Náo nức mừng Tết Độc lập trên khắp các miền quê Nghệ An
Những ngày này, không khí nô nức, náo nhiệt bao trùm khắp muôn nẻo đường quê xứ Nghệ. Đến đâu cũng thấy người dân chộn rộn chuẩn bị cho Tết Độc lập và kỳ nghỉ lễ dài ngày...
Đậm đà bản sắc dân tộc
Những ngày này, người dân xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) nô nức đón chào Tết Độc lập. Các thành viên đội văn nghệ chuẩn bị cồng chiêng, nhà nhà treo cờ, làm bánh sừng trâu, chuẩn bị rượu cần để đón Tết. Với thông điệp “Vui Tết Độc lập, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Thái”, từ nhiều năm nay, ngày Tết Độc lập được các bản làng người Thái ở xã Châu Hạnh tổ chức như một ngày Tết chính thức của đồng bào. Khắp làng trên, bản dưới đều có các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao như cồng chiêng, múa dân vũ, uống rượu cần…
Ở huyện biên giới Kỳ Sơn, cộng đồng người Mông ở vùng biên viễn lại có cách ăn mừng Tết Độc lập độc đáo, gắn với ngày hội chọi bò. Từ đầu tháng 8, những chú bò chọi đã được chăm sóc kỹ lưỡng để chuẩn bị cho ngày hội. Mỗi chú bò chọi có giá cả trăm triệu đồng, là niềm tự hào của mỗi gia đình người Mông. Gia đình nào có bò được chọn để chọi ở lễ hội cũng rất tự hào. Sau khi lễ chọi bò kết thúc, bà con mổ lợn, gà ăn mừng, các gia đình tham gia thường sẽ góp cỗ chung, tất cả các thành viên đều vui vầy bên chóe rượu cần và nhảy múa thâu đêm.
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ ngày 29/8 đến ngày 2/9, nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Để tới lễ hội, bà con người Mông đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Đồng bào chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn, gái thì rực rỡ áo váy, xúng xính xuống chợ. Vào những ngày này, người dân các bản Mông trên địa bàn huyện Kỳ Sơn treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh. Thanh niên từ các bản xa đổ về những bản trung tâm như Huồi Tụ, Mường Lống để tham gia các trò chơi... Đây cũng là dịp để huyện Kỳ Sơn thu hút một lượng lớn khách du lịch và là cơ hội để huyện giới thiệu các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, các điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa...
Nô nức duyệt Đội
Ngay từ đầu tháng 8, hàng trăm đội viên của xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) đã kéo nhau về sân văn hóa xóm, xã để tập nghi thức Đội. Đây là truyền thống có từ hàng chục năm nay ở vùng quê này. Dù năm nào cũng diễn ra nhưng với người dân ở đây, năm nào cũng là sự kiện mới mẻ, hấp dẫn. Trong khi các cháu đến sân để tập luyện thì hàng ngày, từ 19h tối sau khi cơm nước xong, các cụ ông, cụ bà, các chị, các cô đã xếp ghế đầy đủ để cổ vũ cho các con, các cháu. Với họ, đây cũng là một đợt sinh hoạt lý thú không chỉ của trẻ con mà của toàn thể nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Thôn trưởng thôn Đông Kỷ B cho biết: Từ hơn 1 tháng nay, thôn chúng tôi và các thôn khác trên địa bàn xã Diễn Kỷ đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng hát, tiếng hô hào tập luyện. Không chỉ trẻ con mà người lớn cũng chộn rộn chờ ngày duyệt Đội mừng Quốc khánh. Để hỗ trợ các cháu ở quê chuẩn bị duyệt Đội, thôn Đông Kỷ đã huy động được khoảng 100 triệu đồng là nguồn hỗ trợ từ con em đi làm ăn xa ở trong Nam, ngoài Bắc và nước ngoài gửi về. "Dù xa quê hương, xa Tổ quốc nhưng ai cũng háo hức hướng về ngày Quốc khánh, về ngày duyệt Đội, bởi đây là những ngày lễ gắn với ký ức tuổi thơ của mỗi người dân Diễn Kỷ", ông Trọng cho biết.
Ông Trương Như Nghĩa – cán bộ văn hóa xã Diễn Kỷ cho biết: Không khí chuẩn bị cho lễ Quốc khánh ở huyện Diễn Châu nói chung và xã Diễn Kỷ nói riêng rất độc đáo. Cho đến nay, dù lực lượng đoàn viên, thanh niên ít đi nhiều, nhịp sống của các bạn trẻ lại chịu ảnh hưởng không nhỏ của thời số hóa, nhưng cứ mỗi dịp tháng 8 hàng năm, toàn xã lại nô nức không khí tập nghi thức Đội, diễn văn nghệ. Đến nay, kinh phí mà các thôn xã hội hóa được cho các hoạt động của ngày lễ trọng này lên tới 1 tỷ đồng.
Ông Đào Hồng Thanh – Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Diễn Châu cho biết: “Huyện Diễn Châu có truyền thống ăn Tết Độc lập từ rất lâu. Cứ vào dịp này, người dân dù đi làm ăn xa cũng đều trở về quê để tận hưởng không khí của tiếng trống duyệt Đội, của những đội "đụng lợn", để được hòa mình vào không khí chung của quê hương mừng ngày Quốc khánh...
Không riêng gì huyện Diễn Châu mà ở nhiều địa phương trong tỉnh như Hưng Nguyên, Yên Thành, Thanh Chương, Nam Đàn, không khí chuẩn bị cho Tết Độc lập cũng rất rộn ràng. Ở xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, những ngày này khắp làng trên, xóm dưới, nhà nào cũng hối hả dọn dẹp nhà cửa, chỉnh trang lại bàn thờ treo ảnh Bác Hồ. Khi việc trong nhà đã ngớt, chẳng ai bảo ai, mọi người lại kéo nhau ra dọn dẹp đường làng, treo cờ đỏ sao vàng khắp các ngả đường để chào mừng Quốc khánh. Ông Vương Hồng Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Khắp 19 xã, thị trên địa bàn huyện những ngày này đều được sống trong không khí mừng Tết Độc lập. Đối với người dân Nam Đàn, Tết Độc lập không chỉ là dịp được nghỉ lễ, gia đình được đoàn viên mà còn là ngày để biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại...