Kinh tế

Vườn dược liệu quý dưới tán rừng săng lẻ ở miền Tây Nghệ An

Xuân Hoàng - Quang An 26/08/2024 12:47

Dưới những tán rừng tự nhiên khép kín, người dân huyện Tương Dương (Nghệ An) đã triển khai trồng nhiều cây dược liệu quý, bước đầu cho thu hoạch khả quan.

Clips: Quang An - Xuân Hoàng

Vườn cây khôi nhung tía, trà hoa vàng dưới tán rừng

Trở lại xã Yên Hoà sau nhiều năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay của bộ mặt thôn, bản. Ông Đặng Văn Viên - Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết, không những dịch vụ thương mại phát triển, mà trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, tiêu biểu là trồng cây dược liệu quý dưới tán rừng.

bna_dl1.jpg
Đầu năm 2023, cây dược liệu khôi nhung tía được đưa về trồng dưới tán rừng săng lẻ trên địa bàn xã Yên Hoà. Ảnh: PV

“Trăm nghe không bằng một thấy”, ông Viên dẫn chúng tôi đi bộ dọc con khe vào với cánh rừng săng lẻ bạt ngàn, cây nào cũng cao chót vót. Để có rừng săng lẻ đẹp như vậy là nhờ khoảng 30 năm về trước, người dân bản địa đã khoanh nuôi, bảo vệ, giúp rừng được tái sinh tốt. Dưới tán rừng quanh năm rợp bóng mát, 2 năm qua, chủ trương của địa phương là đưa các loại cây dược liệu vào trồng, trong đó có cây chè hoa vàng, ba kích và khôi nhung tía. Nhờ có độ ẩm cao, quanh năm râm mát, nên các loại cây dược liệu phát triển tốt.

bna_pv.jpg
Sau gần 2 năm trồng, đến nay cây khôi nhung tía đã cao bằng đầu người. Ảnh Quang An

Điển hình là cây khôi nhung tía đã trồng được hơn 3ha ngay dưới cánh rừng săng lẻ, nhờ các hộ dân đầu tư làm hàng rào bằng dây thép gai, ngăn trâu, bò vào phá hại, nên tỷ lệ cây sống đạt gần 100%, cây nào cũng phát triển nhanh; sau 2 năm, chiều cao của cây gần 2m, bộ lá xanh tốt. Mới rồi, một số hộ đã thu hái 250kg lá, bán cho đơn vị sản xuất, chế biến dược liệu ở huyện Con Cuông với giá 120.000 đồng/kg tươi.

“Toàn bộ các loại cây giống dược liệu được mua từ Tam Đảo (Vĩnh Phúc) về cấp phát cho bà con trồng, nên ai cũng có ý thức bảo vệ. Đối với cây khôi nhung tía, sau 2 năm có thể cho thu hoạch lá, nhưng với cây ba kích, chè hoa vàng, phải sau 5 năm mới cho thu hoạch, nên đi đôi với trồng là công tác bảo vệ luôn phải đảm bảo” - ông Đặng Văn Viên chia sẻ.

Cây khôi nhung tía ở xã Yên Hoà sau 2 năm trồng, nay đã cao quá đầu người. Ảnh Quang An
Mới rồi, người dân xã Yên Hoà lần đầu tiên thu hoạch lá khôi nhung tía, bán với giá 120.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Vi Văn Chôm - Trưởng bản Cọc, xã Yên Hoà, cũng là hộ thực hiện mô hình trồng cây khôi nhung tía, phấn khởi cho hay: Trồng cây dược liệu được xã hỗ trợ cây giống, phân bón; các hộ dân có trách nhiệm làm bờ rào bảo vệ. Trong quá trình chăm sóc không cần đầu tư gì thêm, chỉ cần thường xuyên chặt phát cây dại để vườn cây dược liệu phát triển là được.

Do điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn nên bà con không có kinh phí để làm cột bê tông mà sử dụng cây rừng để làm cột trụ hàng rào, sau đó mua dây thép gai về buộc cố định vào cột trụ thành 2 - 3 lớp, cao gần 1m. Làm như vậy độ bền của hàng rào cao, trâu, bò không bước qua được. Được bảo vệ, chăm sóc tốt, những năm tới đây, cánh rừng dược liệu khôi nhung tím này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều hộ dân.

người dân bản Cọc, xã Yên Hoà làm hàng rào vảo vệ vường cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Ảnh Xuân Hoàng
Người dân bản Cọc, xã Yên Hoà làm hàng rào bảo vệ vườn cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Ảnh Xuân Hoàng

Cũng trong cánh rừng tự nhiên của bản Cọc, bản Yên Tân, nhiều vườn cây dược liệu ba kích, chè hoa vàng mới trồng gần 1 năm nay. Ông Đặng Văn Viên cho biết thêm, sau 2 năm triển khai trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xã Yên Hoà đã có 3,5ha cây ba kích, 3ha cây khôi tía và hơn 3 ha cây chè hoa vàng. Đây là nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia hỗ trợ cho gần 100 hộ nghèo, cận nghèo tham gia trồng. Xã Yên Hoà còn hỗ trợ người dân trồng chuối lấy lá 3,5ha tại bản Cành Khỉn.

Ngoài ra, nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia còn hỗ trợ 40 hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi bò vàng địa phương (mỗi hộ được cấp 1 con bò cái sinh sản). Việc trồng cây dược liệu, cây chuối lấy lá và phát triển chăn nuôi bò địa phương, là khai thác tiềm năng vùng đất đồi rừng, nhằm tạo sinh kế, hướng đến phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại địa phương.

Quy hoạch bảo tồn các loài dược liệu có giá trị

Huyện Tương Dương có thế mạnh phát triển trồng cây dược liệu khi phần lớn diện tích là đồi rừng, với những cánh rừng tự nhiên được khoanh nuôi, bảo vệ tốt. Theo đó, huyện đã và đang triển khai xây dựng đề án quy hoạch, phát triển dược liệu, chi tiết từng vùng bảo tồn các loài dược liệu có giá trị: Vùng trồng dược liệu dưới tán rừng; Vùng trồng dược liệu tập trung trên các diện tích đất trống và đất nông nghiệp chuyển đổi; Các trung tâm và vườn ươm cây giống dược liệu; Các cơ sở thu mua, lưu trữ, chế biến dược liệu; Các sản phẩm dược liệu sẽ đầu tư để đạt tiêu chuẩn hoặc OCOP.

ba kich
Cây ba kích được trồng dưới tán rừng ở Tương Dương. Ảnh: Quang An

Huyện đã mời được 3 tập đoàn dược và công ty sẵn sàng cùng đầu tư và chủ trì liên kết. Huyện Tương Dương cũng đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Vinh, theo đó, các chuyên gia sẽ hỗ trợ kỹ thuật triển khai nội dung trồng dược liệu quý. Quỹ Môi trường toàn cầu thế giới cùng với người dân trên địa bàn huyện triển khai trồng dược liệu quý đã 3 năm, với diện tích 18 ha.

Vừa qua, UBND huyện phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu thế giới tổ chức hội thảo kết nối “4 nhà” trong phát triển dược liệu bền vững. Đặc biệt, lần đầu tiên, việc phát triển dược liệu trong nước nói chung nhận được sự quan tâm đầu tư từ Chính phủ nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế, gắn với phát triển kinh tế - xã hội thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, nội dung 2 của tiểu dự án 2 - Dự án 3 là một phần quan trọng, tập trung vào việc đầu tư và hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào khu vực này.

Số liệu của UBND huyện Tương Dương cho thấy, tính đến thời điểm này, tổng diện tích bảo tồn dược liệu trong các hệ sinh thái rừng tự nhiên khoảng 5.500 ha; Diện tích trồng dược liệu dưới tán rừng 63,5 ha; Diện tích trồng dược liệu tập trung 58 ha; Có 4 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến dược liệu; Có 4 vườn ươm cây giống dược liệu quy mô nhỏ dưới 200m²; Có 3 sản phẩm đạt sao OCOP.

Ông Đặng Văn Viên - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều khu rừng săng lẻ được bảo vệ tốt, đặc biệt có 2 khu rừng đẹp nhất. Ngoài ra, còn có 15ha rừng săng lẻ ở các bản khác, do chưa có đường vào nên chưa phát triển thành điểm du lịch, nhưng xã đã triển khai trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng săng lẻ. Trong ảnh: Một góc rừng săng lẻ của bản Cọc, xã Yên Hòa. Ảnh: Quang An
Một góc rừng săng lẻ của bản Cọc, xã Yên Hòa. Ảnh: Quang An

Tuy nhiên, theo ông Lô Văn Thanh - Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, bên cạnh những lợi thế thì huyện đang gặp không ít khó khăn trong phát triển cây dược liệu, đó là: Thiếu sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân; Chưa có đề án/quy hoạch xác định các vùng phát triển dược liệu; Thiếu vùng ươm và cung cấp giống đủ lớn và đảm bảo chất lượng; Danh mục 100 loại dược liệu giá trị còn một số điểm chưa phù hợp.

Cùng với rừng săng lẻ, các địa phương trên địa bàn huyện Tương Dương chung tay bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tốt, độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt trên 72%. Trong ảnh: Xã Yên Hòa được phủ xanh của những cánh rừng tự nhiên. Ảnh: Xuân Hoàng
Các địa phương trên địa bàn huyện Tương Dương chung tay bảo vệ rừng tự nhiên ngày càng tốt, độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện đạt trên 72%, là điều kiện thuận lợi để trồng dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: Xuân Hoàng

Có thể nói, trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên. Do vậy, các ngành chức năng và các địa phương cần tập trung xác định vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu.

Xuân Hoàng - Quang An