Thể thao

Những hạn chế khiến các 'U lớn' của SLNA chưa được như kỳ vọng

Đức Anh 31/08/2024 15:28

Những mùa giải gần đây, các lớp như U11, U13 Sông Lam Nghệ An vẫn duy trì sự thống trị tại các Giải U11, U13 toàn quốc. Tuy nhiên, các đội U17, U19, U21 lại không có được thành công như mong đợi. Vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An.

1(6).jpg

P.V: Ông có thể điểm qua thành tích nổi bật của Sông Lam Nghệ An khi tham dự các giải trẻ năm 2024 do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức?

Ông Trần Quang Dũng: Tại mùa giải 2024, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An đã tham gia đầy đủ tất cả các giải trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Trong đó, U11, U13 Sông Lam Nghệ An giành chức vô địch đầy thuyết phục ở Giải Nhi đồng toàn quốc 2024 và Thiếu niên toàn quốc 2024.

Bên cạnh đó, U19 Sông Lam Nghệ An cũng giành Huy chương Đồng. Chỉ có U17 và U21 Sông Lam Nghệ An chưa đạt được thành tích như mong muốn.

bna_4(2)-2d67713b83fa240034f595528e87b449.jpg
U11 Sông Lam Nghệ An giành chức vô địch Giải Nhi đồng toàn quốc 2024. Ảnh: P.V

P.V: Có thể khẳng định, mùa giải năm nay các lớp U nhỏ của Sông Lam Nghệ An tiếp tục khẳng định sức mạnh khi giành tới 2 chức vô địch tại Giải U11 và U13 toàn quốc. Vậy lý do nào để Sông Lam Nghệ An luôn duy trì được sự thành công đó?

Ông Trần Quang Dũng: Để có được thành công đó, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An luôn chú trọng đến nguồn đầu vào cho các lớp U11 và U13. Trung tâm đã chủ động tuyển chọn vận động viên khi các cháu mới chỉ từ 9 đến 10 tuổi. Sau quá trình ăn ở, tập chuyên nghiệp, các cháu sẽ có bước trưởng thành vượt bậc. Trong khi đó, các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ lớn khác thường tuyển chọn vận động viên muộn hơn (từ 11 tuổi trở lên), nên không có được thành tích như Sông Lam Nghệ An.

699-202407171628553.jpg
Niềm vui của thầy trò U13 Sông Lam Nghệ An tham dự giải U13 Quốc gia 2024. Ảnh: Chung Lê

Bên cạnh chuẩn bị kỹ lưỡng về đầu vào, chuyên môn thì điều kiện tập luyện, dinh dưỡng cho cầu thủ là rất cần thiết. Tại Sông Lam Nghệ An, hiện nay được sự hỗ trợ của tỉnh, điều kiện sân bãi, dụng cụ thi đấu đang đáp ứng rất tốt cho độ tuổi U11 hay U13 tập luyện.

Về chế độ dinh dưỡng, mỗi ngày mỗi vận động viên sẽ được hưởng chế độ tiền ăn từ ngân sách tỉnh là 150.000 đồng và nhà tài trợ hỗ trợ thêm 30.000 đồng tiền sữa. Với số tiền 1 ngày là 180.000 đồng/người đảm bảo được chế độ dinh dưỡng cần thiết cho các vận động viên từ U10 đến U13.

Về chuyên môn, trung tâm chủ trương bố trí các huấn luyện viên trẻ giàu nhiệt huyết, có đầy đủ bằng cấp, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới, luôn khát khao để tham gia huấn luyện tại các lớp nhỏ.

Với những yếu tố trên, thì việc U nhỏ của Sông Lam Nghệ An có được thành công tại tất cả các giải trẻ do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức là điều dễ hiểu.

P.V: Vậy một câu hỏi được đặt ra là, vì sao các đội U nhỏ của Sông Lam Nghệ An luôn đạt được thành tích cao, nhưng các đội U lớn thì chưa có được thành công như kỳ vọng?

Ông Trần Quang Dũng: Năm nay, U17 và U21 Sông Lam Nghệ An chưa có được thành tích như kỳ vọng, có nhiều nguyên nhân như: Nhiều cầu thủ tham dự có độ tuổi nhỏ hơn quy định của giải; nhiều cầu thủ tài năng phải tập trung đội tuyển quốc gia; nhiều cầu thủ mất phong độ;...

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những nguyên nhân mang tính chủ quan, về sâu xa tôi cho rằng, các U lớn của Sông Lam Nghệ An chưa có được thành tích như mong đợi do một số nguyên nhân như sau:

Ông Hồ Lê Đức (ngoài cùng bên trái) và lãnh đạo Tập đoàn Nikkokutrust thị sát nhà ăn của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Chung Lê
Ông Hồ Lê Đức (ngoài cùng bên trái) và lãnh đạo Tập đoàn Nikkokutrust kiểm tra nhà ăn của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An. Ảnh: Chung Lê

Đầu tiên phải nói đến chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên ở lứa tuổi U15 trở lên, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, theo quy định của tỉnh Nghệ An, mỗi cầu thủ được hưởng tiền ăn là 150.000 đồng/ngày. Chế độ này đã đảm bảo tốt cho các cầu thủ thuộc lứa U13 trở xuống, nhưng chưa phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đối với các cầu thủ từ 15 tuổi trở lên. Điều đó dễ thấy rõ ở sức vóc của các cầu thủ Sông Lam Nghệ An. Các cầu thủ xứ Nghệ từ 16 tuổi trở lên, thường không có được thể hình, thể lực tốt như các vận động viên thuộc các trung tâm đào tạo lớn khác. Các cầu thủ thường bị đuối sức trước những pha tranh chấp, đua tốc độ.

Thứ hai, hiện Sông Lam Nghệ An chỉ có 1 sân cỏ tự nhiên đảm bảo để cho đội hình 11 người tập luyện. Tuy nhiên, sân phụ này chủ yếu để dành cho Đội 1 Sông Lam Nghệ An tập luyện. Các lớp từ U15 trở lên chỉ được tập khi sân rảnh, còn hầu hết phải tập ở sân cỏ nhân tạo không đủ kích thước. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xây dựng giáo án cho các bài tập về kỹ, chiến thuật của huấn luyện viên.

Thứ ba, về mặt chuyên môn, từ trước đến nay, trung tâm chưa xây dựng được lối chơi xuyên suốt cho các cầu thủ từ U nhỏ lên đến U lớn. Mỗi huấn luyện viên có một triết lý riêng, nên các cầu thủ thường bỡ ngỡ khi chuyển lên các lớp U lớn hơn.

Đó là những hạn chế khiến cho thành tích của các đội U lớn chưa được như kỳ vọng.

P.V: Vậy đứng trước những bất cập đó, Sông Lam Nghệ An đã có những giải pháp như thế nào để khắc phục?

Ông Trần Quang Dũng: Để giải quyết vấn đề này một cách triệt để, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Nghệ An, các nhà tài trợ. Trước mắt, câu lạc bộ đã có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, cụ thể:

Ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An (đứng ở giữa). Ảnh: Chung Lê
Ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An (giữa). Ảnh: Chung Lê

Về dinh dưỡng, hiện Sông Lam Nghệ An đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Nikkokutrust (chuyên về lĩnh vực dinh dưỡng) đến từ Nhật Bản. Tập đoàn này sẽ xây dựng khẩu phần ăn khoa học nhằm nâng cao thể lực cho vận động viên.

Về chuyên môn, từ mùa giải năm nay, trung tâm đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo vận động viên. Trong đó, năm 2024, trung tâm cử 3 huấn luyện viên đi học chứng chỉ A của Liên đoàn Bóng đá châu Á, 4 huấn luyện viên đi học chứng chỉ B của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức. Tôi nghĩ rằng, sau mùa giải này, công tác đào tạo vận động viên tại trung tâm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đánh giá lại năng lực nghiệp vụ của từng huấn luyện viên để phân công phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các đội trẻ đạt được thành tích tốt hơn.

bna_433463606_1836615420103870_3099658231409586242_n-5ef50164a24f679a1db6664dd2857fe1.jpg
Ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SLNA.

Chúng tôi cũng sẽ đánh giá lại năng lực nghiệp vụ của từng huấn luyện viên để phân công phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giúp các đội trẻ đạt được thành tích tốt hơn.

Ông Trần Quang Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SLNA

Song song với đó, hiện Sông Lam Nghệ An đã mời được giám đốc kỹ thuật đến từ Nhật Bản. Đây là yếu tố then chốt giúp cho các huấn luyện viên tại đội trẻ Sông Lam Nghệ An có sự thống nhất trong việc xây dựng giáo án, cập nhật các kiến thức huấn luyện mới, từ đó, tạo ra một triết lý chơi bóng xuyên suốt từ đội trẻ lên đến cấp độ đội 1.

Với những động thái nói trên, tin rằng, các đội trẻ Sông Lam Nghệ An sẽ có được thành công hơn nữa ở những mùa giải sau. Và đặc biệt, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Sông Lam Nghệ An sẽ đào tạo ra nhiều nhân tài cho bóng đá tỉnh nhà, cũng như đóng góp nhiều cầu thủ chất lượng cho các đội tuyển quốc gia.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đức Anh