Xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ là vùng đất cổ, nơi vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Tiên Kỳ là nơi phát hiện những chứng tích của người Việt cổ có niên đại cách đây 2.300 – 2.500 năm. Nơi đây còn lưu dấu vết tích của nghĩa quân Lê Lợi thế kỷ XV trong cuộc đánh đuổi giặc Minh giữ yên bờ cõi. Không chỉ giàu bản sắc văn hóa độc đáo, mà tại đây còn có hệ thống núi đá vôi và các hang động hùng vĩ, nên thơ như hang Mó ở bản Thái Minh. Ảnh: Nguyễn Đạo Hang Mó nằm tại bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, cách Km0 đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 27 km, cách Quốc Lộ 7A (cầu Cây Chanh) xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn khoảng 14 km. Hang Mó là điểm đến yêu thích của người dân trong vùng và các huyện lân cận vào những ngày nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Đạo Theo người già trong bản kể lại: Ngày xưa, vùng quê Tiên Kỳ đói khổ, suốt một thời gian dài cây cối không thể sinh sôi nảy nở được do thiếu nước. Nhưng kỳ lạ, vào mùa mưa, nước trong hang Mó chảy ra ồ ạt, khiến ruộng đồng ngập úng, nhưng vào mùa khô, nước đọng lại trong hang, không chịu chảy ra ngoài gây khô hạn. Người dân xã Tiên Kỳ ước ao giá như tình thế có thể xoay chuyển. Ảnh: Nguyễn Đạo Trăn trở trước cảnh đói khát, mất mùa liên miên do sự bất thường của nguồn nước, đầu năm 1963, Bí thư Chi bộ HTX Kỳ Minh khi ấy là ông Lương Văn Hậu (SN 1927) vận động một số người dân cùng đi sâu vào hang để tìm hiểu thực hư. Ảnh: Nguyễn Đạo Rẽ rừng cây rậm rạp, họ tìm đến cửa hang. Cửa hang rất thấp, tối hun hút; những vỉa đá sắc nhọn như răng cá mập. Nhưng khi đi sâu vào bên trong là không gian rộng rãi, thoáng đãng; các vân đá, vách đá kỳ vĩ; ông Lương Văn Hậu và 5 người khác phát hiện dòng suối trong lòng hang khá lớn, chảy theo hướng lạ và mạch chảy không đều. Họ quyết định cạy đá chặn hướng chảy cũ, rẽ dòng cho nước chảy vào con suối dẫn ra phía cánh đồng... Nhờ đó, người dân đã có nước tưới đều đặn, cuộc sống người dân trở nên ấm no... Ảnh: Nguyễn Đạo Ngày nay, hang Mó còn giữ nguyên trạng vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ do tạo hóa ban tặng. Hàng năm, có hàng nghìn lượt du khách trong và ngoài huyện đã đến nơi này để thưởng thức không khí mát lạnh trong những ngày Hè và chiêm ngưỡng nét độc đáo, kỳ thú của các khối thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ. Để vào được hang Mó, du khách phải có người dân bản địa hoặc người từng khám phá dẫn đường, bởi trong hang tối đen như mực, người tham gia khám phá phải dùng đèn cầy, đèn pin để soi. Ảnh: Nguyễn Đạo Luồn mình qua những tảng đá nhấp nhô, chứng kiến không gian kiến trúc độc đáo, khác lạ, càng vào sâu vòm hang càng rộng và bằng phẳng như 1 trần nhà kiên cố. Từ những mạch ngầm trong lòng đất đá, dòng nước tinh khiết mát lạnh, hiền hòa 4 mùa tuôn chảy làm say đắm lòng người. Ảnh: Nguyễn Đạo Theo những người dân bản địa cho hay chưa ai đi được hết chiều dài của hang động này, nên nó vẫn luôn có sức hút với đối những ai đam mê khám phá. Họ dự đoán nếu đi hết hang tầm khoảng 2-3 tiếng, đã có nhiều đoàn người cùng rủ nhau khám phá nhưng hầu như mọi người chỉ đi đến đoạn khó nhất rồi từ bỏ. Ảnh: Nguyễn Đạo Trong hang những nhũ đá trải qua bàn tay nhào nặn của thiên nhiên trở thành 1 kiệt tác mê hồn, không những thế, những nhũ đá trong hang còn tạo ra nhiều hình dáng, hình vật kỳ thú. Ảnh: Nguyễn Đạo Tháng 7/2019, huyện Tân Kỳ đã công bố quy hoạch Khu Du lịch sinh thái hang Mó gắn với làng nghề dệt thổ cẩm bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ. Khu du lịch sinh thái hang Mó gắn với làng nghề dệt thổ cẩm bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ được Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000, có tổng diện tích 45 ha. Ảnh: Nguyễn Đạo Quy hoạch được được chia thành các phân khu chức năng và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan bao gồm: khu trung tâm được bố trí tại trung tâm khu quy hoạch, các hạng mục công trình xây dựng gồm nhà dịch vụ trung tâm, nhà điều hành, khách sạn nghỉ dưỡng, mua sắm, nhà spa, nhà hàng ẩm thực dân tộc, sân lễ hội, khu cắm trại. Ảnh: Nguyễn Đạo Khu cây xanh, mặt nước được quy hoạch trên nền cảnh quan tự nhiên hiện có, bao gồm các hạng mục; Khu tắm suối, khu vực trong hang Mó được tổ chức thành khu tham quan mạo hiểm, khám phá hang động với chiều dài khoảng 2 km. Huyện Tân Kỳ kỳ vọng, đến năm 2030, Khu du lịch sinh thái này sẽ đón khoảng 70.000 - 100.000 lượt khách, trong đó, khách lưu trú khoảng 50 - 70%. Ảnh: Nguyễn Đạo
Nhóm PV