Bế tắc đầu ra, nhiều nhà máy gạch tuynel ở Nghệ An tồn bãi với số lượng lớn
Thời gian vừa qua thị trường gạch tuynel ở Nghệ An bế tắc đầu ra, gạch tồn bãi với số lượng lớn, nhiều nhà máy phải hoạt động cầm chừng.
Có mặt tại Nhà máy gạch tuynel Tân Kỳ ở xã Tân Long, thấy gạch xếp từng lối dài ngổn ngang nhưng vắng ô tô vận tải vào mua. Đại diện Ban Giám đốc nhà máy cho biết: Từ đầu tháng 7/2023 đến nay sản phẩm gạch tuynel rất khó tiêu thụ, hiện đang còn tồn bãi khoảng trên 9 triệu viên.
Trước khó khăn trên, từ ngày 22/8 đến nay, nhà máy đang phải tạm dừng hoạt động sản xuất, kéo theo đó là trên 100 lao động không có việc làm. Để giữ chân lao động, nhà máy vẫn phải đóng 100% tiền bảo hiểm, hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/1 lao động.
Ông Vi Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Kỳ cho biết: Địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 4 nhà máy gạch tuynel. Do khó khăn về đầu ra nên hiện cả 4 nhà máy đều phải hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân gạch khó tiêu thụ thời gian qua là do công trình xây dựng dân sinh và các công trình, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước đều ít thi công. Để các nhà máy phát triển ổn định, huyện khuyến khích các nhà máy cần đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh với thị trường, đặc biệt là cần tìm các thị trường mới…
Cũng nằm trong tình trạng trên, địa bàn huyện Thanh Chương có 4 nhà máy gạch hoạt động cầm chừng. Nhà máy gạch Rào Gang ở thị trấn Thanh Chương có công suất 2 triệu viên/năm, từ tháng 7 đến nay chỉ hoạt động 20% công suất.
Ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Nhà máy gạch Rào Gang cho biết: Chưa có năm nào khó khăn như năm nay, sản phẩm gạch làm ra hầu như không bán được phải tồn bãi nhiều. Trong khi đó, giá vật tư lại tăng cao; trước đây chỉ 1 triệu đồng/tấn than, nay tăng lên 2 triệu đồng/tấn than. Trước thực trạng trên, nhà máy đang tạm dừng sản xuất, chờ lúc nào thị trường ổn định mới hoạt động trở lại.
Tại nhà máy gạch ngói 30/4 xã Thanh Khai với công suất 60 triệu viên/năm nhưng đến nay chỉ hoạt động đạt trên 50% công suất. Thời điểm này nhà máy hoạt động theo đơn đặt hàng không dám sản xuất ồ ạt vì sợ khó tiêu thụ.
Đại diện Sở Xây dựng cho biết: Địa bàn Nghệ An hiện có 27 nhà máy gạch nung tuynel, phân bố trên 12 huyện, thành, thị gồm ở các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn, Hưng Nguyên, tổng công suất theo thiết kế trên 700 triệu viên/năm. Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra nên tính từ đầu năm 2024 đến nay các nhà máy chỉ hoạt động trên 50%, nhiều nhà máy còn tồn bãi với số lượng gạch khá lớn.
Sở Xây dựng khuyến cáo doanh nghiệp tìm các giải pháp chủ động ứng phó linh hoạt như cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh…
Theo dự báo, trong thời gian tới ngành sản xuất gạch tuynel sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và nếu như các doanh nghiệp không có phương án đổi mới sản xuất - kinh doanh thì sẽ khó tồn tại được trên thị trường.