Xã hội

Kỳ cuối: Cần có đầu mối để đẩy nhanh công tác sáp nhập

Thanh Nga – Mỹ Hà 26/08/2024 09:23

Như đã nói, sáp nhập các cơ sở đào tạo nghề là tất yếu trong xu thế hiện nay. Nhưng "hậu" sáp nhập vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết tháo gỡ đòi hỏi các đơn vị trường nghề cũng như các cấp ngành, địa phương cần xây dựng cơ chế dài hơi.

sapnhaptruongnghe-b4-cover.png
sapnhaptruongnghe-b4-sapo.png

Thanh Nga - Mỹ Hà • 26/08/2024

sapnhaptruongnghe-b4-tit1.png

Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Nghi Lộc và Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh là 2 trong số nhiều đơn vị sẽ thực hiện sáp nhập trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ khi nằm trong diện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, hoạt động của các nhà trường dường như “chững” lại.

Nói về chủ trương sáp nhập, ông Nguyễn Huy Lương - Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh cho rằng: Việc sáp nhập trường chúng tôi với trường nghề khác trên địa bàn là một hiện thực tất yếu, bởi về đội ngũ giáo viên thì trường đã thiếu từ nhiều năm nay, về cơ sở vật chất trường cũng không được đầu tư theo đúng quy mô đào tạo. Đặc biệt, từ khi có chủ trương sáp nhập đến nay trường rất khó làm công tác tuyển sinh. Tôi hy vọng, sau khi sáp nhập việc đầu tư sẽ tập trung hơn, giáo viên văn hóa của đơn vị mà nhà trường sẽ sáp nhập vào sẽ làm nhiệm vụ trực tiếp chứ không phải hợp đồng theo tiết như hiện nay. Bên cạnh đó, đối với các nghề còn thiếu giáo viên, sau khi sáp nhập trường sẽ có cơ sở để đề xuất trong tuyển dụng hợp đồng mới đối với giáo viên dạy nghề.

sapnhaptruongnghe-b4-box1.png

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành, ông Trần Trung Thuận cho rằng: Nếu sáp nhập các trường nghề sẽ tạo cơ hội để các trường phát triển, giải quyết được các bài toán khó về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Vấn đề đặt ra là sáp nhập thế nào để hài hòa cho cả hai đơn vị và vẫn đảm bảo được quyền lợi cho đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường.

bna_0195-0707a99a763ef5786b20a1cd17a7252a.jpg
Đào tạo nghề Điện ở Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành. Ảnh: Thanh Nga

Thực tế là vậy, nhưng quá trình sáp nhập hiện nay đang có nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể. Liên quan đến việc sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh, ngày 16/8/2023, UBND thành phố Vinh đã có Văn bản số 4415/UBND-NV gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và đề xuất phương án sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh với Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An và thuộc cơ quan chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vì cả hai đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng cùng nằm trên địa bàn thành phố.

Dù văn bản đã ban hành 1 năm, nhưng cho đến thời điểm này, việc sáp nhập vẫn chưa được triển khai. Trả lời nội dung này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến mong muốn UBND thành phố Vinh nghiên cứu kỹ về phương án sáp nhập vào các trường cao đẳng trên địa bàn hoặc có cơ chế giải thể đối với Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh.

Học sinh học may tại Trường Trung cấp Kinh tế - Thủ công nghiệp Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Theo lý giải của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hiệu quả quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nêu rõ đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: “Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả”. Song song với đó, Quyết định 73/QĐ/TTg ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng có nội dung nêu rõ: “Rà soát sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập”. Từ các văn bản hướng dẫn này, có thể thấy việc sáp nhập trường trung cấp với trung cấp là chưa phù hợp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu thành phố Vinh cần nghiên cứu các văn bản hiện hành và điều kiện thực tiễn để có phương án thực hiện đúng với quy định.

Về vấn đề này đại diện Sở Nội vụ cho biết, ngành Nội vụ Nghệ An đã lấy ý kiến của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có được sự tham mưu chính xác nhất cho việc sáp nhập của Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh. Tuy nhiên, việc sáp nhập vào một trường cao đẳng hay giải thể Trường Trung cấp này theo tinh thần Đề án 14 và Quyết định 73 vẫn còn cần thời gian.

Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An
Trường Trung cấp Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Tương tự, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành cũng chưa được sáp nhập dù lãnh đạo nhà trường mong muốn được sáp nhập để ổn định tổ chức. Trong trường hợp chưa thể sáp nhập nếu vướng cơ chế hoặc văn bản quy định thì cần tạo điều kiện để nhà trường tuyển dụng lao động và tạo tâm lý ổn định cho giáo viên, nhân viên.

Nói thêm về điều này, ông Trần Trung Thuận - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Yên Thành chia sẻ: Chúng tôi mong muốn được sáp nhập vào một trường cao đẳng ở tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động và giúp nâng vị thế của nhà trường. Vấn đề hiện nay, đó là đơn vị nào sẽ đứng ra chủ trì việc sáp nhập bởi trường chúng tôi trực thuộc huyện. Trong khi đó, trường cao đẳng lại trực thuộc tỉnh. Nếu không có đầu mối thì việc sáp nhập sẽ kéo dài và chậm triển khai.

Qua thực tế giám sát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, ông Chu Đức Thái - Trưởng ban Văn hóa – Xã hội – Hội đồng nhân dân tỉnh cho rằng: Việc sáp nhập các cơ sở dạy nghề là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo nghề từ đó đào tạo ra lực lượng nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện có để tham mưu sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với quy hoạch của tỉnh; lựa chọn và ưu tiên tập trung hỗ trợ đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo các nghề trọng điểm; trường chuyên biệt và theo vùng miền, khu vực để đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Tham mưu đưa quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào quy hoạch chung của tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Trên cơ sở đó, tham mưu xây dựng, vận hành cơ chế điều tiết giáo viên, trang thiết bị dạy nghề trên phạm vi toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động.

Giờ thực hành may của học viên Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tây Bắc
Giờ thực hành may của học viên Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Bắc. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng với đó tỉnh cần đẩy nhanh phương án sáp nhập, giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động kém hiệu quả theo Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đánh giá lại việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, có tính chất vùng, liên vùng khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải.

sapnhaptruongnghe-b4-tit2.png

Có nhiều người lo lắng nếu chưa có chiến lược "tiền" sáp nhập và "hậu" sáp nhập khi quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì những vấn đề dôi dư về đất đai, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên, người học,... sẽ được giải quyết thế nào để tránh xảy ra khó khăn, dẫn tới chỉ sáp nhập về mặt cơ học chứ không phải để nâng cao chất lượng.

Về điều này, ông Bùi Đức Tuấn – Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn cho biết: Sau khi sáp nhập vì lượng học sinh tham gia học sau phân luồng tăng theo từng năm nhưng đội ngũ nhà giáo lại không được phép tuyển dụng mới, trường cũng không được tuyển dụng giáo viên hợp đồng nên rất khó khăn trong công tác dạy và học. Hiện nay nhà trường chỉ xin chỉ tiêu đào tạo 2 lớp nghề thay vì 5 lớp như trước đây.

Một giờ học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt Đức
Một giờ học theo chương trình liên kết giữa Trung tâm GDNN - GDTX huyện Anh Sơn và Trường Cao đẳng Việt Đức. Ảnh: Mỹ Hà

Đối với các trường nghề chuẩn bị thực hiện sáp nhập, những băn khoăn về đội ngũ giáo viên và những vấn đề về tuyển dụng, sử dụng cơ sở vật chất càng thấy rõ. Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh, ông Nguyễn Huy Lương cho rằng, dù phương án nào, sáp nhập vào trường cao đẳng hay vào trung cấp nghề tương đương thì cũng cần có sự sắp xếp ổn định cho đội ngũ giáo viên cũng như sự đầu tư tương xứng. Còn đối với cơ sở vật chất hiện thời theo Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Vinh thì vẫn để nguyên hiện trạng cho những hạng mục thực hành để tránh gây lãng phí.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật huyện Nghi Lộc, ông Lương Anh Tuấn cho biết: Hiện trường đang mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng gồm khuôn viên phòng học, sân bóng và một số hạng mục khác; nếu sáp nhập vào trường cao đẳng trên địa bàn lân cận thì cơ sở này vẫn là một vệ tinh và một nơi đào tạo chất lượng, vì thực tế cơ sở dạy nghề của huyện Nghi Lộc vẫn là nơi đào tạo nghề thu hút học sinh các địa bàn miền núi và vùng phụ cận từ nhiều thập niên.

Tiết học nghề tại Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Nghi Lộc. Ảnh: NTCC
Tiết học nghề tại Trường Trung Cấp Kinh Tế - Kỹ Thuật Nghi Lộc. Ảnh: NTCC

Theo quan điểm của Sở Nội vụ, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của trường trung cấp được sáp nhập vào trường cao đẳng nếu đến tuổi nghỉ hưu sẽ không bổ nhiệm hoặc không tuyển nhân sự thay thế; số còn lại chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cho thuyên chuyển và chuyển đổi vị trí công tác từ trường trung cấp đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đưa ra phương án giảm dần và dừng quy mô tuyển sinh của các trường trung cấp trong năm sáp nhập...

Có thể thấy rõ, nếu công tác sáp nhập được thực hiện nhanh theo lộ trình của Đề án 14 ĐA/TU, thì các trường nghề sau sáp nhập có một số ngành nghề đào tạo được bổ sung, phát triển đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Thiết bị đào tạo cũng được gia tăng, đảm bảo đủ để triển khai hoạt động thực hành nghề nghiệp.

Giờ học may tại trường Trung cấp DTNT Nghệ An
Giờ học may tại Trường Trung cấp DTNT Nghệ An.

Ông Chu Đức Thái – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội – HĐND tỉnh khẳng định thêm: Đề án số 14 ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2025, giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020 là tín hiệu đáng mừng cho thấy chúng ta đang tập trung về "chất" trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.


>> Trang chủ
>> Kỳ 1: Cấp thiết sắp xếp lại mạng lưới trường nghề
>> Kỳ 2: “Khoảng trống” giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất
>> Kỳ 3: Sáp nhập là xu thế tất yếu

Thanh Nga – Mỹ Hà