án này, ngoài nhiệm vụ nâng cao chất lượng nhân lực nguồn lao động, Nghệ An cũng đặt mục tiêu củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, đa phương thức, đa trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng tầm kỹ năng nghề cho người lao động…

Học sinh Trường Trung cấp DTNT Nghệ An thực tập tại doanh nghiệp
Học sinh Trường Trung cấp DTNT Nghệ An thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Để việc triển khai Đề án 14-ĐA/TU hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng đó là quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Việc sắp xếp được thực hiện theo hướng chuẩn hóa, theo nguyên tắc vùng, miền, giảm đầu mối cơ sở công lập, giảm đầu mối chức năng nhiệm vụ về giáo dục nghề nghiệp, giải thể sáp nhập cơ sở hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo điều kiện quy định. Đồng thời, khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu giảm từ 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuống còn 41 cơ sở trong đó có giảm 18 cơ sở công lập, 3 cơ sở ngoài công lập và giảm 2 cơ sở thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý. Đến năm 2030, ngoài việc tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được quy hoạch, tỉnh sẽ thực hiện sáp nhập các trường cao đẳng, trung cấp hoạt động theo định hướng vùng miền (gồm trung tâm đô thị, đồng bằng ven biển, vùng Tây Nam, Tây Bắc của tỉnh).

Cơ sở vật chất khang trang hiện đại của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh: PV
Cơ sở vật chất khang trang hiện đại của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hồng Lam. Ảnh tư liệu: PV

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư, thành lập từ 1 - 2 trường cao đẳng, trung cấp có yếu tố nước ngoài hoặc của các doanh nghiệp lớn trong nước để đào tạo, cung ứng nhân lực có kỹ năng cho các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh.

sapnhaptruongnghe-b3-tit2.png

Trên thực tế, không phải từ Đề án số 14 – ĐA/TU, Nghệ An mới bàn đến công tác quy hoạch lại mạng lưới và sáp nhập các trường nghề. Trước đó, giai đoạn 2015-2020, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở ngành liên quan và các địa phương đã tích cực tham mưu, triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả.

Qua sắp xếp của giai đoạn 2015 -2020, Nghệ An đã sáp nhập 25 Trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên thành 12 trung tâm GDNN-GDTX; đổi tên và bổ sung chức năng giáo dục nghề nghiệp cho 7 trung tâm GDTX thành trung tâm GDNN-GDTX. Tỉnh cũng đã giải thể 1 trường trung cấp công lập, 2 trung tâm ngoài công lập. Đồng thời, chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của 1 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp từ ngành Giáo dục - Đào tạo sang ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

bna_Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tham quan phòng đào tạo, thiết bị giảng dạy Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Bằng
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tham quan phòng đào tạo, thiết bị giảng dạy Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, tháng 11/2022. Ảnh: Phạm Bằng

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Anh Sơn từng là hai cơ sở độc lập có chức năng đào tạo nghề, dạy văn hóa cho học sinh sau tốt nghiệp THCS. Thế nên trước khi sáp nhập, việc cạnh tranh để thu hút học sinh là điều thường xuyên xảy ra.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Bùi Đức Tuấn - Giám đốc trung tâm cho biết: Khi 2 đơn vị cùng một chức năng đào tạo thì cạnh tranh là tất nhiên. Nhưng thực tế, lúc đó chất lượng đào tạo của cả 2 đơn vị chưa cao. Bởi lẽ, trung tâm giáo dục nghề nghiệp chỉ có chức năng đào tạo nghề sơ cấp hoặc nghề có thời hạn dưới 3 tháng. Vì thế, học sinh muốn nâng cao tay nghề hoặc có bằng trung cấp thì phải nhập học ở các đơn vị trường nghề khác trên địa bàn tỉnh. Về phía Trung tâm Giáo dục thường xuyên do đơn thuần chỉ dạy văn hóa nên không thu hút được học sinh theo học. Đa phần học sinh theo học hệ này các em đều mong muốn vừa được học văn hóa, vừa được học nghề để có thể rút ngắn thời gian học tập và có song bằng sau khi tốt nghiệp ra trường.

Một giờ học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt Đức
Một giờ học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt Đức.

Cũng chính vì những lý do đó cộng với việc phải tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy giáo dục đào tạo nghề theo tinh thần của Thông tư số 39/2015/TTLT–BLĐTBXH - BGDDT-BNV về việc sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, tháng 10/2017 hai trung tâm GDTX và GDNN trên địa bàn huyện đã sáp nhập thành trung tâm GDNN - GDTX. Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Anh Sơn, ông Bùi Đức Tuấn cho biết thêm: Kể từ khi sáp nhập chúng tôi đã tận dụng được thế mạnh về cơ sở vật chất trước đây đồng thời đã có cơ chế liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng nghề như: Cao Đẳng Việt Đức, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An để học sinh sau khi tốt nghiệp vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng trung cấp nghề. Những năm gần đây, trường luôn vượt chỉ tiêu tuyển sinh và phụ huynh, học sinh không còn e ngại khi phải học ở Trung tâm GDNN - GDTX.

Thời gian qua Trung tâm GDNN - GDTX huyện Nghĩa Đàn cũng đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác đào tạo thu hút học sinh trên địa bàn và vùng phụ cận. Từ 2 đơn vị độc lập hoạt động khá èo uột vì chỉ tiêu tuyển sinh luôn cao hơn lượng học sinh thu hút được trong mỗi năm. Thế nhưng sau 7 năm sáp nhập đơn vị từng bước đi vào hoạt động hiệu quả, lượng học sinh thu hút năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt nhiều học sinh tốt nghiệp THCS ở vùng phụ cận như Quỳnh Lưu, Hoàng Mai luôn tìm đến trung tâm như là một địa chỉ đáng tin cậy. Ông Trương Hùng Cường - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nghĩa Đàn cho biết, 2 năm nay, số lượng học sinh đăng ký vào khối GDTX của trung tâm tăng, nhà trường luôn phải xin thêm chỉ tiêu để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Trường Cao đẳng nghề số 4 tư vấn về học nghề cho các học viên
Trường Cao đẳng nghề số 4 tư vấn về học nghề cho các học viên.

Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Sau khi sáp nhập 10 đơn vị GDNN, GDTX thực tế công tác đào tạo nghề, dạy văn hóa cho học sinh sau phân luồng trên địa bàn đã đạt được những kết quả vượt bậc. Quy mô tuyển sinh: 88.500 học sinh, sinh viên/năm, tăng 8,9% so với năm 2014, tăng từ 80.600 người năm 2015 lên 88.500 người năm 2020 (tăng 9%). Trong đó, cao đẳng nghề tăng 17,2% với 7.975 sinh viên; trung cấp nghề: 15.655 học sinh; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 64.870 học viên.

(Còn nữa)


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cấp thiết sắp xếp lại mạng lưới trường nghề
>> Kỳ 2: “Khoảng trống” giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất
>> Kỳ cuối: Cần có đầu mối để đẩy nhanh công tác sáp nhập

Thanh Nga – Mỹ Hà