Quốc tế

'Đầu tàu kinh tế' châu Âu đối mặt với suy thoái

Mỹ Nga 28/08/2024 11:04

The Daily Telegraph cho rằng, vô số vấn đề và mức đầu tư thấp đã dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế Đức. Đức không có thời gian để thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

duc.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đối diện với bài toán vực dậy nền kinh tế. Ảnh: AP

Theo đài RT ngày 28/8, tờ Daily Telegraph (Anh) nhận định, từng là trung tâm, “đầu tàu” kinh tế của châu Âu, Đức đang rơi vào tình trạng tài chính khó khăn hơn bao giờ hết. Trong quý đầu tiên của năm 2024, nước này suýt tránh được suy thoái kinh tế với mức tăng trưởng GDP chỉ 0,2%. Tuy nhiên, trong quý II, mức tăng trưởng lại bắt đầu giảm.

Daily Telegraph cho rằng, trong số các nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ này là sự chậm trễ quan liêu, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, các cuộc biểu tình chống xây dựng, lực lượng lao động bị thu hẹp, hệ thống phúc lợi quá hào phóng và dân số già. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là mức đầu tư vào kinh doanh và nhà ở thấp, vì ngành công nghiệp truyền thống chiếm phần lớn GDP của Đức.

Việc Đức buộc phải chuyển đổi sang ô tô điện chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, bởi Đức từ lâu vẫn là quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất ô tô. Các doanh nghiệp quy mô vừa, thuộc sở hữu gia đình thường dựa vào ngành động cơ đốt trong, nay có thể đối diện với đóng cửa hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, theo Daily Telegraph, đất nước này còn quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ từ Nga, vốn đã cạn kiệt khi xung đột Ukraine bùng nổ. Đồng thời, Berlin tiếp tục “tự bắn vào chân mình” bằng cách đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động còn lại.

Đức đang gặp khó khăn trong việc thích ứng với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và có thể sẽ tụt hậu so với các nước láng giềng. Đằng sau vẻ bề ngoài thịnh vượng, ở các thành phố của Đức có rất nhiều vấn đề tiềm ẩn, song vẫn chưa nhận thức đầy đủ điều này.

Mỹ Nga