Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 232 của Hoàng đế Quang Trung
Sáng 1/9 (nhằm ngày 29/7 năm Giáp Thìn), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 232 của Hoàng đế Quang Trung nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc.
Dự lễ có đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.
Cùng dự có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; Nguyễn Đình Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo một số ban, sở, ngành.
Lãnh đạo TP. Vinh có đồng chí Phan Đức Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; cùng các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và các ban, ngành, phường, xã.
Cùng dự có Ban Liên lạc họ Hồ Nghệ An, TP. Vinh và Thái Lão, Hưng Nguyên.
Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ thứ XVIII gắn liền với sự nghiệp của ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, mà tiêu biểu là Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ - người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Từ một tướng lĩnh tài ba bách chiến, bách thắng, Quang Trung - Nguyễn Huệ đã trở thành vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một thiên tài quân sự, đánh đổ các thế lực phong kiến cát cứ Lê, Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới Sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm, quét sạch 5 vạn quân Xiêm với chiến công Rạch Gầm -Xoài Mút năm 1785 và đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử năm Kỷ Dậu 1789, đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Hoàng đế Quang Trung không những là nhà quân sự thiên tài mà còn là nhà chính trị lỗi lạc với nhiều chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, thu phục nhân tâm, lãnh đạo đất nước trên các phương diện kinh tế, văn hoá, xã hội và bang giao hữu nghị với các nước láng giềng, hòa nhập vào tiến bộ chung của nhân loại.
Hoàng đế Quang Trung sinh năm Quý Dậu (1753) tại ấp Kiên Thành, phủ Tuy Viễn, huyện Quy Nhơn, nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định; tổ tiên là người họ Hồ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sau khi vào Bình Định đổi sang họ Nguyễn.
Sau khi dẹp bỏ thù trong, giặc ngoài, Triều đại Tây Sơn dưới sự trị vì của Hoàng đế Quang Trung đã chăm lo chấn hưng đất nước và quyết định dời đô về Nghệ An vì “chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam, ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về”.
Ngày 01/10/1788, cách đây 236 năm, Hoàng đế Quang Trung đã hạ chiếu xây dựng kinh đô Phượng Hoàng tại xã Yên Trường, huyện Chân Lộc dưới chân núi Dũng Quyết, nay là phường Trung Đô, thành phố Vinh; vùng đất được xem có “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, thực là chỗ đất đẹp để đóng đô”.
Giữa lúc đất nước đang trên đà phát triển, thái bình và hưng thịnh, ngày 16/9/1792 (ngày 29/7 năm Nhâm Tý), Hoàng đế Quang Trung băng hà ở tuổi 39, triều đại Tây Sơn kéo dài thêm một thời gian ngắn thì sụp đổ.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm, Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung được thành phố Vinh tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống vào ngày 29/7 Âm lịch tại Đền thờ vị Anh hùng áo vải trên núi Dũng Quyết, một danh sơn của thành phố Vinh gắn liền với quá trình xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Trong không khí thiêng liêng, thành kính, với tấm lòng tri ân sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, sở, ngành và thành phố Vinh, dòng họ Hồ cùng đông đảo Nhân dân dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước công lao to lớn và sự nghiệp vĩ đại của vị Anh hùng áo vải Quang Trung; mong anh linh Hoàng đế phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, toàn dân trên dưới một lòng bảo vệ và phát triển đất nước; tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung là dịp để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vị Hoàng đế anh minh đã hết lòng vì độc lập dân tộc, vì sự bình an, hạnh phúc của nhân dân.
Tinh thần, khí chất, trí tuệ, di sản của Hoàng đế Quang Trung mãi mãi trường tồn cùng dân tộc, góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, là nguồn cổ vũ, động viên để các thế hệ tiếp bước cha ông, phấn đấu xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.