Ứng dụng khoa học công nghệ bảo vệ nguồn gen cây, con bản địa Nghệ An
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm của Nghệ An được bảo tồn, khai thác và phát triển.
Ngày 30/8, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị giao ban hoạt động KH&CN cấp huyện, thành phố năm 2024. Dự hội nghị có đại diện Vụ Ứng dụng công nghệ và Tiến bộ kỹ thuật, Viện nghiên cứu và các nhà khoa học; một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, các đồng chí lãnh đạo Sở KH&CN; đại diện UBND các huyện, thành, thị, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, hoạt động KH&CN cấp huyện có được kết quả nổi bật: Đến nay đã có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương được tác động về khoa học công nghệ.
Trong đó, có nhiều sản phẩm được xếp hạng sao OCOP; Nguồn gen nhiều loại cây trồng, vật nuôi quý hiếm đã được bảo tồn, khai thác và phát triển như: cây trà hoa vàng, đẳng sâm, ba kích tím, hà thủ ô đỏ, khôi tía, đương quy Nhật Bản... làm nền tảng để triển khai chương trình phát triển dược liệu và công nghiệp dược.
Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn xã hội góp phần quan trọng trong việc từng bước thay đổi và tạo phong cách, phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chẳng hạn: Văn phòng điện tử VNPT-office, phần mềm quản lý khám và điều trị tại các bệnh viện, giáo dục không giấy tờ ...
Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Chất lượng hàng hóa từng bước được nâng lên, một số mặt hàng đã khẳng định được thương hiệu, từng bước chiếm lĩnh thị trường;
Nhiều sản phẩm của Nghệ An đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn quốc tế, bảo hộ về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, có sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã được triển khai áp dụng việc dán tem truy xuất nguồn gốc nhất là những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương nhận thức rõ về vai trò của KH&CN, có trách nhiệm trong việc thành lập, hỗ trợ hoạt động của các mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh (hợp tác xã, các hội, doanh nghiệp); quan tâm quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát triển nhãn hiệu; Người dân có ý thức trong việc tham gia các tổ chức sản xuất kinh doanh, xây dựng bảo vệ chất lượng, thương hiệu sản phẩm; phối hợp giúp đỡ nhau để cùng sản xuất kinh doanh tốt hơn, có hiệu quả cao hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã làm rõ những hạn chế trong hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện: Các hoạt động còn triển khai chậm so với kế hoạch đã được ký kết; Các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn huyện còn phân tán, không theo chuỗi sản phẩm nên chưa tạo ra được những đột phá mang tính quyết định...
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận, ý kiến đóng góp và những chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ tại địa phương mình. Đồng thời, thảo luận, bàn bạc, đưa ra các định hướng hoạt động khoa học công nghệ trên địa bàn thời gian tới.
Trong năm 2024 có 24 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai mới với mức hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp Khoa học từ 90-160 triệu đồng/mô hình. Đến nay, đã có 19/24 mô hình mới được triển khai đạt 79,2% kế hoạch.
Ngoài ra, 8 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn các huyện, thành, thị đã xây dựng được trên 119 mô hình, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau. Tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông - lâm – ngư nghiệp và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ.